Định hướng mới trong phát triển ngành nghề nông thôn

09:31, 02/10/2011

Thực tế đã chứng minh, phát triển ngành nghề nông thôn sẽ giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động, người dân nông thôn…

Lâu nay, sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu (Cổ Lũng, Phú Lương) được rất nhiều người biết đến. Nghề làm bánh chưng ở đây đã có từ mấy chục năm trước. Mới đầu, ở Bờ Đậu chỉ có vài gia đình làm bánh chưng bán ngày Tết, nhưng nay, vào ngày thường vẫn có trên 100 hộ làm bánh chưng để bán (chiếm 50% số hộ trong làng), còn ngày Tết thì hầu như nhà nào cũng làm. Chủ cửa hàng bán bánh chưng Tâm Quang cho biết: Từ nghề làm bánh chưng, cuộc sống của người dân chúng tôi đã được cải thiện rất nhiều.

 

Hiện, thu nhập bình quân một người làm bánh chưng ở Bờ Đậu đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng. Vào các mùa làm bánh chưng Tết, thu nhập của mỗi người dân thường cao hơn gấp đôi, ba lần so với ngày thương. Đơn cử như vào mùa bánh chưng Tết năm ngoái, mỗi ngày làng xuất ra thị trường khoảng 1 vạn chiếc bánh chưng, với giá 15.000 đồng/chiếc, thu về khoảng 150 triệu đồng/ngày.

 

Nghề làm bánh chưng Bờ Đậu chỉ là một trong rất nhiều ngành, nghề đang giúp người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh có thu nhập ngày càng ổn định hơn. Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh có gần 17 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, trong đó, khối doanh nghiệp có khoảng 120 cơ sở, khối hợp tác xã có khoảng trên 60 cơ sở, khối làng nghề có khoảng 110 cơ sở, còn lại là khối hộ gia đình. Các cơ sở này giải quyết việc làm cho khoảng 55 nghìn lao động. Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các chủ cơ sở có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với nghề nghiệp. Một số sản phẩm sản xuất được thị trường chấp nhận và có mức tiêu thụ khá như: chè, bánh chưng, bún, miến dong, đậu phụ, vật liệu xây dựng… Các cơ sở sản xuất cũng nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện cho các cơ sở yên tâm phát triển sản xuất, như: đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ kinh phí mở các lớp khởi sự doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các cơ sở tham gia hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm…

 

Tuy vậy, theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nhìn chung ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển chưa bền vững, quy mô các cơ sở sản xuất phần lớn nhỏ lẻ, trình độ công nghệ và thiết bị lạc hậu, sức cạnh tranh của sản phẩm yếu. Khu vực sản xuất hộ cá thể phần lớn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch ngành cụ thể, thiếu vững chắc, còn mang tính chất sản xuất hộ gia đình, gây ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư; vốn đầu tư cho sản xuất chưa nhiều; chậm đổi mới thiết bị máy móc, công nghệ, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ và công nhân lành nghề bậc cao còn thiếu, không được đào tạo chính quy... 

 

Với mục tiêu thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, dịch vụ và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, từ nay đến năm 2015, tỉnh phấn đấu mở mới 22 làng nghề, tạo việc làm cho trên 9.600 lao động, cung cấp ra thị trường gần 5,9 triệu sản phẩm các loại, thu nhập của 22 làng nghề này dự kiến đạt 84 tỉ đồng/năm, trong đó thu từ ngành nghề chiếm 49,7%. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có trên 25.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 180 làng nghề, tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt trên 2.713 tỷ đồng.

 

Để thực hiện được mục tiêu này không dễ dàng. Tuy nhiên, tỉnh đã đưa ra 10 giải pháp khả thi, trong đó chú trọng giải pháp về chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn như: chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường; nghiên cứu khoa học; hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công; đào tạo nghề; xúc tiến thương mại; ưu đãi đầu tư; khuyến khích mời các nghệ nhân kèm cặp, bồi dưỡng, truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ... Ngoài ra, để phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ các ngành nghề nông thôn, tỉnh tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cây lương thực, cây chè, cây ăn quả, cây lâm nghiệp... Đặc biệt, đối với các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình công cộng cho các làng nghề, cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm tiểu thủ công nghiệp. Huy động nguồn lực trong dân xây dựng các công trình của làng nghề theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hỗ trợ tạo mặt bằng sản xuất cho các làng nghề vì các làng nghề hiện nay đều có nhu cầu mở rộng sản xuất…

 

Tỉnh cũng sẽ dành nhiều ưu đãi cho 37 chương trình, dự án phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn từ nay đến năm 2020, trong đó có nhiều dự án mới như: nghề đan rọ tôm ở xóm Gò Lai, xã Thượng Đình (Phú Bình); nghề chế biến nông sản ở xóm Nam Hương 3, xã Thanh Ninh (Phú Bình); nghề trồng nấm ở xã Hùng Sơn (Đại Từ); nghề thêu ren ở xóm Nông Vụ, xã Vạn Phái (Phổ Yên); nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở xóm Vũ Trấn, xã Thượng Đình (Phú Bình); nghề trồng hoa cây cảnh ở xóm Táo, xã Hùng Sơn (Đại Từ); nghề cơ khí Inox ở phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên)...