Tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất

10:46, 10/08/2011

Nhằm đáp ứng nhu cầu về quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp-dịch vụ, huyện Phổ Yên đã quy hoạch 3 khu công nghiệp tập trung, 6 cụm công nghiệp trên diện tích 4.000ha.

Từ sự mạnh dạn này, huyện Phổ Yên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng nảy sinh thực trạng nhiều lao động ở Phổ Yên có nguy cơ mất việc làm do bị thu hồi đất sản xuất, nhường mặt bằng cho các dự án…

 

Theo đánh giá của huyện Phổ Yên, trong giai đoạn 2006-2010, toàn huyện có 3.338 hộ dân thu hồi đất dẫn tới 7.240 lao động bị ảnh hưởng và có nguy cơ mất việc làm (trong đó có trên 30% là lao động độ tuổi trên 35 tuổi). Số lao động trên sẽ không có nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống từ đó dẫn tới nguy cơ đói nghèo và nhiều vấn đề xã hội khác. Trước thực tế trên, cấp ủy, chính quyền huyện Phổ Yên đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế đời sống của một số hộ dân bị thu hồi đất; tìm hiểu nhu cầu, kiến nghị của lao động bị mất đất... Trên cơ sở những thông tin thu thập được, từ năm 2009, huyện Phổ Yên đã cân đối mỗi năm chi trên 500 triệu đồng để phối hợp với Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên (tiền thân là Trung tâm Dạy nghề huyện Phổ Yên) tổ chức dạy nghề cho lao động bị mất đất; khuyến khích và có cơ chế đãi ngộ đối với những doanh nghiệp khi vào huyện đầu tư cam kết sử dụng lao động là người địa phương, nhất là những lao động trong độ tuổi bị mất đất (đối với những lao động chưa có tay nghề thì doanh nghiệp ký kết với cơ sở đào tạo nghề để dạy nghề); tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục hành chính để các hộ dân làm nghề truyền thống ở Tiên Phong, Tân Phú, Trung Thành vay vốn phát triển nghề...

 

Đặc biệt đến năm 2010, khi Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và UBND tỉnh triển khai Quyết định số 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Phổ Yên đã nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, tiến hành điều tra, khảo sát số lao động nông thôn, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Qua khảo sát 317/327 xóm trên địa bàn, huyện Phổ Yên đã xác định được 75.540 người trong độ tuổi lao động và tiến hành tuyên truyền, vận động để 15.154 người đăng ký học nghề (trong đó có 3.520 lao động bị mất đất). Cùng với đó, huyện Phổ Yên đã xác định được tổng số 4.384 lao động là người địa phương đang việc trong 103 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có trụ sở tại huyện  nhưng có gần 30% số lao động trên có nhu cầu học nghề trình độ từ sơ cấp tới cao đẳng nghề. Chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các khâu từ khảo sát, đánh giá đến tổ chức triển khai nên từ năm 2010 đến hết tháng 7 năm 2011, huyện đã đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp nghề cho 2.689 lao động, trong đó có 562 lao động bị mất đất ở các xã Trung Thành, Tân Hương, Thuận Thành…

 

Chính vì những thành công bước đầu trong công tác đào tạo nghề và tìm hướng giải quyết việc làm cho người lao động nên huyện Phổ Yên đã được Tổng cục Dạy nghề hỗ trợ gần 3 tỷ đồng và chọn làm điểm về công tác dạy nghề của cả nước. Cùng với đó là UBND tỉnh cũng phân bổ trên 2,34 tỷ đồng và huyện Phổ Yên huy động từ các nguồn vốn sự nghiệp khác được 3,58 tỷ đồng để thực hiện công tác dạy nghề. Tại hội nghị bàn về giải pháp thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện trong tháng 7 vừa qua, đồng chí Lê Thanh Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên khi đánh giá về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm của địa phương đã khẳng định từ những thành quả trong công tác dạy nghề mà chất lượng nguồn lao động đã được nâng lên nên tạo sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư của huyện. Cái được lớn hơn nữa là nhiều người lao động trong huyện bị thu hồi đất nhờ việc học nghề mà đã tìm việc làm mới ổn định, có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp nên rất ủng hộ chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp của huyện.

 

Trong Quý III và quý IV năm nay, huyện Phổ tiếp tục có kế hoạch tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho 1.584 lao động nên đã đưa 7 giải pháp như: Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm của huyện; xã hội hóa để thu hút nhiều nguồn kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo nghề; cho vay vốn ưu đãi để xây dựng mô hình điểm về đào tạo nghề; mời gọi các cơ sở đào tạo nghề có uy tín đến địa phương để tuyên sinh dạy nghề tại chỗ…