Đầu tư manh mún khó mang lại hiệu quả

10:21, 01/08/2011

Sau gần 20 năm triển khai, Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn đã mang lại hiểu quả thiết thực cho người dân…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình cũng đã bộc lộ những hạn chế bởi khoảng 40% công trình có giá trị đầu tư thấp (dưới 1 tỷ đồng) đang có biểu hiện xuống cấp.

 

Một trong những công trình cấp nước đang bị xuống cấp nhanh chóng phải kể đến là công trình cấp nước sinh hoạt xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ). Công trình này được xây dựng năm 2004 với kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Khi công trình hoàn thiện, chỉ có trên 50 % hộ dân được hưởng lợi. Ông Bàn Tài Vượng, một người dân ở xóm Bãi Bông nói: Tiếng là hộ dân được hưởng lợi từ công trình nhưng nước về đến gia đình tôi chỉ được chăng hay chớ. Không những vậy, nguồn nước không ổn định này chỉ duy trì được trong 7 tháng, còn 5 tháng mùa khô, công trình không có nước. Lý giải về tình trạng này, ông Đặng Văn Thành, Tổ trưởng Tổ Quản lý, vận hành công trình cho hay: Do đường ống từ cửa lấy nước dẫn về bể lắng được lắp đặt quá nhỏ làm cho áp suất thấp nên không có nước. Đó là chưa kể chất lượng xây dựng công trình cũng có vấn đề. Năm 2009, Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh đã đầu tư hơn 800 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa công trình.

 

Đưa chúng tôi đi “mục sở thị” vị trí đặt bể lắng của công trình, ông Thành giải thích rằng khi sửa chữa, phần nắp bể được bóc tách, dỡ bỏ thì mới lộ ra toàn là cát sỏi. Sau đó, ông dẫn chúng tôi đi hơn 4 km đường rừng để đến được vị trí cửa hang lấy nước gọi là Chòi Lũng. Ông đã phải mất khá nhiều thời gian để bê hết các tấm đan đặt trên họng vòi lấy nước được che bằng một tấm lưới. Những tấm đan và tấm lưới này là phần tự chế thêm của Ban quản lý công trình nhằm hạn chế bùn lắng và cây que bị hút vào đường ống. Theo thiết kế ban đầu, công trình này sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho 233 hộ dân trong xã. Tuy vậy, ngay cả sau khi nâng cấp, sửa chữa thì mới có 193 hộ dân được hưởng lợi. Vì vậy mà một số hộ dân đã không mặn mà trong việc đóng góp vốn đối ứng để xây dựng. Ông Vũ Đức Phong, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Đến nay, các hộ dân vẫn còn nợ 10% vốn đối ứng xây dựng công trình. Một số hộ khác còn tuỳ tiện trích nước trước công tơ, đúng ra là ăn cắp nước, gây khó khăn cho việc quản lý, vận hành.

 

Rời xã Hợp Tiến, chúng tôi tiếp tục đi tìm hiểu thực tế ở công trình nước sinh hoạt của bản Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ). Với mục tiêu phục vụ nước sinh hoạt cho 73 hộ dân, ngay khi công trình trị giá gần 1 tỷ đồng này được hoàn thành, chủ đầu tư (Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn) giao cho Tổ quản lý của bản vận hành. Tuy nhiên, Tổ quản lý không quan tâm bảo dưỡng như sục đường ống, làm sạch bể… nên công trình nhanh chóng bị hư hại. Vào tháng 06-2011, sau vài năm hoạt động, công trình nước của bản Lân Quan bị dừng hoạt động do cả một khoảng núi đổ xuống, lấp cửa hang lấy nước. Một tảng đá nặng cỡ hàng chục tấn nằm đè lên trên bể lắng, phần đầu nguồn của công trình coi như bị xoá sổ.

 

Theo ông Hoàng Văn Giới, một người dân trong bản, từ khi công trình này bị hỏng, dân bản lại đi lấy nước ở các khe suối về dùng. Hầu hết, nguồn nước như vậy ít nhiều đều bị ô nhiễm vì là nước từ lò quặng chì kẽm hoặc nước thải của chính các hộ dân ở đây chảy ra. Qua kiểm tra, Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh đã lên kế hoạch xây dựng cửa hang lấy nước tại vị trí mới. Cùng với duy tu, sửa chữa, chắc chắn giá trị sửa chữa sẽ chẳng ít hơn so với xây mới là bao. Nhận định về hiện tượng công trình nước ở bản Lân Quan bị hỏng, ông Lê Viết Quý, Phó trạm Trưởng Trạm dịch vụ xây dựng công trình nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh cho rằng: Đối với các công trình có giá trị đầu tư thấp, quy mô nhỏ khi được giao cho các tổ quản lý của địa phương thì hiệu quả sử dụng sẽ rất thấp.

 

2 công trình trên chỉ nằm trong hằng chục công trình cấp nước có giá trị đầu tư dưới 1 tỷ đồng đang xuống cấp hoặc đã bị hư hỏng. Ông Đặng Huy Thành, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh cho biết: Trên thực tế, định xuất đầu tư của một công trình cấp nước tại vùng sâu, vùng xa rất lớn do công vận chuyển nguyên vật liệu, giá nhân công cao... Khi công trình xuống cấp, giá trị duy tu sẽ không kém là bao so với xây mới một công trình tương tự. Do vậy, để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2006, Trung tâm đã dừng việc đầu tư xây dựng dàn trải, manh mún chạy theo số lượng công trình.

 

Với chiến lược đầu tư mang tính đồng bộ, tập trung vào các cụm dân cư lớn với quy mô từ 1.000 đến 2.000 hộ hưởng lợi, Trung tâm tập trung xây dựng những công trình hiện đại, bền vững và có đội ngũ chuyên nghiệp quản lý, khai thác vận hành. Được biết, 5 năm qua, đã có nhiều công trình nước sinh hoạt với tổng giá trị đầu tư lớn được hoàn thành, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Trong đó, minh chứng sống động nhất là công trình cấp nước sinh hoạt trị giá 5,9 tỷ đồng ở xã Bình Long (Võ Nhai), được đưa vào sử dụng 1 năm trước. Đây là công trình khai thác nước ngầm (áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay), được xử lý bằng thiết bị lọc áp lực, khử trùng nguồn nước bằng khí ôzon. Theo đó, nguồn nước đã được đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Với 51 km đường ống dẫn và công suất 480 mét khối/ngày, công trình đã cấp nước về tới 738 hộ dân…