Điểm sáng Tân Hương

09:11, 07/10/2011

Đến xã Tân Hương (Phổ Yên), điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy đó là hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đã được cứng hóa, nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang...

Đồng chí Nguyễn Tiến Dân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, Tân Hương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế bởi người dân chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt; hệ thống các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ cho sản xuất và lưu thông hàng hóa chưa được hoàn thiện... Vượt lên những khó khăn ấy, đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã tranh thủ mọi sự hỗ trợ của Nhà nước tập trung đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm; đồng thời khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.

 

Để vận động bà con từng bước áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, hàng năm, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức được trên dưới 30 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho gần 2 nghìn lượt người tham gia. Nhờ đó, các giống lúa bao thai, khang dân cho năng suất thấp đã được bà con thay thế bằng các giống lúa lai mới như: VL20, SYN 6, SL8H-GS9… góp phần đưa năng suất lúa của toàn xã từ 37 tạ/ha năm 2005 lên 53 tạ/ha hiện nay. Một điều đáng phấn khởi là từ năm 2008 đến nay, mặc dù 70ha đất nông nghiệp đã được chuyển sang phục vụ các dự án công nghiệp, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và nhiều tuyến đường giao thông khác của địa phương nhưng xã vẫn đạt mục tiêu tổng sản lượng lương thực trên 3 nghìn tấn/năm, tăng 194 tấn so với năm 2005. Ngoài ra, xã còn quan tâm chỉ đạo bà con đẩy mạnh gieo trồng vụ đông. Năm 2005, toàn xã chỉ có 70ha cây màu vụ đông thì nay, con số này đã đạt gần 170ha. Ở một số xóm như: Phong Niên, Trường Thọ, Tân Long 1… việc đưa vào gieo trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao như: dưa chuột, đậu tương, cà chua, khoai tây, rau màu… đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

 

Chúng tôi đến xóm Nam, một trong những xóm đi đầu trong việc áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bà Phan Thị Thực, Trưởng xóm Nam tâm sự: Trước đây, chúng tôi chỉ quen cấy 2 vụ lúa sau đó bỏ đất không, có nhà còn bị đói ăn. Nhưng nay, nhờ được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi, có sự chỉ đạo, hướng dẫn về khung thời vụ của chính quyền địa phương nên nông dân chúng tôi đã chuyển đổi được 80% diện tích lúa mùa trung và mùa muộn sang cấy lúa sớm để trồng cây vụ đông. Vụ mùa vừa qua, cả xóm có 8ha lúa thì có tới 5ha được cấy bằng giống lúa thuần chất lượng cao như: TBR36, TBR45, HT6. Bà con chúng tôi bây giờ không còn phải lo gạo ăn; 90% số hộ đã sắm được các phương tiện phục vụ sinh hoạt như ti vi, xe máy… Hệ thống đường giao thông nông thôn cũng đã được bê tông hóa, rất thuận tiện cho việc đi lại và thông thương hàng hóa.

 

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng là 1 trong những thế mạnh được Tân Hương chú trọng phát huy. Xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện đưa vào 1 số dự án như chăn nuôi gà ta lai, nuôi lợn nái ngoại… để bà con học hỏi kinh nghiệm và từng bước nhân rộng. Xã khuyến khích người dân tận dụng triệt để diện tích vườn bãi để nuôi gia súc, gia cầm, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Toàn xã hiện có trên 10 hộ chăn nuôi lợn siêu nạc với quy mô trung bình trên 50 lợn bột/lứa và 15 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp với quy mô trên 3.000 con trở lên/lứa. Có nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Hiền ở xóm Trại. Ông đã đầu tư cải tạo hồ đập, xây chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thả cá. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm, gia đình ông thu lãi trên 150 triệu đồng. Ông Nguyễn Hồng Khánh, ở xóm Nam nuôi 6 lợn nái, trên 90 lợn bột/lứa và 500 gà đẻ, tổng thu nhập mỗi năm cũng đạt gần 100 triệu đồng…

 

Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bộ mặt nông thôn Tân Hương đã “thay da, đổi thịt”, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 19%, nay chỉ còn 13,7% (theo tiêu chí mới). Số hộ khá, giàu chiếm 20,5%. 100% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia. 90% đường liên thôn, xóm đã được bê tông hóa.

 

Đồng chí Nguyễn Tiến Dân cho biết thêm: Là một trong 4 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện Phổ Yên, hiện chúng tôi đã xây dựng kế hoạch Đề án Mô hình xây dựng nông thôn mới của xã giai đoạn 2011-2015; trong đó có quy định các tiêu chí chi tiết và cụ thể như: các điểm dân cư nông thôn, công sở làm việc, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sân thể thao, công trình giao thông, điện, nước, chợ... Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới và các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tạo nên sự đồng thuận và huy động sự đóng góp của cả tập thể tham gia xây dựng mô hình nông thôn mới.