Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước (CQHCNN), trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính.
Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 144 về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000 (nay là ISO 9001: 2008) vào các hoạt động quản lý Nhà nước. Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000, mô hình hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) được coi là một công cụ quan trọng hỗ trợ cho các CQHCNN trong việc chuẩn hóa các phương pháp làm việc, cải cách phương thức làm việc với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, công dân có liên quan; xây dựng một HTQLCL công việc trong cơ quan để giảm thiểu phiền hà, nhũng nhiễu, minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Để đẩy mạnh các nội dung cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục phê duyệt Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30); Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg. Trên cơ sở kết quả của Đề án 30, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng mô hình khung HTQLCL cho từng loại hình cơ quan hành chính tại địa phương (UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn trực thuộc). Nội dung triển khai của HTQLCL trong các CQHCNN bao gồm: phạm vi áp dụng HTQLCL trong CQHCNN theo kết quả của Đề án 30; những tài liệu cần xây dựng và áp dụng trong HTQLCL của cơ quan và quy định mẫu quy trình xử lý công việc cho CQHCNN .
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ năm 2008, tỉnh ta đã có 2 cơ quan là: Sở Nội vụ và Văn phòng UBND T.P Thái Nguyên triển khai thực hiện việc áp dụng HTQLCL vào quản lý. Năm 2009 có thêm 9 sở, ngành, năm 2010 có 17 đơn vị (gồm 9 sơ, ngành và các huyện, thị còn lại); năm 2011 có 15 đơn vị áp dụng. Theo đánh giá chung của Sở Khoa học và Công nghệ - đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ triển khai áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2008 vào hoạt động trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 thì: Đến thời điểm này đã có 11 đơn vị triển khai trong 2 năm (2008-2009) được cấp chứng chỉ ISO. Năm 2010, mới có 9/17 đơn vị báo cáo kết quả triển khai. Trong đó, chỉ có 2 đơn vị đã hoàn thành việc đánh giá chứng nhận; 2 đơn vị đã triển khai xây dựng HTQLCL xong và đang chuẩn bị đánh giá nội bộ; 4 sở đang triển khai xây dựng; 1 sở đang dừng ở bước tìm đơn vị tư vấn để xây dựng HTQLCL. Qua đánh giá của các đơn vị đã thực hiện cho thấy: Việc áp dụng HTQLCL đã đem lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động của các tổ chức nói chung và các CQHCNN nói riêng.
Về quản lý nội bộ, đã giúp cho lãnh đạo cơ quan quản lý hoạt động của đơn vị khoa học, hiệu quả hơn; kiểm soát chặt chẽ mọi quy trình, quá trình hoạt động trong cơ quan; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và giảm chi phí không cần thiết; mọi việc được kiểm soát và quy trách nhiệm rõ ràng; thúc đẩy nền nếp làm việc tốt, nâng cao tinh thần thái độ công chức... Về đối ngoại, tạo lòng tin cho nhân dân (nhất là ở những đơn vị có liên quan nhiều đến các tổ chức, công dân); củng cố lòng tin của cơ quan công quyền đối với nhân dân; đáp ứng đòi hỏi của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước...
Ông Nguyễn Quyết Tâm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thông qua việc thực hiện HTQLCL đã giúp cán bộ, công chức của cơ quan làm việc khoa học, hiệu quả hơn; giải quyết công việc tốt hơn; hoạt động quản lý hồ sơ tài liệu được thực hiện một cách nền nếp; khả năng giải quyết công việc theo đúng trình tự và thời gian các quy trình, thủ tục đã ban hành được nâng cao…
Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ quan đã triển khai áp dụng đều nhận thức đầy đủ lợi ích của việc áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia ISO 9001:2008. Qua khảo sát thực tế ở một số đơn vị thì việc áp dụng còn mang tính hình thức. Trong quá trình thực hiện các quy trình cũng còn nhiều vướng mắc. Ví dụ như ở Văn phòng Một cửa liên thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Các chính sách về thu hút đầu tư của tỉnh còn bất cập; một số quy định về khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, khi áp dụng HTQLCL sẽ lúng túng trong phương pháp làm việc và sự phối hợp giữa các ngành, huyện do thói quen, nên nếp làm việc cũ. Có nơi như: ở UBND huyện Đại Từ, các quy trình, thủ tục của HTQLCL xây dựng thành văn bản gần như theo Đề án 30 của Chính phủ, song trong quá trình đánh giá cấp giấy chứng nhận (GCN), Tổ chức đánh giá độc lập lại loại bỏ không đưa vào cấp GCN các quy trình trong lĩnh vực: chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, thế chấp quyền sử dụng đất.
Theo quy định của Chính phủ thì bắt buộc các cơ quan chuyên môn phải thực hiện áp dụng HTQLCL, đồng thời khuyến khích UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ quan sự nghiệp trực tiếp phục vụ quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp khác của nhà nước (các viện, trường, bệnh viện,...) xây dựng và thực hiện HTQLCL. Song, do chính sách thay đổi nên một số đơn vị đã được phê duyệt thực hiện năm 2010 đang gặp khó khăn do nguồn kinh phí cấp cho thực hiện các nhiệm vụ áp dụng HTQLCL còn hạn chế.
Ông Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: đơn vị là 1 trong 17 đơn vị được UBND tỉnh phê duyệt triển khai áp dụng HTQLCL từ năm 2010. Sở đã liên hệ với một số đơn vị tư vấn có đủ điều kiện tư vấn; xây dựng dự toán gửi Sở Tài chính để thẩm tra cấp kinh phí. Song, do cuối tháng 10-2010, Bộ Tài chính lại có Thông tư quy định công tác quản lý tài chính mới nên dự toán Sở xây dựng theo văn bản cũ không còn phù hợp. Bên cạnh đó, định mức chi phí cho tư vấn giảm nhiều so với (trước đây 150 triệu đồng/ 1 đơn vị tư vấn; nay chỉ còn 35 triệu đồng); làm cho các đơn vị tư vấn không “thiết tha” ký hợp đồng nữa. Vì vậy, đơn vị vẫn chưa tìm được đơn vị tư vấn thực hiện dự án”. Hoặc trong quá trình thực hiện, ở một số nơi “nhạy cảm” như: giải quyết các thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng, các loại hồ sơ liên quan đến chế độ, chính sách của các đối tượng được hưởng...vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà do nhận thức chưa đầy đủ của một số cán bộ, công chức. Năm 2011, mặc dù các cơ quan đã được UBND tỉnh phê duyệt cho 15 đơn vị thực hiện áp dụng HTQLCL, song đến thời điểm này chưa có kinh phí nên chưa đơn vị nào triển khai được. Vì vậy, ngành chức năng cần sớm cân đối kinh phí để các đơn vị triển khai kịp thời.
Việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các CQQLNN là rất cần thiết để đảm bảo lộ trình; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan và trách nhiệm phục vụ của cán, bộ công chức đối với nhân dân; tiến tới triển khai thống nhất trong cả nước. Vì vậy, các cơ quan cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ thực hiện áp dụng HTQLCL. Bên cạnh đó, UBND các xã, phường nhất là ở thành phố Thái Nguyên, nếu có thể cũng nên áp dụng HTQLCL nhằm thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ đề ra là xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, công khai minh bạch.