Nỗi niềm của người trồng nhãn Khe Đù

10:11, 17/09/2011

Hiện, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận, Phổ Yên có khoảng 85ha nhãn, trong đó có 15ha được công nhận theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm người nông dân đã gặp phải một số khó khăn…

Năm 2010, nhãn Khe Đù là loại cây ăn quả đầu tiên của huyện Phổ Yên được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cấp Giấy Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Điều này  khiến bà con rất phấn khởi thực hiện theo đúng các quy định. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm đã gặp phải một số khó khăn nhất định nên một số hộ dân không còn mặn mà với việc làm theo tiêu chuẩn sản phẩm an toàn.

 

Đến Khe Đù vào một ngày đầu tháng 9, điều dễ nhận thấy ở bà con nơi đây là đang tất bật thu hái những chùm nhãn chín, quả nào quả nấy to tròn, vỏ căng mọng. Dẫn chúng tôi đi giữa những vườn nhãn sai trĩu quả, ông Nguyễn Việt Quỳnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Phúc Hưng cho biết: Được thành lập năm 2008, đến nay, HTX đã được nhiều người dân trong huyện biết đến với sản phẩm nhãn chất lượng cao và cung cấp giống cho người dân có nhu cầu. Giống nhãn Khe Đù có nguồn gốc từ Hưng Yên, qua quá trình lai tạo và chăm sóc của bà con đã cho ra những quả nhãn to, có vị ngọt thanh. Năm 2010, HTX đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất nhãn an toàn theo quy trình VietGap (chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả và chè an toàn) với quy mô 30ha, sản lượng 32 tấn với 30 hộ tham gia.  Nhưng đến năm 2011 thì chỉ còn lại 14ha nhãn được công nhận theo tiêu chuẩn VietGap. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc xây dựng thương hiệu nhãn Khe Đù còn gặp phải một số khó khăn.

 

Chị Nguyễn Thị Cun, người dân trong xóm nói: Nhà tôi có hơn 1ha nhãn, mỗi năm thu hoạch được hơn 4 tấn quả, cho thu về gần 100 triệu đồng. Năm 2009, chúng tôi bắt đầu chăm sóc cây nhãn theo tiêu chuẩn VietGap. Gia đình tôi đã thực hiện theo đúng các quy trình như: sử dụng đúng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo từng giai đoạn; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, kho chứa phân và thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, nhận thấy việc sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGap rất cầu kỳ và phức tạp trong khi đó giá bán ra thị trường cũng chỉ như các loại nhãn khác, vì người tiêu dùng không phân biệt được sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap với loại nhãn thường nên người dân chúng tôi cũng thấy nản. Hiện nay, tùy theo chất lượng quả, bà con trong xóm bán được với giá từ 20-30 nghìn đồng/kg. Vào chính vụ thu hoạch, có tư thương vào tận xóm thu mua và mạnh ai nấy làm.

 

Anh Dương Văn Hiến, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phổ Yên cho biết: Để tạo điều kiện trong việc tiêu thụ sản phẩm nhãn cho bà con, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Thương nghiệp huyện tạo điều kiện cho các hộ dân ở đây thuê 1 cửa hàng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm cũng còn hạn chế vì nhãn Khe Đù còn ít người biết đến.

 

Hiện nay, toàn xóm Khe Đù có khoảng 85ha nhãn nhưng mới có 15ha được công nhận theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Nguyễn Việt Quỳnh cho biết thêm: Do nhận thức của bà con còn hạn chế, chưa thấy hết được lợi ích của việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đó là không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng và hướng tới sản xuất lâu dài. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để bà con hiểu hơn, từ đó làm theo tiêu chuẩn VietGap, hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Chúng tôi mong muốn, các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con có được quầy hàng giới thiệu sản phẩm để nhãn Khe Đù sớm có mặt tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước. Một điều khó khăn nữa đối với bà con Khe Đù là hiện nay, tuyến đường vào xóm dài hơn 3km vẫn là đường đất, rất khó đi, lại phải đi qua 2 con suối. Vì thế, mỗi khi trời mưa to, người dân không thể chở được sản phẩm ra trung tâm huyện tiêu thụ, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của sản phẩm cũng như giá trị kinh tế của người dân.

 

Mong muốn của chị Cun, ông Quỳnh cũng là mong muốn chung của người dân xóm Khe Đù. Hy vọng rằng, niềm mong mỏi ấy sẽ sớm được các cấp, các ngành chức năng quan tâm để bà con nơi đây có thể sản xuất ra sản phẩm nhãn chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đem lại nguồn thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân; đồng thời, tạo tiền đề để một số hàng nông sản khác của tỉnh  có thêm điều kiện phát triển, mở rộng.