Không có nhà ở, không có anh em, bạn bè nhưng với lòng kiên trì, quyết tâm, đến nay, ông ông Cao Xuân Nho, xóm Đầm Diềm, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã có được một mô hình kinh tế tổng hợp…
Chúng tôi đến thăm gia đình ông vào một ngày đầu mùa thu, trong ngôi nhà mái bằng xây kiên cố với đầy đủ tiện nghi, ông Nho kể lại cho chúng tôi nghe về những khó khăn mà ông đã trải qua để có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Năm 1974, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nho khi đó mới là chàng trai 20 tuổi tràn đầy sức trẻ và lòng nhiệt huyết đã xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 5 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ông trở về vùng quê nghèo ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) và lập gia đình với người đồng đội đã cùng ông chia sẻ mọi vui, buồn trong suốt quãng thời gian ở quân ngũ. Ngày ấy, cuộc sống của vợ chồng ông hết sức khó khăn bởi cả hai người đều không có vốn liếng, nghề nghiệp, nhà ông lại nghèo và đông anh em nên vợ chồng ông phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Năm 1983, ông đưa vợ lên Thái Nguyên xin làm nghề đóng gạch cho một chủ lò ở huyện Đồng Hỷ, sau gần một năm gắn bó với vùng đất này, ông quyết định dừng chân lập nghiệp ở đây. Lúc đó, mong ước lớn nhất của vợ chồng ông là có được 1 mảnh đất để an cư. Thấy nhà chủ lò gạch có nhiều đất vườn chưa sử dụng đến, ông nảy ra ý định xin đóng gạch không công để đổi lấy đất xây nhà. Sau khi trình bày nguyện vọng của mình, ông được chủ nhà đồng ý đổi cho một khu vườn rộng 6.000m2 để lấy 4 vạn gạch (trị giá khoảng 12 nghìn đồng). Số gạch đó hai vợ chồng ông phải làm cật lực trong vòng 6 tháng mới hoàn thành.
Ngày cầm giấy tờ giao đất, ông liền bàn với vợ đem số tiền dành dụm được trong quá trình đi làm thuê ra dựng nhà và xây một lò gạch để tự sản xuất. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống của gia đình ông cũng dần ổn định, nhưng ông thấy việc làm gạch quá vất vả, lại ảnh hưởng đến sức khỏe bởi hàng ngày phải thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, vì vậy trong suy nghĩ của mình, ông luôn nung nấu ý định tìm một hướng làm kinh tế khác. Thấy hơn 5.000m2 đất của gia đình vẫn còn để trống, ông Nho liền nảy ra ý tưởng xây dựng một mô hình vườn - ao - chuồng nhưng ông còn băn khoăn bởi muốn thực hiện được phải có một số tiền khá lớn. Quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực, ông theo một số người trong xóm lên tận tỉnh Cao Bằng đào vàng để mong có chút vốn. Sau gần hai năm xa gia đình, năm 1992, ông trở về với thành quả lao động là 1 cây vàng (trị giá khoảng 5 triệu đồng). Có vốn, hai vợ chồng ông tích cực phát cỏ, dọn vườn rồi thuê người đào một cái ao rộng gần 800m2 để thả cá và xây tường bao quanh khu đất của mình lại để kết hợp nuôi gà, vịt và trồng cây ăn quả, đến cuối năm 1994 ông đã chuẩn bị xong mọi điều kiện để chăn nuôi.
Trước tiên ông mua các loại cá như: mè, trôi, chép, rô phi… về thả, sau đó ông trồng khoảng 100 gốc cây ăn quả gồm ổi, táo, nhãn trên diện tích 4.000m2 đất vườn để lấy quả và bóng mát cho gà, vịt. Thời gian đầu ông mua 500 con gà, 500 con vịt về nuôi và bán cho các đầu mối ở chợ thành phố hoặc các nhà hàng. Để có thêm kinh nghiệm chăn nuôi, ông tích cực tìm kiếm thông tin trên sách báo, nghe đài, đến các trang trại ở những xã khác để học hỏi. Nhờ đó, năm đầu tiên bán cá và gia cầm, gia đình ông được thu lãi gần 20 triệu đồng. Những năm tiếp theo ông tiếp tục củng cố mô hình và tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Sau hơn chục năm nuôi gà, vịt lấy thịt, ông Nho nhận thấy tình hình dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi nên đến năm 2009 ông đã chuyển sang nuôi gà, vịt lấy trứng. Hiện nay, gia đình ông có khoảng 300 con vịt, 200 con gà đẻ, trung bình mỗi tháng cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng tiền trứng; riêng ao cá và cây ăn quả mỗi năm ông thu lãi hơn 10 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí, mô hình của gia đình ông cho thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Sắp tới, ông Nho còn có kế hoạch mở rộng thêm 150m2 đất vườn để nuôi gà.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội. Hiện nay ông đang là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của xóm Đầm Diềm, dù ở cương vị nào ông cũng tận tâm, tận lực hoàn thành tốt công việc của mình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và giúp đỡ những hội viên có nhu cầu.