Mặc dù đang trong giai đoạn phát triển, nhưng mô hình trang trại chăn nuôi lợn đã khẳng định là hướng đi phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại của ông Nguyễn Quang Mô ở xóm Bún 2, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương là một trong nhiều trang trại cho thu nhập cao từ chăn nuôi lợn. Ông Mô cho biết: Trước đây, gia đình ông chăn nuôi và làm ruộng là chính. Ông thường nuôi 2 con lợn nái Móng Cái, khi lợn sinh ra thì để nuôi toàn bộ thành lợn thịt nhưng thu nhập không cao, kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 2001, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông, ông bắt đầu tham gia Dự án "Phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại theo mô hình trang trại của tỉnh ", quy mô ban đầu chỉ có 10 lợn nái và 1 lợn đực giống với các giống lợn Yorshire và Landrace. Trước đó, ông được Trung tâm cho đi tham quan một số trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, ông còn được dự các lớp tập huấn về chăn nuôi lợn ngoại do các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu lợn Thuỵ Phương - Viện Chăn nuôi Quốc gia giảng dậy. Sau khi có kiến thức trong tay, ông đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, có hệ thống chuồng lồng, cũi cho từng loại lợn, có đầy đủ điện, nước rửa chuồng trại, nước tắm, nước uống, máng ăn tự động... Nguồn thức ăn được ông lựa chọn cẩn thận từ những công ty có uy tín. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, ông xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp toàn bộ chất đốt cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y, do đó mà đàn lợn nhà ông phát triển nhanh và mạnh. Năm 2005, gia đình ông đã có 30 con lợn nái ngoại và gần 600 con lợn thịt. Thấy có hiệu quả, ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông đã có 70 con lợn nái ngoại và khoảng 300-400 con lợn thịt, chưa kể hàng trăm lợn sơ sinh và cai sữa. Bình quân mỗi năm, gia đình ông cho xuất chuồng gần 1.000 con lợn thịt, cung cấp cho thị trường tiêu thụ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, thu lãi gần 200 triệu đồng.
Không chỉ riêng nhà ông Mô, phương thức chăn nuôi này hiện đã mở rộng ra nhiều địa bàn trong tỉnh với một số trang trại có quy mô lớn như: trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở xã Vinh Sơn, thị xã Sông Công nuôi 160 con nái ngoại, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 3.200 con lợn thịt; trang trại của anh Nguyễn Văn Ngữ ở xã Lương Sơn, thành phố Thái Nguyên, nuôi 120 con lợn nái ngoại, cung cấp 2.400 con lợn thịt/năm; trang trại của chị Đỗ Thị Thuý ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, nuôi 100 con nái ngoại, cung cấp 2.000 con lợn thịt/năm...
Có được kết quả trên phải nói đến hàng loạt chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, như: chủ trang trại được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng chuồng trại; được tạo mọi điều kiện để thuê đất, được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tham quan các mô hình điểm và được cung ứng con giống đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cơ quan khoa học môi trường của tỉnh còn tư vấn cho các chủ trang trại biết cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, thiết kế chuồng trại, hầm khí biogas, các biện pháp xử lý chất thải để bảo vệ môi trường... Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 77 trang trại với tổng đầu lợn nái ngoại đạt trên 7.500 con, trong đó có 53 trang trại có quy mô từ 20-50 đầu nái, 11 trang trại có quy mô 50-100 đầu nái, 12 trang trại có quy mô trên 100 đầu nái và 3 trang trại có trên 1.200 đầu nái (đây là những trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty CP). Trên địa bàn tỉnh cũng đã có 1 hợp tác xã chăn nuôi lợn ngoại và 1 cơ sở giết mổ tại thị xã Sông Công, mặc dù quy mô nhỏ nhưng đã phần nào chủ động được nguồn tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm từ các trang trại chủ yếu vẫn là xuất lợn hơi cho các tỉnh. Mặc dù có nhiều biến động về giá cả, nhưng với ưu thế về chất lượng nên sản phẩm chăn nuôi của tỉnh ta có đủ sức cạnh tranh trên thị trường và cho lãi. Theo tính toán của người chăn nuôi, một con lợn nái chăn nuôi theo hướng trang trại sẽ cho thu nhập trung bình từ 2,5 triệu đồng - 3 triệu đồng/năm. Điều này đã khuyến khích người dân tham gia vào việc phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại.
Cái khó trong phát triển mô hình chăn nuôi lợn ngoại hiện nay đó là tỉnh ta chưa có khu chăn nuôi tập trung nên việc đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi còn mang tính tự phát, sản xuất chủ yếu theo hình thức phân tán, tận dụng, quy mô nhỏ lẻ, chưa tách rời với khu dân cư, quỹ đất dành cho chăn nuôi đang bị thu hẹp dần. Ngoài ra, việc kiểm soát lưu thông vận chuyển buôn bán gia súc chưa thực hiện triệt để nên dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, điều này đã làm hạn chế tốc độ phát triển chăn nuôi, gây thiệt hại cho người chăn nuôi... Do vậy, để phát triển mô hình trang trại chăn nuôi theo hình thức này, phấn đấu đến năm 2015 sẽ nâng cao tỷ lệ lợn nái ngoại và nái lai lên 50%, tỉnh ta đang tiếp tục thực hiện Dự án "Nâng cấp, cải tiến chất lượng đàn giống vật nuôi giai đoạn 2011-2015", trong đó tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, dần thay thế đàn giống gốc theo quy trình sản xuất bằng các giống có tiến bộ di truyền cao, năng suất, chất lượng cao. Xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung, các mô hình chăn nuôi gia trại sử dụng con giống mới, giống đã được cải tạo, các mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao...