Nỗ lực giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ

08:07, 02/07/2011

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là một trong những dự án trọng điểm nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh ta và các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt, tuyến đường này góp phần quan trọng giải quyết vấn đề ách tắc và tình trạng tai nạn giao thông trên Quốc lộ 3 hiện nay. Xác định vai trò, ý nghĩa to lớn đó, công tác giải phóng mặt bằng đã được ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh nơi có tuyến đường đi qua nỗ lực thực hiện. Vậy nhưng, đến nay vẫn còn một số điểm vướng mắc về mặt bằng; tiến độ thi công của các nhà thầu cũng còn chậm…

 

Trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn đi qua địa phận xã Hồng Tiến (Phổ Yên), đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành phần nền đường. Thế nhưng, ngay giữa lòng nền đường ở khu vực xóm Mãn Chiêm, đến nay vẫn tồn tại một “cái hố” rộng chừng 30m2. Đây vốn là mảnh ruộng của gia đình ông Hà Văn Quyển, ở xóm Mãn Chiêm. Lấy lý do diện tích 3 mảnh ruộng của nhà mình chưa được các cơ quan chức năng đo đạc để đền bù chính xác (theo ông Quyển thì vẫn còn thiếu hơn 12m2 so với thực tế), gia đình ông đã ngăn không cho đơn vị thi công san lấp 1 mảnh ruộng trong quá trình làm nền đường. Vì thế mới có “cái hố” kể trên.

 

Bà Đinh Thị Nhương, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phổ Yên cho biết: Ngoài vướng mắc của gia đình ông Quyển, việc giải phóng mặt bằng tuyến chính  đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn qua địa bàn huyện (dài hơn 8km) cũng còn một số điểm vướng nữa ở các xã Đông Cao, Tân Phú, Hồng Tiến. Cụ thể là: Hộ bà Nguyễn Thị Hệ ở xóm Yên Mễ (xã Hồng Tiến) đòi đền bù một phần đường dân sinh vào nhà mình. Hộ ông Hà Văn Tình ở xóm Đình (xã Tân Phú) có tranh chấp phần tiền đền bù diện tích đất ruộng với 5 hộ ở xã Đông Cao (giữa hai bên đã trao đổi ruộng với nhau  từ trước đó) nên 5 hộ ngăn cản không cho thi công nền đường qua phần ruộng này. Hay trường hợp các hộ ông Trần Văn Năm và Trần Sỹ Trung ở xóm Đỉnh (xã Tân Phú) đang tranh chấp đất ruộng canh tác với tập thể xóm Xây (xã Thuận Thành)…

 

Ông Lê Thanh Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên khẳng định: Tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng để thi công đường cao tốc qua địa bàn huyện là trên 120ha. Đến nay diện tích còn có vướng mắc chỉ vào khoảng 1.000m2, nhưng cũng gây ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Do đó UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng (như Phòng Tài nguyên - Môi trường, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Tòa án Nhân dân huyện…) cần tập trung nhân lực cố gắng xử lý dứt điểm các vụ việc vướng mắc trong nửa đầu tháng 7 này, bảo đảm có mặt bằng “sạch” bàn giao cho nhà thầu…

 

Trong cuộc làm việc gần đây với chúng tôi, ông Bạch Văn Trọng, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cung cấp thêm thông tin: Thời gian qua, Ban đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi qua nỗ lực thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công, đến nay đã đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, trên toàn tuyến vẫn còn khoảng 10% diện tích mặt bằng chưa được giải phóng, ngoài huyện Phổ Yên còn có một số điểm vướng mắc ở T.X Sông Công, T.P Thái Nguyên. Xác định rõ tầm quan trọng của tuyến đường này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý các dự án giao thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương giải quyết các điểm vướng mắc, phấn đấu hoàn thành việc này trong tháng 7-2011.

 

 

Thi công đường dẫn và cầu vượt Quốc lộ 3 trên tuyến đường cao tốc Hà Nội Thái Nguyên, thuộc khu vực xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên). Ảnh: Thế Hà

 

Riêng trên địa bàn T.P Thái Nguyên, điểm vướng mắc nhất là tại xóm Ngân và xóm Sau của xã Lương Sơn. Các ông Phạm Văn Hoa, Bí thư Chi bộ xóm Ngân và Nguyễn Văn Định, Bí thư Chi bộ xóm Sau đều thừa nhận: Trên địa bàn các xóm, nhìn chung bà con rất ủng hộ dự án xây đường cao tốc. Tuy vậy, vẫn còn một số hộ vì chưa nhất trí với diện tích đất ruộng, đất vườn đồi đã được cơ quan chức năng đo đạc, kiểm đếm để tiến hành đền bù, hoặc lấy lý do đất ở khu tái định cư chưa ổn định… nên chưa bàn giao mặt bằng. Với những trường hợp này, cán bộ xóm chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ tầm quan trọng của tuyến đường cao tốc này, cùng chung tay với Nhà nước thực hiện dự án bảo đảm kế hoạch. Song, chúng tôi cũng đề nghị trong quá trình tính toán bồi thường giải phóng mặt bằng, các cơ quan liên quan cần tiến hành các bước một cách công khai, dân chủ và đúng luật, tránh gây thiệt thòi cho nhân dân...

 

Bên cạnh những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng thì tiến độ thi công một số hạng mục trên tuyến đường cao tốc hiện nay đã chậm so với kế hoạch. Các đơn vị thi công chính gồm liên danh các nhà thầu: Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (CIENCO8), Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long (TLG), Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (TSC) và Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam. Được biết, trong lúc hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn trong nước hiện nay bị đình hoãn, giãn tiến độ hoặc vốn được cấp rất nhỏ giọt, thì việc đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên không bị ảnh hưởng về vốn được coi là một lợi thế không nhỏ. Mặt bằng thi công tuyến đường hiện nay cũng không còn vướng nhiều. Bên cạnh đó còn có thể kể tới việc khi bỏ thầu, các nhà thầu đã tính đến yếu tố trượt giá để bỏ giá hợp lý (hầu hết các gói thầu đều vượt giá trần, thậm chí có gói vượt tới khoảng 10%). Tuy nhiên, hiện nay, dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan chức năng, khối lượng thi công đạt thấp. Theo thông tin chúng tôi nắm được, đến giữa tháng 6 vừa qua các nhà thầu mới chỉ thi công đạt giá trị sản lượng trên 20% kế hoạch, tính về thời gian thì đã chậm khoảng 3 tháng so với cam kết ban đầu. Trong thời gian qua tuy có khó khăn về thời tiết, một số đoạn còn thiếu mặt bằng, nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thi công chậm là do các nhà thầu chưa thực sự dồn sức, dồn lực để sát cánh cùng chủ đầu tư (đại diện là Ban Quản lý dự án giao thông 2 thuộc Bộ Giao thông - Vận tải) đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…

 

Dự án đường cao tc Hà Ni - Thái Nguyên là d án đặc bit quan trng trong vic kết ni mng lưới giao thông khu vc phía Bc Th đô Hà Ni, có ý nghĩa hết sức to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Bắc (đặc biệt là với Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng). Nhằm khắc phục tình trạng chậm tiến độ thi công tuyến đường đoạn qua địa bàn tỉnh ta, mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã có các cuộc làm việc cũng như văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo cơ quan hữu quan yêu cầu các nhà thầu cần nỗ lực hơn nữa, tập trung nhân lực, máy móc thiết bị phục vụ thi công. Hy vọng với sự vào cuộc ráo riết của các cấp, ngành chức năng, tuyến đường cao tốc quan trọng này sẽ được hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2013 theo đúng kế hoạch.