5 năm trở lại đây, dịch bệnh trên gia súc và gia cầm ngày càng phức tạp, gây thiệt hại cho người chăn nuôi khi phải đối phó từng đợt dịch bệnh xảy ra.
Trong đó, các loại dịch bệnh nguy hiểm Thái Nguyên đã phải nỗ lực đối phó là lở mồm long móng(LMLM) gia súc; tai xanh ở lợn; cúm gia cầm; tụ huyết trùng trâu, bò, lợn… Cho đến nay, người chăn nuôi vẫn còn ám ảnh bởi dịch bệnh tai xanh xảy ra trên đàn lợn cách đây hơn 1 năm. Với tốc độ lây lan nhanh, dịch bệnh đã bùng phát ở 34 xã, thuộc 5 huyện, thành, thị với tổng số lợn mắc bệnh là 3.899 con, trong đó buộc phải tiêu hủy 2.908 con. Thời điểm đó, nhiều địa phương bị cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn đã tạo cơ hội cho nhiều đối tượng kinh doanh đẩy giá bán thịt lợn lên cao. Mới đây nhất là đợt dịch bệnh LMLM gia súc xảy ra cả trên địa bàn 9 huyện, thành, thị đã khiến cho gần 24 nghìn con gia súc mắc bệnh, trong đó có gần 18 nghìn con buộc phải tiêu hủy, số tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi lên tới trên 23 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí phục vụ chống dịch cũng lên tới trên 4 tỷ đồng…
Dù dịch bệnh LMLM đã được dập tắt hơn 1 tháng qua, nhưng người dân vẫn chưa thể tái đàn do giá cả mặt hàng thức ăn gia súc, giá lợn giống không ngừng “leo thang”. Bà Lê Thị Huyền, một người dân ở xóm Đình, xã Bình Thuận (Đại Từ) nói: Ai cũng thấy rõ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh gia súc, gia cầm tuy nhiên làm thế nào để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi là điều người dân chúng tôi rất quan tâm.
Đi tìm câu trả lời này, chúng tôi đã gặp và trao đổi với ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh. Ông Vinh cho hay: Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng trên, dưới 600 trang trại chăn nuôi. Theo đó, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn là khoảng 140 nghìn con, đàn lợn trên 550 nghìn con, đàn gia cầm trên 6,8 triệu con, sản lượng thịt xuất chuồng hăng năm tăng từ 5-10%. Khi chăn nuôi phát triển, các đại dịch xuất hiện là điều tất yếu bởi ngoài một số gia đình chăn nuôi trang trại, đa số các hộ dân trong tỉnh chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ, ý thức phòng chống dịch bệnh chưa cao. Do đó, để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi chúng tôi đã và đang tiến hành xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Qua tìm hiểu, được biết, từ năm 2006 đến nay, Chi cục Thú y đã tiến hành xây dựng vùng, cở sở an toàn dịch bệnh ở 180 xã, phường, thị trấn. Nơi được xây dựng an toàn dịch bệnh (LMLM gia súc; dịch tả lợn; cúm gia cầm; Newcastle gà; tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; cúm gia cầm) là các cơ sở chăn nuôi; kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm; các xã, phương, thị trấn có chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh hiệu quả, Chi cục đã chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ dân về biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cụm loa truyền thành cấp xóm, xã; tổ chức 37 lớp tập huấn cho các hộ dân về các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như LMLM gia súc, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm; thường xuyên đào tạo, tập huấn và củng cố đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là mạng lưới thú y cơ sở; xây dựng được 180 mạng lưới thú y cơ sở tại các xã, phường, thị trấn; hằng năm, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng, trại, thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, môi trường chăn thả. Bên cạnh đó là tổ chức tốt công tác tiêm phòng gia súc trong hai vụ chính và bổ sung trong năm đạt số lượng và chất lượng cao. Tỷ lệ tiêm phòng hàng năm đạt 50 - 60% tổng đàn gia súc…
Với nhiều biện pháp tích cực như trên nên 5 năm qua, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp và được các địa phương, cơ quan chuyên môn khống chế, dập tắt kịp thời như dịch tả lợn, Newcastle gà, dại chó. Các dịch bệnh nguy hiểm khác có xảy ra nhưng đã được khống chế, dập tắt. Công tác chẩn đoán xét nghiệm, giám sát tình hình dịch bệnh được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, Chi cục đã phối hợp với các Trạm Thú y tiến hành lấy 408 mẫu bệnh phẩm và huyết thanh để chẩn đoán, giám sát lưu hành vi rút LMLM; 8.941 mẫu bệnh phẩm, Sawb, huyết thanh, phân gia cầm để chẩn đoán, giám sát dịch bệnh; 79 mẫu bệnh phẩm, huyết thanh của lợn để chẩn đoán, giám sát bệnh tai xanh. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên của lực lượng Thú y, điều kiện vệ sinh ở các cơ sở chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ rệt, năm 2010, đã có trên 90% cơ sở đạt vệ sinh thú y môi trường chăn nuôi, 100% cơ sở có bể chứa chất thải để xử lý, 100% cơ sở có hố khử trùng, tiêu độc…
Mặc dù đạt được kết quả như vừa nêu trên, nhưng do nằm giáp ranh với một số tỉnh chưa xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh nên tỉnh ta đã bị ảnh hưởng đáng kể. Thời gian qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, LMLM hầu hết đều bị lây lan từ tỉnh bạn. Thêm vào đó, ý thức của người dân về vấn đề này chưa cao, chưa đồng đều, có hộ đã quan tâm tới phòng bệnh cho đàn vật nuôi, nhưng có hộ chỉ nghĩ tới lợi trước mắt mà không lường được hậu quả lâu dài. Đơn cử như nguyên nhân xảy ra dịch bệnh LMLM ở tỉnh vừa qua được xác định là do một hộ dân ở xã Bình Long (Võ Nhai) mua gia súc mắc bệnh của nơi khác về chăn nuôi. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh, do nhận thức hạn chế, người dân không thông báo kịp thời với lực lượng Thú y cơ sở mà tự ý giải quyết khiến cho dịch bệnh phát tán. Hơn nữa, mạng lưới thú y cơ sở đã được thành lập nhưng kỹ thuật chuyên môn hạn chế; công tác kiểm soát giết mổ chưa được thực hiện hiệu quả do thiếu các lò mổ tập trung…
Để bảo vệ đàn vật nuôi, trong thời gian tới, lực lượng Thú y sẽ tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các đầu mối giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, trong đó chú ý kiểm dịch tận gốc các động vật (ĐV), sản phẩm động vật (SPĐV) nhập từ nơi khác nhằm phát hiện và xử lý sớm các ĐV, SPĐV nghi mắc bệnh, không để lây lan trên diện rộng; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; đẩy nhanh việc xây dựng và quản lý giết mổ gia súc tập trung, có như vậy mới có khả năng kiểm soát được 100% gia súc giết thịt; tăng cường điều kiện vệ sinh thú y cho gia súc từ khâu thức ăn, nước uống, chuồng trại đến thuốc thú y....