Kết thúc nhiệm kỳ 2005- 2010, Đảng bộ xã Xuân Phương, Phú Bình khoá XVIII đã đạt được những mục tiêu phát triển KT-XH hết sức quan trọng…
Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn đến năm 2010 đạt trên 60 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm 55%, giá trị thu nhập từ các ngành nghề thương mại và dịch vụ tăng từ 25% (năm 2005) lên gần 45%, thu nhập bình quân mỗi nhân khẩu tăng từ 3,5 triệu đồng/năm (năm 2005) lên gần 8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa đang tạo ra những chuyển biến tích cực, tạo đà cho Xuân Phương xây dựng nông thôn mớí.
Những năm từ 2005 về trước, Xuân Phương là một xã thuần túy sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Bình. Giá trị sản xuất hàng năm chỉ đạt gần 20 tỷ đồng, trong đó gần 90% giá trị từ sản xuất nông nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chỉ chiếm gần 10%, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm mới chỉ đạt 3 triệu đồng. Trăn trở lớn nhất đối với Đảng bộ xã là phải nhanh chóng phá thế độc canh cây lúa, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005- 2010, Đảng bộ xã đã xác định mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất; nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, trong đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt.
Thế mạnh là sản xuất nông, lâm nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng cần phải thay đổi tập quán sản xuất cũ bằng những ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Song Hào tâm sự: “Thuần nông cũng là thế mạnh, nếu đưa phương pháp mới hiệu quả cao hơn vào sản xuất, người nông dân sẽ dành được nhiều thời gian, công sức đầu tư cho phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...”.
Sau khi rà soát lại quy trình tổ chức sản xuất, xã đã tiến hành quy hoạch lại các vùng sản xuất, bảo đảm tính đồng bộ cho công tác chỉ đạo, như phải tiến hành gieo cấy đại trà lúa lai, nhằm tăng năng suất; quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất công nghệ cao là làm lúa giống; quy hoạch lại vùng sản xuất vật liệu xây dựng, tránh ô nhiễm môi trường. Sau khi thống nhất công tác quy hoạch, xã tiến hành công bố và tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân nắm bắt chủ trương cũng như kế hoạch tổ chức sản xuất. Vụ mùa đầu tiên với hơn 300ha lúa đã cho thu hoạch đạt năng suất trên 47 tạ/ha, tăng gần 5 tạ so với năm 2004. Cũng trong năm 2005, sản lượng lương thực toàn xã đã vượt lên gần 3200 tấn, tăng gần 200 tấn so với năm 2004, nâng bình quân lương thực đầu người trong năm từ 400kg lên 420kg.
Từ kết quả này, liên tục các năm sau trên các diện tích cấy lúa đại trà, toàn xã đã thực hiện gieo cấy gần 100% diện tích bằng giống lúa lai, cho năng suất đạt gần 49 tạ/ha, sản lượng lương thực mỗi năm tăng trên 100 tấn, bình quân lương thực đầu người trong năm tiếp tục được nâng lên trên 430kg. Sản xuất lương thực tạo được thế phát triển ổn định, xã bắt tay vào sản xuất giống lúa lai. Đây là một hướng đi mới, đòi hỏi nhiều về trình độ chuyên môn và kỹ thuật, vì vậy Đảng ủy xã xác định cần có những nhân tố dám nghĩ, dám làm, phải là đảng viên đi đầu và phải có phương pháp vận động nhân dân thì mới có thể đạt được mục tiêu. Sau khi tiến hành phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến các chi bộ và từng đảng viên nơi có các ô mẫu và vùng quy hoạch sản xuất, xã tiến hành mở các khóa tập huấn.
Đồng chí Dương Thị Tuyết, Bí thư Chi bộ xóm Tân Sơn 9 là người đi đầu trong phong trào sản xuất lúa giống lai F1 nhớ lại: Năm 2010 khi tiếp nhận chương trình làm lúa giống, bản thân chị cũng rất lo lắng. Nếu thất bại thì không thể vận động được những hộ dân cùng xứ đồng làm theo. Nếu làm lúa giống mà phân tán thì không thể chủ động nước và các quy trình kỹ thuật. Để các hộ dân tin tường và cùng làm chị đã cùng các đảng viên trong chi bộ đến từng nhà vận động rồi tìm giải pháp, như đổi ruộng của nhà có điều kiện canh tác tốt hơn ở xứ đồng khác để lấy ruộng trong khu làm giống bảo đảm liền khu, liền khoảnh. Từ chỗ hoài nghi, khi ô mẫu thành công thì tất cả đều phấn khởi tin tưởng làm theo. Diện tích lúa giống của xóm Tân Sơn 9 từ 3 sào đã được mở rộng lên 4,3ha, thu hút hàng chục hộ tham gia. Cũng từ cánh đồng này, diện tích làm lúa giống lai F1 toàn xã đã nhân lên được gần 13ha, cho năng suất tăng gần gấp hai lần so với cấy lúa đại trà (quy đổi sang thóc ăn đạt 85tạ/ha). Sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Những khó khăn trong thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ của người dân cũng đã được cán bộ đảng viên các chi bộ đến vận động và cùng tìm giải pháp tháo gỡ, nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Điển hình như hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công được quy hoạch vào khu vực Khu Kham, tránh ảnh hưởng đến cây trồng và sức khỏe nhân dân, ban đầu gặp không ít khó khăn. Đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Song Hào kể lại: Chủ trương thì đúng, nhưng thay đổi ngay thì khó, vì các hộ đã chuẩn bị vật tư, nguyên liệu cho cả 1-2 năm sản xuất, do đó Đảng ủy xã đã thấy rõ những khó khăn và cần tạo điều kiện cho các hộ có thời gian chuẩn bị hợp lý khi phải ngừng hoạt động. Năm 2009, sau khi có chủ trương chính thức ngừng hoạt động lò nung gạch thủ công, gia đình ông Dương Hiếu Ngân, xóm Kiều Chính đã gặp không ít khó khăn, khi phải bỏ một lúc 3 lò gạch. Sau khi được Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm đến vận động, phân tích những tác hại và lợi ích về lâu dài, rồi được xã tổ chức cùng các hộ làm gạch trong xã đi tham quan mô hình làm gạch mới tại huyện Phổ Yên. Các hộ làm gạch đã kịp thời đầu tư xây dựng hệ thống lò mới bảo đảm đúng thiết kế kỹ thuật an toàn vệ sinh môi trường, bảo đảm sản xuất không bị gián đoạn. Cũng trong năm 2010, toàn xã Xuân Phương đã xoá hết các lò gạch thủ công, thay vào đó là hệ thống lò mới gồm 23 lò bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, mỗi năm thu hút gần 300 lao động, nộp ngân sách Nhà nước đạt gần chục tỷ đồng.
Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước tăng trưởng mạnh và ổn định đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh khác, nâng cao thu nhập. Như nghề làm mộc thu hút được hàng trăm lao động địa phương tham gia, mỗi năm sản lượng hàng hoá đạt trị giá hàng chục tỷ đồng. Số hộ tham gia kinh doanh dịch vụ cũng tăng lên đáng kể, từ 86 hộ (năm 2005) đến nay đã có gần 350 hộ. Năng động trong sản xuất và phát triển kinh doanh, dịch vụ, đời sống nhân dân được nâng lên, vì vậy Xuân Phương trở thành đơn vị đứng tốp đầu của huyện Phú Bình trong đóng góp ngân sách nhà nước. Năm 2005 thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ đạt trên 630 triệu đồng, đến nay đã đạt trên 1,6 tỷ đồng. Đạt được kết quả trên phải nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, mà trong đó cán bộ đóng vai trò then chốt.