Nông dân ít đất vẫn làm giàu

08:20, 08/07/2011

Bình An, xã Bình Long (Võ Nhai) là xóm thuần nông nghiệp nhưng diện tích đất canh tác lại quá ít, xóm nằm dọc hai bên bờ sông Bậu nhưng hệ thống thủy lợi hầu như chưa được đầu tư xây dựng. Song, với bản tính chăm chỉ, cần cù lao động của người dân miền xuôi lên xây dựng đời sống kinh tế mới và có thêm sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, 37 hộ dân nơi đây đã và đang cải tạo vùng đất cằn cỗi này trở thành vùng đất trù phú...

 

Trong một ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp đến xóm Bình An, xã Bình Long Võ Nhai. Điều gây cho chúng tôi nhiều ấn tượng khi đến xóm An Bình là những bông lúa trĩu nặng vàng óng, những bắp ngô to đã bắt đầu cho thu hoạch. Và đặc biệt, nhiều bãi ngô gần nhà các hộ dân còn được quây kín bằng lưới để chăn nuôi gà. Đó là cách người dân nơi đây đang bắt đất số quỹ đất ít ỏi của mình "đẻ ra" thật nhiều tiền.

 

Khi ra ở riêng, hai vợ chồng anh Trần Hữu Tuấn được bố mẹ chia cho 7 sào đất bãi gần nhà. Anh dành toàn bộ số diện tích đất này để trồng ngô lai và làm chỗ nhốt nuôi gà lai mía. Anh cho hay: Khi cây ngô đã bắt đầu cao khoảng 60 - 70 cm, gia đình quây kín bãi bằng lưới và mua gà con về nuôi. Vì lúc này, cây ngô đã cao, gà con chỉ có thể mổ những cây cỏ dưới cây. Khi đàn gà đã lớn thì cây ngô trỗ cờ, vào chắc hạt. Chăn nuôi gà thả vườn không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính khá lớn mà chúng tôi còn tận dụng được phân gà để trồng trọt. Từ chăn nuôi gà, mỗi năm, gia đình tôi thu được hàng chục tấn phân gà, thừa sức chăm bón cho 7 lúa, 7 sào ngô. Nhìn đàn gà sắp được xuất chuồng của gia đình anh Tuấn đang nằm tránh nắng dưới những gốc ngô xanh tốt, chúng tôi thầm cảm phục cách làm hay, rất sáng tạo của người dân xóm Bình An. Quả thực, tuy chúng tôi cũng đã được đi thực tế tại nhiều xóm, bản khác của huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ nhưng chưa nơi nào tận dụng triệt để quỹ đất để sản xuất như ở nơi đây. Ngoài gia đình anh Tuấn, rất nhiều hộ trong xóm cũng đang duy trì hình thức chăn nuôi kết hợp với trồng trọt này.

 

Ông Đàm Quang Tu, Bí thư chi bộ xóm Bình An bộc bạch: Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, hơn chục hộ dân từ Khoái Châu (Hưng Yên) đã về đây định cư để xây dựng đời sống kinh tế mới. Trước kia, dù rất chăm chỉ, cần cù lao động và biết tiết kiệm nhưng người dân nơi đây vẫn cứ nghèo. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân quen trồng những giống lúa, ngô cũ kém năng suất, chăn nuôi với quy mô mỗi lứa từ 2-3 con lợn, vài chục con gà. Thêm vào đó, diện tích đất canh tác quá thì ít (khoảng 12ha đất lúa, 16 ha đất hoa màu), điều kiện tưới tiêu cũng không được thuận lợi do xóm chưa có các công trình thủy lợi, chỉ canh tác được một vụ/năm. Giữa lúc người dân xóm Bình An đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì năm năm 2005, Đảng bộ xã đã đề ra Nghị quyết là phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nghị quyết như "thổi vào" đó một luồng sinh khí mới, giúp người dân tìm hướng đi đúng để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

 

Chi bộ đã xây dựng Chương trình hành động được các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong xóm tích cực hưởng ứng. Một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi, thay thế giống ngô cũ bằng những giống ngô lai có năng suất, chất lượng cao, chủ động mua sắm máy bơm nước để để tưới tiêu kịp thời phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Chi bộ, Ban nhân dân xóm còn đề nghị với UBND xã, các phòng chức năng của huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho bà con; phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhân dân ở xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân được vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển sản xuất...

 

Có thể nói, đến nay, người dân xóm Bình An không những đã chọn lựa được cho mình loại cây, con phù hợp (như giống lúa Khang dân đột biến, Viet lai 20, giống lúa ngô lai LVN999, CP989...) mà còn mở rộng được diện tích gieo trồng, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đất đai đã không còn để hoang hoá. Đặc biệt, bà con đã tìm được cho mình mô hình chăn nuôi nuôi gà Lai mía thả vườn đem lại hiệu quả kinh tế rất thiết thực. Hầu như hộ nào cũng đều tham gia chăn nuôi gà lai mía thả vườn với quy mô từ 500 đến 3.000 con/lứa, góp phần đưa xóm Bình An trở thành một trong những xóm có số lượng gà lớn nhất xã.

 

Từ việc đưa các loại giống có năng suất cao vào trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn, nhiều hộ trong xóm đã thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Huy Cúc. Gia đình anh có 1,2 mẫu đất ruộng và 2 mẫu đất bãi. Trước kia, do gia đình anh chỉ cấy được 1 vụ lúa, trồng 1 vụ màu, chăn vài con chục con gà nên nguồn thu rất thấp. Từ năm 2006 đến nay, gia đình anh đã đưa giống ngô lai có năng suất cao vào trồng, đồng thời vận dụng thâm canh tăng vụ kết hợp với chăn nuôi gà lai mía thả vườn, góp phần tạo việc làm và đem lại nguồn thu nhập khá lớn. Anh cho biết: Năm ngoái, từ việc kết hợp cấy 2 vụ lúa, trồng 2 vụ ngô, gia đình đã thu được khoảng 4 tấn thóc, 5 tấn ngô. Ngoài ra, chúng tôi còn có thêm một nguồn thu nhập khoảng 160 triệu đồng từ việc chăn nuôi gà lai mía thả vườn.

 

Giờ đây, diện mạo vùng quê xóm Bình An đã và đang từng ngày được khởi sắc. Nếu như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của xóm là trên 40% thì đến năm 2010, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 16%. Nhiều hộ đã mua được máy cày, xe máy và nhiều tiện nghi đắt tiền trong gia đình. Có được kết quả đó là nhờ có sự  cần cù lao động, ham học hỏi, tìm tòi của người dân, sự định hướng kịp thời của cấp ủy đảng ở địa phương...