Vào lòng đất… nói chuyện với thợ lò

08:29, 10/08/2011

Than và… than, xung quanh chúng tôi than óng ánh như kim cương. Miết tay vào tảng ánh sáng ấy, lạ thế, tay không hề đen.  

Hơn 2 giờ đồng hồ “sống trong không gian của than”, chuyện trò với những người thợ chỉ nhìn thấy đôi mắt sáng, chúng tôi hiểu hơn về công việc của họ: Vất vả lắm! âm thầm lắm!

 

Câu chuyện 3 ca, 4 kíp

 

Thấy tôi đề xuất được vào hầm lò tiếp xúc trực tiếp với những người thợ khai thác than, trên gương mặt giám đốc Nguyễn Anh Dũng và Chủ tịch Công đoàn Đoàn Minh Tiến đều lộ rõ vẻ ngại ngùng:

 

- Lịch sử của Mỏ than Phấn Mễ (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) chúng tôi chưa cho người phụ nữ nào vào hầm lò cả. Môi trường ở đó rất khắc nghiệt, chúng tôi lo cho sự an toàn của chị.

 

Nhưng chắc do “nể” nhà báo và tôi thuyết phục mạnh quá, cuối cùng mọi người cũng đồng ý cho tôi làm cái việc hy hữu này.

 

Chiếc xe u-oát nóng như lò hơi do bác “tài” Trần Ngọc Giao điều khiển đưa chúng tôi đi qua điểm khai thác lộ thiên, gọi là moong than. Đứng trên “miệng” moong nhìn xuống, tôi thấy chóng mặt vì những đường xoáy trôn ốc hun hút khoảng dăm trăm mét dẫn đến vỉa than. Anh Nguyễn Nhật Minh, kế toán của Mỏ chỉ những chỗ lở trụ, lở bờ cho biết con số chi phí quá lớn để có được một xe than: theo tính toán, “bóc” khoảng 60 xe đất là được một xe than, nhưng thực tế ở moong này, đơn vị phải “bóc” hàng trăm xe đất mới moi được 1 xe than. Quan sát bằng mắt thường cũng thấy, cái màu đen nhánh ở moong không còn nữa, thay vào đó là màu đỏ quạch của đất đá. Hàng chục chiếc máy đào, xúc, ủi cần mẫn bò vòng vo trên đường moong chênh vênh để tiếp cận với vỉa than mới.

 

Từ lúc vào Mỏ, tôi luôn nghe thấy mọi người nói cụm từ: 3 ca, 4 kíp. Hỏi ra mới rõ: ở đây, 24 giờ của ngày đối với người làm việc trên mặt đất được tính thành 3 ca (mỗi ca 8 tiếng); đối với người làm việc dưới mặt đất (thợ hầm lò) được tính bằng 4 kíp (mỗi kíp 6 tiếng).

 

Tôi là người thợ lò

 

                                                         Chuẩn bị vào lò. Ảnh: K.T

 

Sau phút ngỡ ngàng biết chúng tôi được lãnh đạo Mỏ cho phép vào chỗ khai thác, anh Đỗ Văn Vượng, Quản đốc Phân xưởng Hầm lò điện báo cho bộ phận bảo hộ chuẩn bị “đồ lề” cho nhà báo. Trong phút chốc, nhìn tôi chẳng khác gì thợ lò, cũng quần áo bảo hộ xanh thẫm, ủng đen, mũ bảo hộ có gắn một ngọn đèn nối với cục ắc quy đeo sau lưng, một chiếc mặt nạ chống độc treo trước ngực, phòng bất trắc thì ụp lên mặt lấy dưỡng khí để thở.

 

Miệng lò ăn vào vách núi, được chống đỡ bằng bê tông, cốt thép rất vững chắc, ở giữa là đường ray dành cho goong chuyển than lên, hai bên là những bậc đá có chiều cao khoảng 40cm/bậc chạy hun hút vào ruột núi dành cho người đi bộ. Quản đốc Vượng vừa đi vừa giới thiệu: Địa hình khai thác hầm lò giống như chiếc xương cá. Chúng ta đang đi ở khu vực “xương sống”, còn gọi là giếng nghiêng, cũng là đường kéo than lên và là nơi thông gió. Hiện có 146 thợ khai thác, thay nhau 4 kíp, không kể ngày đêm. Lương của công nhân lò tính theo sản phẩm, mỗi tháng Phân xưởng khai thác được 2.200 đến 2.300 khối than. Bình quân, mỗi “công” thợ (6 tiếng) thu nhập 200 đến 220 nghìn đồng.

 

Đi được khoảng 500 mét, khớp chân tôi bắt đầu “lỏng”, anh Vượng bảo: - Ta đang ở cốt không (0) so với mặt nước biển, bắt đầu từ đây là bước vào độ âm. Các thợ lò đang khai thác ở âm 160 mét.

 

Chúng tôi đi qua khu vực sân ga, cũng chi chít đường ray như trên mặt đất. Đây là nơi tập kết của các goong than trước khi “chạy” lên mặt đất. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nghe chuông cảnh giới, mọi người né vội sang hai bên cho goong than đang chạy ra theo đường ray. Bỏ đường “xương sống”, chúng tôi vào giếng phụ, đường hẹp và thấp, hầm chống đỡ bằng gỗ ken dày. Nước xối trên trần xuống và chảy thành suối dưới chân. Chốc chốc, một ngách hầm lại hiện ra, anh Chu Văn Thức, an toàn viên đi cùng cho biết: đó là chỗ thoát hiểm khi cần thiết.

 

Cuộc trò chuyện trong lòng than

 

Lội trong hầm lò chừng nửa tiếng, chúng tôi gặp người công nhân đầu tiên, anh Nguyễn Đức Việt, Trưởng kíp sản xuất báo tin ngay: - “bục” rồi sếp ạ. Anh Vượng “phiên dịch”: “bục” có nghĩa là 2 nhánh khai thác đã thông đường đào. Trưởng ca Việt có nụ cươi rất tươi. Anh cho biết đã 14 năm làm thợ mỏ, thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Hỏi mơ ước, anh đơn giản: Đã gắn bó lâu với nghề, quen ở trong lòng đất, ước mơ cũng giản dị lắm, chỉ mong có được thu nhập cao hơn.

 

Tạm biệt anh Việt, chúng tôi tiếp tục đi xuống. Lúc thấy ngực bắt đầu tưng tức, đầu óc choáng váng, chân không tuân theo điều khiển là lúc tai tôi nghe tiếng máy xèo xèo. Ngẩng đầu lên, thấy một ngách hầm chỉ một người chui lọt. Vất vả lắm tôi mới “quăng” mình lên gần 2 mét để chui vào ngách. Chao ôi, chúng tôi đang đứng trong lòng than, xung quanh tôi than nhấp nhánh như dát kim cương, miết tay vào than, thấy than mát rượi. Trong ngách có 4-5 thợ lò, ai nấy mồ hôi nhòa mặt. Mọi người đang thay nhau dùng “căn” (dùng quả nén và độ rung của mũi khoan để làm vỡ than) áp vào phiến than khiến than chảy xuống vun thành đống to. Tạm dừng tay khoan, lau mặt tạm bằng chiếc khẩu trang lấm lem, thợ lò Vũ Văn Ước, quê ở vùng mỏ Làng Cẩm là “già làng” của nghề than và 4 người thợ khác đã có cuộc trò chuyện cởi mở với chúng tôi. Nói anh Ước là “già làng” vì anh đã  46 tuổi, tuổi thọ nghề trung bình của thợ chỉ ở khoảng 42-43 là đã phải chuyển sang làm việc khác hoặc nghỉ hẳn. Có tuổi rồi, công việc này không còn hợp nữa, nhưng anh phải cố vì cuộc sống của gia đình. Cùng kíp với anh Ứớc có Dương Văn Hiền và Trần Tuấn Bách, cùng 27 tuổi. Hiền quê ở Cù Vân (Đại Từ) “chui” lò khi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, nay đã được 7 năm, vợ Hiền cũng là công nhân cùng Mỏ. Hiền tâm sự: Em thi đỗ Đại học Tây Bắc nhưng gia cảnh khó khăn nên rẽ ngang đi làm. Lương 4-5 triệu/tháng mà phải chi hàng trăm thứ nên em chưa tích lũy được gì. Bách thì đã có con nhỏ, nghề vất vả nhưng ráo mồ hôi là hết tiền, thế nên mong muốn lớn nhất là cũng là có thu nhập khá hơn. Hầu hết các trai lò ở đây được sinh ra, lớn lên tại vùng mỏ này, vui buồn, sướng khổ gắn cùng với sự phát triển của Mỏ. Công việc vất vả lặng thầm đã thành nghiệp và cũng là lẽ sinh tồn của họ.

Tạm biệt những người thợ mồ hôi lẫn bụi than chảy chan hòa trên mặt, chúng tôi tiếp tục lội nước đến với những công nhân khác. Trong một hẻm cụt (được gọi là cúp), chúng tôi lại gặp một “già làng” nữa là anh Trần Đức Năm, 48 tuổi. Một mình anh ngồi trong “cúp” để điều khiển hệ thống goòng than. Mỗi kíp có khoảng 15-16 chuyến than vào, ra, lên, xuống. Tôi hỏi: - Ngồi một mình ở góc vắng 6 tiếng thế này có thấy buồn không? Anh bảo: - Đã có tiếng chuông báo hiệu than ra làm bạn, 1 tiếng chuông là dừng, 2 tiếng chuông là lên, 3 tiếng chuông là xuống… đó là cách trò chuyện với đồng nghiệp trong lòng đất này.

 

Muốn đi sâu hơn để gặp nhiều công nhân đang làm việc nhưng sức khỏe đã lên tiếng cảnh báo, tôi đành quay ra. Mỗi bước đi như có hàng chục cân đá đeo vào chân muốn kéo trì người xuống, phổi như xẹp lép lại không thở được, tôi càng thấy thấm thía nỗi vất vả của người công nhân mỏ hầm lò.

 

Chưa vội thay quần áo, chúng tôi xuống nhà ăn công nhân. Các mâm cơm đã sắp sẵn trên bàn: Mỗi suất có vài gắp rau, khoanh trứng, mấy miếng thịt, một bát to cơm nóng. Ngoài cơm, mỗi người còn được 2 hộp sữa tươi. Quản đốc Phân xưởng Đỗ Hữu Vượng bảo: 25 nghìn đồng/bữa ăn ca và bồi dưỡng là dành hết cho việc ăn, các chi phí như chất đốt, công phục vụ đơn vị “bao” hết. Chị nuôi nấu ăn ca tối hôm đó cho biết: đi chợ bây giờ chi tiêu rất khó vì giá tăng từng ngày, nhưng chúng tôi cố gắng để có cơm nóng, canh ngọt cho anh em từ lò lên, tắm giặt là được ăn ngay còn về nghỉ ngơi.

 

Tạm biệt Phân xưởng Hầm lò của Mỏ than Phấn Mễ, tôi trở về thành phố. Nhìn cuộc sống phố phường, tôi cứ nghĩ miên man đến những người đang âm thầm làm việc trong lòng đất. Đồng hồ chỉ 23 giờ, chắc một kíp thợ mới lại chuẩn bị vào hầm. Ngọn đèn trên đầu họ như những vì sao trong đêm, lặng lẽ đi, lặng lẽ sáng.