Kênh lưu thông hàng nông sản: Vừa thiếu lại vừa thừa

08:33, 28/09/2011

Lưu thông hàng nông sản luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, tuy nhiên, thực tế ở Thái Nguyên hiện nay, các kênh lưu thông hàng nông sản đang vừa thiếu lại vừa thừa…

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tới xóm Cậy, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), một trong những địa bàn trồng rau chuyên cung cấp cho T.P Thái Nguyên. Ông Dương Văn Minh, Trưởng xóm Cậy cho biết: Nhờ trồng rau mà nhiều hộ gia đình trong xóm đã có thu nhập từ 50 đến 70 triệu/năm. Thế nhưng “đầu ra” cho 3ha rau của xóm vẫn hết sức bấp bênh, không có cơ hội để bày bán ở các siêu thị hay cửa hàng rau sạch, cho dù quy trình sản xuất của tất cả 50 hộ dân trong xóm đều đạt tiêu chuẩn VietGap. Thế là hàng chục tấn rau sạch của xóm phải mang ra các chợ bán như những loại rau thường khác. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, ông Minh cho rằng, bên cạnh kĩ thuật sơ chế, bảo quản (xử lý ô-zôn, hệ thống kho lạnh, nhà lạnh...) của bà con còn hạn chế thì hệ thống siêu thị, các cửa hàng rau sạch trên địa bàn chưa nhiều, lượng rau sạch tiêu thụ tại các hệ thống này cũng khá khiêm tốn do đại bộ phận người dân có thói quen mua rau ở các chợ.

 

Không quá khó khăn về “đầu ra” như rau sạch, việc tiêu thụ mặt hàng lúa gạo ổn định hơn, nhưng đang phải qua khá nhiều khâu trung gian. Cứ qua mỗi khâu, giá loại nông sản này lại bị đẩy lên cao hơn, làm cho cả người sản xuất và người tiêu dùng đều chịu thiệt. Chị Ngô Thị Phúc, một người chuyên buôn lúa gạo ở chợ Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) cho biết, chị thường mua lúa từ nhiều “hàng sáo” (người chuyên buôn lúa gạo) trong huyện, sau đó xay sát thành gạo thành phẩm để bán cho thương lái ở các đầu mối khác. Những đầu mối này, gạo lại được phân phối tới các hộ kinh doanh ở các chợ rồi mới đến tay người tiêu dùng. Hiện, giá lúa trung bình chị mua vào khoảng 7 nghìn đồng/kg, sau khi xay sát, vận chuyển qua nhiều trung gian, người tiêu dùng phải mua gạo với giá từ 12 đến 13 nghìn đồng/kg (loại trung bình), trong đó chiếm 10 đến 12% phí vận chuyển và phần bù đắp khối lượng hao hụt của vỏ trấu, cám gạo.

 

Như vậy, với mức giá trên, người nông dân tuy là người làm ra hạt gạo nhưng lại chỉ được hưởng một phần lợi ích, còn lại khâu lưu thông đã chiếm trên 45% giá thành, phần lợi nhuận này “chạy” vào túi các thương lái. Không những thế, nông dân nhiều khi còn thường bị thương lái ép giá, nhất là thời điểm thu hoạch rộ hoặc dịch bệnh xảy ra. Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ thế lặp đi lặp lại nhiều năm, không chỉ với lúa gạo, cây vải, quả nhãn mà còn ở nhiều loại nông sản khác.

 

Cũng bằng kênh lưu thông qua thương lái, thực tế này đang diễn ra với sản phẩm gà thả đồi. Hiện giá 1kg gà thả đồi chỉ khoảng từ 40 đến 45 nghìn đồng/kg, bằng một nửa so với thời điểm giá trung bình nhiều tháng trước. Với mức giá này, nông dân khó có thể bù các khoản chi phí như: thức ăn, thuốc, con giống, nhân công... Anh Nguyễn Văn Cường, một chủ trang trại chăn nuôi gà thả đồi ở xóm Tranh, xã Tân Khánh (Phú Bình) đang tìm đầu ra cho 700 con gà đã có thể xuất chuồng là một trường hợp như vậy. Sau 3 tháng nuôi, toàn bộ chi phí cho 1kg gà thịt của gia đình anh có giá từ 75 đến 80 nghìn đồng. Giá cả như hiện nay cộng thêm gần 1 triệu tiền thức ăn cho số gà trên mỗi ngày, anh đang cầm chắc một khoản lỗ lớn.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài lượng gà thịt từ Trung Quốc nhập vào nước ta, thì sự tăng nhanh số lượng trang trại gà những năm qua trên địa bàn tỉnh cũng như nhiều địa bàn lân cận đã làm cho nguồn cung gà thịt tăng cao trong khi nhu cầu của người dân ít biến động, giá gà giảm mạnh là tất yếu. Chỉ tính riêng với tỉnh ta, số lượng gia cầm đã tăng lên nhanh chóng trong vài năm trở lại đây: từ 4,95 triệu con (năm 2006) lên trên 6,5 triệu con (năm 2010). Địa phương có lượng đàn gia cầm lớn nhất là huyện Phú Bình với gần 1,8 triệu con, rồi đến các huyện: Phổ Yên, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, trong đó tổng đàn gà toàn tỉnh nhiều gấp 5 lần đàn vịt, ngan, ngỗng. Mặc dù vậy, kênh lưu thông chủ yếu của các nông sản này vẫn là qua các thương lái trong tỉnh và một số địa phương khác như: Hà Nội, Vĩnh Phúc…

 

Theo ông Đặng Công Hoan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) thì có thể phân kênh lưu thông hàng nông sản thành 4 nhóm chính, đó là: kênh qua các đơn vị trong tỉnh thu mua nông sản, chế biến và bán ra thị trường; kênh qua các đơn đặt hàng hoặc trực tiếp thu mua của đơn vị ngoài tỉnh; kênh qua hệ thống chợ nông thôn và kênh do nông dân tự tìm nơi tiêu thụ. Nhìn chung, các kênh này đều chưa phát triển mạnh, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hợp tác xã thương mại khi tham gia phân phối nông sản trên địa bàn vẫn khá mờ nhạt. Thương mại hàng nông sản phụ thuộc vào các đơn vị dân doanh,  chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ. Các đơn vị này tuy có quy mô nhỏ nhưng lại chiếm trên 90% trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa. Họ mua đi, bán lại nông sản nhằm kiếm lời, tỷ lệ nông sản qua sơ chế, bảo quản, đóng gói rất thấp (ngoại trừ chè). Giá cả nông sản cũng được thỏa thuận trực tiếp mà không qua hợp đồng mua bán. Những điều này đã làm phát sinh nhiều chi phí trung gian, đội giá nông sản lên cao làm cho cả người nông dân và người tiêu dùng đều chịu thiệt. Thêm vào đó, mới chỉ có một số loại nông sản như chè, lâm sản đã qua chế biến, gia súc, gia cầm là được bán ở cả trong và ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu, còn những loại nông sản khác ít được quan tâm do sản lượng không cao, sản xuất phân tán, nông dân vẫn phải tự tìm nơi tiêu thụ. Như vậy, rõ ràng kênh lưu thông hàng nông sản đang vừa thiếu lại vừa thừa: thừa các khâu phân phối trung gian, nhưng lại thiếu khâu phân phối có tổ chức và các khâu này cũng không đồng đều giữa các loại nông sản và các địa phương với nhau.

 

Để đảm bảo lợi ích của nông dân và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn đến vấn đề lưu thông, phân phối hàng nông sản; có chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tham gia phân phối hàng nông sản; đa dạng hóa các loại hình kinh doanh thương mại nông sản, trong đó có tổ hợp tác, hợp tác xã; tăng cường xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết phải bắt đầu từ quá trình sản suất, trong đó vấn đề quy hoạch, phân vùng sản xuất cần đi trước một bước, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay, từng bước nâng cao chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến khích đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực Ban Quản lý các chợ, bởi đây là bộ phận trực tiếp tổ chức các hoạt động trong chợ, đưa chợ nông thôn trở thành nơi giao dịch hàng nông sản với nhiều phương thức khác nhau, khắc phục tình trạng lộn xộn, hàng hóa sắp xếp không hợp lý, hàng nông sản chưa được coi trọng, chỉ được bày bán ở các vị trí ít người chú ý như hiện nay ở các chợ nông thôn.