Theo Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), để thực hiện được 19 tiêu chí theo quy định thì “đụng” vào đâu cũng đều cần vốn, trong đó, có những tiêu chí sẽ được Nhà nước đầu tư vốn 100% như: công tác quy hoạch, làm đường giao thông đến trung tâm các xã, xây dựng trụ sở xã, xây dựng trường học, trạm y tế đạt chuẩn, công tác đào tạo kiến thức về XDNTM cho cán bộ thôn, xóm; có những tiêu chí Nhà nước chỉ đầu tư một phần như: đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng, nhà văn hoá thôn, xóm, bản; có những tiêu chí người dân tự thực hiện như chỉnh trang nhà cửa, thu gom rác thải, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp... Vì vậy, nhu cầu vốn cho thực hiện các tiêu chí rất lớn như, nhất là những tiêu chí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng cần có sự đối ứng của nhân dân...
Thử tìm hiểu ở 2 xã điểm, một xã có xuất phát điểm không thuận lợi như xã Huống Thượng của Đồng Hỷ. Đây là xã có vị trí địa lý không thuận lợi về giao thông. Xã như một “ốc đảo”, muốn vào được xã phải đi qua 2 cây cầu treo và một cây cầu phao. Vì thế kinh tế ở không mấy phát triển do chủ yếu người dân tự cung, tự cấp. Xã không có lấy một doanh nghiệp hay đơn vị nào đóng trên địa bàn. Hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Đa số các hộ dân sống bằng nghề nông. Vì vậy, sự huy động tham gia đóng góp của dân là khó khăn. Theo ông Phạm Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã, Phó Ban quản lý XDNTM của xã cho biết: Đường giao thông của xã cần kiên cố hóa 56 km, trong đó đã xây dựng được 29 km; tuyến kênh mương nội đồng mới xây dựng được 22 km (kế hoạch 44 km). Để thực hiện được các tuyến đường bê tông và kênh mương trên, mặc dù với cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (Nhà nước đầu tư bằng xi măng với kinh phí đóng góp bằng 60%; còn 40% nhân dân đóng) nhưng cũng còn chật vật; con đường quyết toán xong, có hộ vẫn chưa nộp được tiền đóng góp. Trong khi đó, qua đánh giá, xã còn 7 tiêu chí chưa thực hiện được. Song, hầu hết các tiêu chí đều cần đến sự đóng góp lớn của dân như: làm chợ, giao thông nội đồng, hoàn thiện nốt cơ sở hạ tầng (đường bê tông, kênh mương, xây dựng nhà văn hoá xóm). Trong khi đó, năm 2011, huyện không còn cơ chế hỗ trợ xi măng để làm đường bê tông; cơ chế hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương cũng dần cắt giảm. Đây là bài toán khó cho những xã còn nghèo như Huống Thượng.
Xã điểm thứ hai là Tân Cương của T.P Thái Nguyên. Đây là một trong những xã có điều kiện thuận lợi hơn, vì người dân ngoài nghề nông còn sản xuất chè hàng hoá. Theo ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM xã cho biết: Qua đánh giá của BCĐ XDNTM Thành phố thì xã cũng còn đến 7 tiêu chí chưa đạt, trong các tiêu chí đạt được có những tiêu chí nhỏ cũng chưa đạt. Ví dụ như tiêu chí đường giao thông nông thôn, về cơ bản xã đã xây dựng xong, nhưng so với tiêu chí của Bộ Giao thông - Vận tải lại chưa đạt, vì lòng đường liên thôn hiện tại rộng có 2,5 m, theo quy định của Bộ GT-VT phải rộng 4 đến 5m, vỉa hè tối thiểu mỗi bên rộng 1 đến 2 m; lòng đường ngõ xóm rộng 3,5 đến 4 m; hoặc tiêu chí về điện thắp sáng, xã có 15/16 xóm người dân được sử dụng điện trực tiếp đến hộ, vẫn còn 1 xóm (Tân Thái) người dân phải mua điện qua công tơ tổng; hoặc tiêu chí nhà văn hoá xóm mới có 8/16 nhà văn hoá đạt chuẩn; còn 2 xóm chưa có nhà văn hoá; nhà văn hoá - thể thao của xã chưa có gì... Đây là những tiêu chí xã còn phải hoàn thiện trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo kế hoạch của T.P Thái Nguyên, Tân Cương sẽ là đơn vị phải hoàn thành Chương trình XDNTM vào năm 2014, về trước kế hoạch 1 năm. Trong thời gian ngắn như vậy, xã sẽ phải huy động một lượng vốn lớn cùng một lúc để thực hiện xây dựng nhà văn hoá xóm, nhà văn hoá - thể thao xã, làm đường (mặc dù có sự hỗ trợ của Nhà nước) là vấn đề cũng rất khó khăn.
Năm 2011, toàn tỉnh được cấp tổng kinh phí thực hiện Chương trình XDNTM là 19 tỷ 792 triệu đồng, trong đó 2 tỷ 100 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, lồng ghép với các chương trình khác, còn lại 17 tỷ 692 triệu đồng thực hiện các công việc: lập quy hoạch; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại các xã điểm; hỗ trợ phát triển cây chè, chăn nuôi, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền. Tỉnh cũng đã thông báo kế hoạch vốn đến các huyện, thị, thành từ tháng 4-2011. Ông Vương Xuân Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: Xã cũng vừa nhận được Quyết định giao kế hoạch vốn Chương trình nông thôn mới năm 2011 của huyện Đồng Hỷ triển khai đến các xã, trong đó tổng nguồn vốn thực hiện của cả huyện là 1.645 triệu đồng, chủ yếu thực hiện công tác quy hoạch (3 xã điểm được 70 triệu đồng/xã; 12 xã còn lại 50 triệu đồng/xã); hỗ trợ các hoạt động triển khai sản xuất 700 triệu đồng tại 3 xã điểm; hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp tại các xã điểm 300 triệu đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất cây chè 200 triệu đồng, hỗ trợ sản xuất chăn nuôi 200 triệu đồng; đào tạo tập huấn 75 triệu đồng; quản lý tuyên truyền 60 triệu đồng (mỗi xã 4 triệu đồng). Đây là cơ sở để các xã chủ động triển khai các công việc, nhiệm vụ nào làm được trước thì triển khai ngay. Song, cũng có xã như Tân Cương, Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) lại chưa nhận được kế hoạch phân bổ vốn thực hiện trong năm nay.
Nguồn vốn từ ngân hàng là một trong những kênh đầu tư vốn thông qua người dân để hỗ trợ đầu tư cho sản xuất, thực hiện vốn đối ứng thuộc Chương trình. Song, anh Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Là đơn vị phục vụ vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nên khi tiếp cận Chương trình XDNTM theo chủ trương của Nhà nước, Ngân hàng cũng đã nhanh chóng triển khai, nhưng việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư cho nông nghiệp nông dân phải phụ thuộc rất lớn vào các ngành liên quan. Để xây dựng phương án đầu tư vốn thì “trong tay” ngân hàng cũng cần phải biết được hàng năm các địa phương cần đầu tư vào công trình gì, ở đâu, vốn Nhà nước là bao nhiêu, vốn ngân hàng đầu tư là bao nhiêu? Từ đó mới có lộ trình cụ thể để phân kỳ đầu tư. Tuy vậy, đến giờ phút này, ngân hàng cũng chưa có cơ sở nào để xây dựng phương án cho mình.
Từ thực tế trên cho thấy, ngay từ bây giờ các ngành được tỉnh phân giao nhiệm vụ nên sớm nhanh chóng xây dựng công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết để chuẩn bị cân đối nguồn vốn và phân kỳ đầu tư hợp lý từ nay đến năm 2015. Đặc biệt các xã cần phải đánh giá thật kỹ hiện trạng các tiêu chí theo hướng dẫn của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM để làm thế nào chi phí thấp nhất, nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao; tránh huy động sức dân “quá sức” cùng một lúc. Các ngành liên quan sớm hoàn thiện nhiệm vụ được giao để các đơn vị chức năng có cơ sở cân đối, phân bổ nguồn vốn cho những năm sau, vì thời gian từ nay đến cuối năm cũng không còn nhiều. Những huyện, thành nào chưa thông báo kế hoạch vốn đến các xã cũng nên sớm triển khai để các xã chủ động và ưu tiên những công việc nào có thể thực hiện trước thì nên làm. Vốn là điều kiện quan trọng để thực hiện tốt Chương trình XDNTM. Trong quá trình thực hiện sẽ còn rất nhiều thứ phát sinh cần đến vốn. Nếu không chuẩn bị tốt nguồn vốn ngay từ bây giờ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ Chương trình đã đề ra.