Thái Nguyên với dân số khoảng 1,2 triệu người, phân bố trên địa bàn rộng, trong đó trên 80% diện tích và hơn 70% dân số sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Nhận thức rõ đây là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng, thời gian qua tỉnh rất quan tâm, tích cực tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn đang phát sinh một số vấn đề cần được giải quyết…
Tổ chức còn mang tính thời vụ
Sau khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tỉnh ủy đã có Kế hoạch số 83-KH/TU ngày 8-9-2009 để chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn. Từ đó đến nay, Thái Nguyên đã tổ chức 12 chương trình hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Trong đó, năm 2009, có 4 chương trình được tổ chức tại các chợ vùng cao của huyện: Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ và Võ Nhai; các hội chợ còn lại đã được tổ chức tại tất cả các cụm xã vùng sâu vùng xa của các huyện, thị xã trên địa bàn trong năm 2010. Các chương trình trên đã có sự tham gia của 624 doanh nghiệp (DN), với gần 700 gian hàng, lượng hàng hóa được bày bán khá phong phú, đa dạng, thu hút hàng chục vạn lượt khách tham quan, mua sắm, đạt tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Qua đó, nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt đã có những thay đổi tích cực, giúp ổn định mặt bằng giá. Tuy nhiên, với mức doanh thu 3 tỷ đồng trong tất cả các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã được tổ chức, trung bình mỗi DN chỉ đạt 48 triệu đồng. Số tiền này khó có thể đảm bảo DN đủ bù chi phí phát sinh, nên hiệu quả kinh tế không cao.
Bên cạnh đó, từ thực tế 2 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại địa phương, ông Bàng Toàn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Lương cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do hàng hóa được các DN bày bán tại hội chợ chưa thật phù hợp với nhu cầu của người dân nông thôn. Bởi lẽ, thời gian qua, DN trong nước đã bỏ ngỏ khu vực này nên chưa nắm bắt được tâm lý, thị hiếu của khách hàng nông thôn, chưa có cách quảng bá giới thiệu sản phẩm hiệu quả… Chỉ có một số mặt hàng thiết yếu, thực sự cần thiết hoặc đã quảng bá rộng rãi được người dân tiêu thụ mạnh như: hàng gia dụng, thực phẩm, may mặc, công cụ sản xuất, đồ sành sứ Hải Dương, bóng đèn Rạng Đông; giấy, bút, sách Hồng Hà... Còn các mặt hàng khác chưa có sự phong phú về chủng loại, mẫu mã, lại có giá cao nên khó cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, nhất là hàng Trung Quốc. Thêm vào đó, qua quá trình triển khai thực hiện, có thể thấy chương trình đưa hàng Việt về nông thôn hiện nay vẫn mang tính thời vụ, theo từng đợt mà chưa được tiến hành thường xuyên. Chủ yếu diễn ra vào hai thời điểm trong năm là trước hoặc sau Tết Nguyên đán và trước thềm năm học mới. Bởi, đây là thời điểm nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn tăng cao đối với một số mặt hàng thiết yếu, DN tham gia sẽ hạn chế được nguy cơ thua lỗ.
Nhiều DN chưa mặn mà
Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Thái Nguyên, một trong nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn đánh giá, khả năng thanh toán, sức mua của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa cao do thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này còn thấp. Các DN khó thu được lợi nhuận khi bán hàng chi phí vận chuyển hàng hóa về nông thôn cao, đội giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh, giảm lợi nhuận, trong khi đây là mục tiêu hàng đầu của các DN. Hiện nay, thị trường nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa còn ít có sự xuất hiện của hàng Việt, trong khi hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng Trung Quốc khá phổ biến. Cùng quan điểm với ông Khánh, ông Đặng Công Hoan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) còn cho rằng: Hiện nay, nhiều DN chưa thực sự mặn mà, quan tâm tới thị trường nông thôn. Một số DN chưa đánh giá đúng tiềm năng của khu vực này của tỉnh, địa bàn có 70% dân số, tương đương với gần 850 ngàn người. Tuy đã có 12 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức nhưng ít DN xây dựng thành công hệ thống phân phối tại những khu vực này. Một số DN tham gia các hội chợ chỉ với mục đích bán hàng đơn thuần và để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà chưa quan tâm tới xây dựng hệ thống phân phối tại nông thôn. Chính vì vậy mà cho đến nay kênh phân phối hàng Việt về nông thôn trên địa bàn Thái Nguyên vẫn rất thiếu và yếu. Theo số liệu của Sở Công Thương, tính đến năm 2010, toàn tỉnh có trên 27 nghìn đơn vị hoạt động thương mại, trong đó có 26.225 cơ sở kinh tế cá thể kinh doanh bán buôn, bán lẻ theo hộ kinh doanh (chiếm 97%), còn lại là các DN. Tuy số lượng lớn, nhưng hầu hết là các hộ kinh doanh thương mại hoạt động nhỏ lẻ, tự phát, thiếu chuyên nghiệp trong bán hàng. Trong khi đó, các DN hoạt động thương mại tuy có hệ thống quản lý, marketing hiệu quả nhưng lại kinh doanh chủ yếu ở khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư.
Cùng với đó, có một thực tế là hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn nhất là hệ thống các chợ còn yếu kém. Điều này cũng đang ảnh hướng tới việc đưa hàng Việt về nông thôn. Trong số 135 chợ trên địa bàn tỉnh có 99 chợ ở khu vực nông thôn, tất cả đều là chợ loại 3, tức là chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, phục vụ nhu cầu mua bán hàng hoá của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận là chủ yếu (Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14-1-2003 về phát triển và quản lý chợ). Tổng diện tích chợ nông thôn hiện có là 318.468m2, chiếm 67% tổng diện tích xây dựng chợ toàn tỉnh, nhưng diện tích kiên cố, chỉ đạt tỷ lệ 14%, tương đương với 44.615m2; diện tích bán kiên cố là 55.809m2, chiếm 17,5%; còn lại đại bộ phần là diện tích chợ tạm và ngoài trời. Thêm nữa, hầu hết các chợ ở khu vực nông thôn hiện nay là do nhân dân địa phương tự góp vốn xây dựng và tự quản lý nên chưa đảm bảo được yêu cầu về vệ sinh, bày bán sản phẩm… Điều đó làm cho nhiều đơn vị, DN hoạt động thương mại “ngại” khi xây dựng hệ thống bán hàng ở những nơi này. Đó là còn chưa nói đến, toàn tỉnh vẫn còn 45 xã chưa có hệ thống chợ, chủ yếu ở các xã vùng sâu vùng xa, khiến hàng hóa lưu thông gặp nhiều khó khăn.
Thiết nghĩ, việc đưa hàng Việt đi đến từng địa phương trong một số phiên chợ tập trung mới chỉ là bước khởi đầu, là điểm tự để các DN tiếp cận, xâm nhập thị trường nông thôn. Điều quan trọng là ở mỗi chương trình được tổ chức, các DN cần quan tâm tìm hiểu thị trường, nắm bắt tâm lý, thị hiếu người dân, từ đó xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa tại khu vực. Bên cạnh đó, đưa hàng Việt về nông thôn là một chủ trương lớn, được thực hiện trong dài hạn, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đơn vị, DN… Do vậy, các DN sản xuất hàng hóa cần quan tâm hơn nữa tới thị trường trong nước, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Bởi lẽ, muốn người Việt dùng hàng Việt thì các DN Việt phải thực sự vì người Việt…