Hòa Bình là một xã thuần nông của huyện Đồng Hỷ, toàn xã hiện có 115ha ruộng cấy lúa, khoảng hai năm gần đây, cùng với việc lựa chọn những giống lúa có năng suất cao, chính quyền địa phương còn chú trọng đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong khâu thu hoạch và làm đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo khung thời vụ và giảm được chi phí sản xuất.
Đến xã Hòa Bình vào đúng dịp bà con đang thu hoạch lúa mùa, đi dọc theo những cánh đồng của các xóm Đồng Cẩu, Tân Yên, Đồng Vung... chúng tôi có dịp chứng kiến những chiếc máy kéo, máy gặt đập liên hợp… đang hoạt động hết công suất trên các cánh đồng vàng ươm. Hình ảnh này đã thay thế cho cảnh thu hoạch thủ công ở những vụ trước đây. Ông Ngô Văn Chanh, ở xóm Đồng Cẩu là người đầu tiên đưa máy gặt đập liên hợp về xã cho biết: Gia đình tôi có 10 sào ruộng, trước đây chưa có máy, tôi phải thuê nhân công gặt trong 4 ngày mới xong. Từ vụ xuân năm nay, tôi quyết định đầu tư 125 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp về dùng nên công việc giải phóng đất nhẹ nhàng hơn hẳn, chỉ trong vòng một ngày, 4 lao động trong nhà tôi đã đem được toàn bộ số thóc trên 10 sào ruộng về nhà. Ngoài ra, tôi còn gặt thuê cho các hộ trong và ngoài xã. Cứ 1 sào, tôi được 120 nghìn đồng, trung bình một ngày máy gặt được khoảng 30 sào, tiêu tốn khoảng 40 lít dầu, trừ chi phí tôi được lãi khoảng hơn 1 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả của máy gặt đập liên hợp, gia đình anh Nguyễn Văn Phụng, ở xóm Tân Yên cũng đầu tư mua một chiếc, anh Phụng cho biết: Cách đây 2 năm, gia đình tôi đã sử dụng máy cày để rút ngắn thời gian làm đất nhằm đảm bảo khung thời vụ nhưng việc thu hoạch lúa trên 10 sào ruộng vẫn chiếm khá nhiều thời gian và phải thuê thêm nhân công với giá 100 nghìn đồng/người/ngày. Vụ mùa năm nay, gia đình tôi mua một chiếc máy gặt đập liên hợp với giá 145 triệu đồng về dùng, tuy chi phí ban đầu hơi cao nhưng lại tiết kiệm được thời gian và nguồn nhân lực. Bây giờ gia đình tôi chỉ cần huy động người nhà làm trong vòng 1 ngày là xong, thời gian còn lại tôi tranh thủ mang máy đi gặt thuê để kiếm thêm thu nhập. Với nhu cầu gặt thuê cao như hiện nay thì chỉ khoảng 3 năm là tôi có thể thu hồi được vốn.
Ngoài máy gặt đập liên hợp, những loại nông cụ khác như máy gặt, máy đập liên hoàn… hiện cũng đang rất phổ biến ở xã Hòa Bình. Được biết, ngày trước cứ mỗi khi vào vụ, gần như mọi người trong thôn, xóm phải thức dậy từ tinh mơ vai cày, vai cuốc ra đồng “đánh vật” với mấy thửa ruộng, đến kỳ thu hoạch phải lo làm cho kịp thời vụ. Còn bây giờ, trên nhiều cánh đồng, tuy chưa phải đã thay thế tất cả nhưng thực sự máy móc đã “gánh” đỡ cho nông dân nhiều công đoạn vất vả nhất như cày, bừa, gặt…
Theo số liệu thống kê, toàn xã hiện có 111 máy cày; 22 máy gặt; 21 thiết bị gieo hạt; 16 máy kéo; 7 máy đập liên hoàn, 4 máy gặt đập liên hợp... Số thiết bị này đã đảm đương khâu làm đất cho hơn 90% diện tích đất trong xã. Anh Đặng Quốc Đạt, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Phong trào cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn xã Hòa Bình đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ. Vụ mùa vừa qua, toàn xã gieo cấy được 115ha thì đã có gần 40% diện tích lúa gieo xạ bằng máy kéo tay, hình thức này không những giảm chi phí lao động, bỏ được khâu gieo mạ và cấy lúa mà còn tiết kiệm được giống cho bà con. Đặc biệt, vào vụ thu hoạch, 4 chiếc máy gặt đập liên hợp đã giúp cho khâu thu hoạch lúa của bà con đỡ vất vả hơn rất nhiều. Với loại máy này, chỉ cần hai người điều khiển máy và đóng bao đem thóc về, máy sẽ tự động gặt và trực tiếp đưa thóc vào trong bao. Hiện nay, diện tích lúa được thu hoạch bằng máy của xã chiếm khoảng 80%.
Với sự hỗ trợ của các loại máy nông cụ cùng phương châm “thu hoạch đến đâu, tiến hành làm đất ngay đến đó” nên đến thời điểm này, nông dân xã Hòa Bình đã thu hoạch xong 100% diện tích lúa mùa, năng suất đạt 53 tạ/ha, tiến hành trồng được khoảng 20ha ngô và 2ha rau màu vụ đông.
Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, chủ động khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai đang là yếu tố quan trọng làm cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong xã Hòa Bình thay đổi. Ông Lường Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tận dụng cơ chế hỗ trợ của nhà nước để giúp nông dân có điều kiện mua sắm máy móc, đồng thời chú trọng đến làm đường giao thông thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương để việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được thuận lợi hơn.