Đảm bảo chất lượng và tiến độ quy hoạch nông thôn mới.

09:14, 20/09/2011

Xác định quy hoạch là khâu đầu tiên, đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). TP Thái Nguyên đang tiến hành các giải pháp, phần việc đảm bảo chất lượng quy hoạch…

Quy hoạch NTM là quy hoạch không gian và quy hoạch hạ tầng kinh tế- xã hội trên địa bàn. Trong đó, các khâu then chốt là: xác định nhiệm vụ quy hoạch; điều tra, khảo sát hiện trạng; thẩm định đồ án quy hoạch. Như vậy, quy hoạch NTM là một dạng quy hoạch tổng thể với nhiều nội dung và đối tượng cùng được thể hiện trên một bản đồ. Đó là đặc thù và cũng là khó khăn, phức tạp của quy hoạch NTM.

 

Tiến độ quy hoạch đang được đẩy nhanh

 

Chúng tôi đã có dịp được cùng tham gia với đoàn cán bộ của Viện Quy hoạch xây dựng Thái Nguyên về khảo sát hiện trạng tại xã Phúc Trìu ngày 16-9. Hai kiến trúc sư trẻ là Lưu Thị Thu Hằng và Hoàng Xuân Quang được phân công làm việc với cán bộ địa chính xã để thống nhất hiện trạng. Họ cùng trao đổi rất lâu bên tấm bản đồ quy hoạch của xã đã có từ 2 năm trước, từng chi tiết nhỏ cũng được nghiên cứu kỹ. Trong khi đó, kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Hà trao đổi với các đồng chí lãnh đạo xã. Anh đề nghị Đảng ủy xã họp Thường vụ để bàn bạc sâu hơn và thống nhất các vấn đề về định hướng phát triển, xem xét kỹ bản nhiệm vụ quy hoạch (bản đề cương nêu ra các phần việc cần tiến hành trong công tác quy hoạch).

 

Được biết: Viện Quy hoạch xây dựng hiện đang nhận tư vấn quy hoạch NTM cho 3 xã của TP Thái Nguyên và một số xã của các huyện khác trong tỉnh. Để đảm bảo tiến độ quy hoạch cho các địa phương, Viện đã huy động gần như toàn bộ trong số trên 40 cán bộ, chuyên viên đến các xã để thu thập hiện trạng và khảo sát thực tế. Kỹ sư Nguyễn Văn Hà cho biết: Mỗi khi đến các xã như lần này, chúng tôi mang theo bản nhiệm vụ quy hoạch để xã nghiên cứu, bổ sung, hẹn ngày tới lấy, đồng thời thu thập các số liệu, hiện trạng tổng hợp. Trong quá trình các xã họp bàn và chờ được phê duyệt bản nhiệm vụ quy hoạch, chúng tôi cử cán bộ, chuyên viên xuống khảo sát thực tế địa bàn (việc này đáng lẽ được tiến hành sau khi bản nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt). Làm vậy mới đảm bảo tiến độ, anh Hà giải thích.

Thành phố Thái Nguyên hiện đang có 9 xã tiến hành xây dựng NTM, theo kế hoạch đề ra thì các xã phải quy hoạch xong trước ngày 15-11, sau đó đưa ra công khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Tất cả đồ án quy hoạch của các xã phải được thành phố phê duyệt chậm nhất là ngày 31-12-2011. Trong các ngày 17-8 và 29-8, UBND thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn cho các bộ xóm, xã nhằm phổ biến những kiến thức về quy hoạch NTM. Bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên cho biết: Điều thuận lợi trong việc quy hoạch NTM của thành phố là 9/9 xã đều đã được lập quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển các ngành sản xuất; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế- xã hôi, môi trường theo chuẩn mới. Đây là căn cứ quan trọng và là tiền đề cho quy hoạch NTM, tất nhiên còn phải chỉnh sửa cho phù hợp với Bộ tiêu chí NTM. Các xã đều đã được cấp đợt một kinh phí 50 triệu đồng cho công tác quy hoạch (riêng 3 xã được chọn làm điểm xây dựng NTM được cấp 70 triệu đồng). Với nguồn vốn ban đầu này, thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, hiện nay hầu hết các xã đã ký hợp đồng và cung cấp hiện trạng, số liệu liên quan cho đơn vị tư vấn quy hoạch; kiện toàn ban chỉ đạo và ban quản lý xây dựng NTM. Theo kế hoạch, từ ngày 20-9, UBND thành phố sẽ cử đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác quy hoạch NTM các xã.

 

… Và những khó khăn đang gặp phải

 

Kỹ sư Nguyễn Văn Hà thừa nhận: Việc lập đồ án quy hoạch NTM không hề dễ dàng bởi phải thể hiện nhiều nội dung như: quy hoạch sử dụng đất cho phát triển sản xuất, giao thông, thủy lợi, khu dân cư… trong cùng một bản đồ có định hướng phát triển mọi mặt của một xã, trong khi không đơn vị tư vấn nào có khả năng am tường tất cả các lĩnh vực. Để khắc phục điều này và làm cho bản quy hoạch có tính khả thi, không phải chỉnh sửa nhiều lần, chúng tôi rất cần sự hợp tác tích cực và có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các xã (cung cấp chính xác hiện trạng, số liệu liên quan, chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn…) và đông đảo người dân. Về phía chủ quan, chúng tôi trong quá trình lập quy hoạch sẽ tổ chức đi khảo sát thực tế nhiều lần, trao đổi thông tin thường xuyên với cán bộ địa phương, tham khảo ý kiến từ các ngành liên quan, nghiên cứu kỹ các đề án phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, của tỉnh…

 

Theo quy định, UBND cấp xã là chủ đầu tư quy hoạch NTM, nhưng thực tế cho thấy đội ngũ cán bộ các xã phần lớn đang thể hiện sự lúng túng trong việc định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhất là việc xác định các khu quy hoạch sử dụng đất sản xuất, khu dân cư. Theo ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm thì cán bộ cấp xã hầu hết thiếu chuyên môn về quy hoạch, trong khi các văn bản hướng dẫn của Trung ương lại có sự thay đổi nhiều lần, vì vậy thành phố cần cụ thể hóa để dễ dàng triển khai thực hiện.

 

Điều nữa làm cho cán bộ các xã lúng túng trong việc định hướng phát triển, ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch NTM là hầu hết các xã của TP Thái Nguyên theo quy hoạch đều sẽ là “đích đến” của nhiều dự án lớn, nhỏ (Khu hành chính phía Tây thành phố, Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc, mở rộng khai trường Mỏ than Khánh Hòa…). Trong khi việc quy hoạch các dự án này đều chưa chi tiết. Riêng xã Đồng Bẩm có ít nhất 2 dự án đã được chấp thuận đầu tư từ các năm 2008 và 2009 nhưng chưa được triển khai. Câu hỏi đặt ra từ ví dụ này là liệu các dự án trên có được triển khai hay không và bao giờ triển khai? Liệu có xảy ra tình trạng “quy hoạch chồng quy hoạch” rồi phải chỉnh sửa và thậm chí phá vỡ quy hoạch hay không? Những “bài toán” đang không dễ có lời giải… và cần sự vào cuộc của nhiều chủ thể liên quyền.