Đoạn sông Cầu chảy qua huyện Phú Bình có chiều dài 29 km. Vài năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên tuyến sông này bùng phát làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng tới môi trường…
Đoạn sông Cầu chảy qua huyện Phú Bình có chiều dài 29 km. Vài năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên tuyến sông này đã bùng phát mạnh mẽ với số lượng tàu cuốc lúc nào cũng có từ 40-50 chiếc tham gia, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng tới môi trường cũng như cuộc sống của người dân hai bên bờ sông... Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, song kết quả đem lại rất hạn chế. Đo đó rất cần đến những giải pháp đồng bộ để giải quyết được tình trạng này...
Dòng sông “kêu cứu”
Khi tìm hiểu hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Cầu, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My đưa tới xóm Dinh B, rồi theo con đường nhỏ ra phía bờ sông đến điểm khai thác, tập kết cát sỏi đã hình thành từ nhiều năm nay trên địa bàn. Dòng sông hiện ra trước mắt chúng tôi với rất nhiều mô, ụ sỏi nhô cao, vượt lên khỏi dòng nước đục ngầu đang chảy siết. Ngay giữa dòng, tiếng máy nổ vang động cả khu vực phát ra từ một tàu cuốc đang hì hục “móc” từng gầu cát sỏi từ sâu dưới đáy sông. Những viên sỏi to, có giá trị thấp lại được thải loại trực tiếp xuống dòng sông. Được biết, đây là 1 trong 3 tàu cuốc hoạt động trên đoạn sông này, chủ tàu là người xã Đồng Tân (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), địa bàn giáp ranh với xã Nga My, ngăn cách bởi dòng sông Cầu. 2 tàu còn lại đều của người dân xã Nga My. Ở phía bờ sông bên này, nơi chúng tôi đang đứng là bãi soi thuộc địa phận xóm Dinh B hiện đã bị sạt lở một đoạn dài đến cả trăm mét, ăn sâu vào bên trong bãi, tạo nên một bức tường hõm hàm ếch cao khoảng 20m, chênh vênh như muốn đổ sụp xuống. Thời điểm chúng tôi có mặt, 2 tàu cuốc của chủ tàu người địa phương đang tạm dừng hoạt động do đường vận chuyển từ bãi sông lên đã bị các lực lượng chức năng của xã dùng máy xúc đào nhiều hố sâu khiến các xe không vào bãi nhận “hàng”.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã thì đây là giải pháp tình thế của địa phương, do thời gian gần đây, hoạt động của các chủ tàu cuốc ngày càng táo tợn, nhất là từ tháng 8-2011 đến nay. Chỉ vài ngày trước, hoạt động khai thác cát sỏi của các tàu cuốc tại đây vẫn diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm, chủ yếu trên đoạn sông dài khoảng hơn 1km chảy qua các xóm: Dinh B, Dinh C, Soi (Nga My). Ban đêm, các tàu này hút cát vào thuyền chứa (khoảng 15m3/thuyền), để rồi sáng hôm sau, lượng cát này được chuyển qua băng chuyền đưa lên ô tô vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Điều đáng nói là, về đêm, các tàu này bắc vòi hút vào cả các soi, bãi bên sông, gây sạt lở nhiều đoạn bờ sông. Riêng bãi soi thuộc xóm Dinh B, bờ sông đang bị sạt lở nghiêm trọng, khoảng 3 nghìn m2 đất nông nghiệp của người dân đã “biến mất” và đang tiếp tục sạt lở.
Qua khảo sát dọc tuyến sông, chúng tôi cũng nhận thấy, hoạt động khai thác của các tàu cuốc diễn ra ở cả 9 xã của huyện có dòng sông Cầu chảy qua. Ông Dương Thanh Nhị, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện cho biết: Hiện nay, trên toàn tuyến sông Cầu chảy qua Phú Bình có 46 tàu cuốc đang hoạt động, tập trung nhiều tại một số khu vực như: Gò Cẩy, xã Nhã Lộng (14 tầu), Soi Ấp, xã Hà Châu (15 tầu), Trại Mới, xã Thượng Đình (5 tầu)… Các tàu này đều chưa được cấp giấy phép khai thác hoặc có giấy phép nhưng đã hết hạn từ nhiều năm trước. Ngoài ra, các chủ tầu cũng không có giấy phép hành nghề đường thủy hoặc các giấy tờ liên quan đến hoạt động đường thủy. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 21-5-2004 về phê duyệt Đề án “Khoanh định khu vực khai thác cát, sỏi trên sông Cầu, huyện Phú Bình” thì có 10 khu vực được khoanh định với tổng diện tích 41ha.
Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác, đến nay, lượng cát sỏi tại các khu vực khoanh định đã cạn kiệt, chỉ còn lại loại sỏi cuội to, giá trị thấp. Để thu được lợi cao hơn, nhiều chủ tàu đã lén lút mua đất của người dân tại các bãi ven sông với giá từ 10 đến 15 triệu đồng/sào, sau đó tổ chức khai thác vào ban đêm, gây nên tình trạng sạt lở tại nhiều điểm dọc hai bên bờ sông, làm thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng tới cuộc sống và hoạt động sản xuất của nhiều hộ dân. Không chỉ vậy, việc vận chuyển cát sỏi từ các bến khai thác, tập kết cũng là nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó phải kể đến các khu vực điển hình như: Soi Ấp (Hà Châu); Gò Cẩy (Nhã Lộng); bến đình Phương Độ (Xuân Phương); kè xóm Mới (Thượng Đình); xóm Đoàn Kết, xã Đào Xá… Ngoài ra, do khai thác trái phép nên các chủ tàu cũng không quan tâm đến việc hoàn thổ, tạo nên nhiều hố sâu từ 5 đến 6m ngay dưới lòng sông gây mất an toàn cho người dân. Năm 2010, một em nhỏ 6 tuổi đã bị chết đuối do sa chân xuống một hố sâu như vậy tại khu vực bãi soi xóm Diệm Dương, xã Nga My.
Cần những giải pháp đồng bộ…
Nhận thức rõ về tình trạng trên, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp như thành lập tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo quản lý tài nguyên, khoáng sản huyện; xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát sỏi ở các vùng giáp ranh giữa huyện Phú Bình với T.P Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ và huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Chính quyền 9 xã có sông Cầu chảy qua cũng đã tích cực vào cuộc, tổ chức ký cam kết trong quản lý tài nguyên, khoáng sản đến từng xóm...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc như: quy chế phối hợp với các địa bàn giáp ranh chưa thực sự hiệu quả, chặt chẽ, khó xử lý các trường hợp tàu khai thác của tỉnh Bắc Giang, chủ của các tàu này thường không làm việc trực tiếp trên tàu nên khi các lực lượng chức năng kiểm tra không lập được biên bản xử lý… Trong khi đó, chế tài xử phạt cho hành vi này lại quá thấp, chỉ không quá 500 nghìn đồng; tịch thu tang vật hoặc phương tiện cũng có giá trị không quá 500 nghìn đồng (Mục 1, Điều 14, Nghị định số 150//2004/NĐ-CP ngày 29-7-2004 về về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản), không gây khó khăn gì đối với các chủ tàu. Thêm vào đó, tàu cuốc thường khai thác trên địa bàn nhỏ, khi bị kiểm tra dễ dàng lẩn tránh, sau đó lại hoạt động bình thường. Số tàu này cũng có phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng. Đây cũng là những ý kiến của ông Hoàng Văn Luyện, chủ tịch UBND xã Hà Châu, địa bàn có 15 tàu cuốc đang hoạt động.
Ông Luyện cho biết thêm: Do phương tiện, bến bãi của xã không có nên rất khó để bắt giữ các tàu nói trên. Các tàu lại chủ yếu hoạt động về đêm, khai thác vào sâu các bãi soi, bãi bên sông, ban ngày chỉ hoạt động ở giữa sông làm cho lực lượng chức năng không dễ dàng kiểm tra được. Bên cạnh đó, một số văn bản quản lý Nhà nước chưa thật cụ thể, đồng bộ, khiến việc triển khai ở huyện, xã gặp vướng mắc. Chẳng hạn như: Trong quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định và tổ chức thực hiện dự án đầu tư, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 55/2008/QĐ-UBND ngày 16-10-2008 của UBND tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập, thẩm định và thực hiện đối với các dự án khai thác cát sỏi lòng sông. Trong Đề án Quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 có một số điểm chưa phù hợp như: diện tích được phép khai thác cát sỏi trên địa bàn Hà Châu là 17,6 ha nhưng thực tế chỉ còn 3ha còn có thể khai thác được…
Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ như: sớm ban hành văn bản quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng kí giấy phép đối với hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông; có cơ chế hỗ trợ địa phương, đưa ra các chế tài cụ thể, hợp lý hơn khi xử lý vi phạm; khảo sát đánh giá đúng thực trạng, từ đó tiếp tục xây dựng Đề án khoanh định các khu vực khai thác cát sỏi trên địa bàn, làm cơ sở giúp nâng cao hiệu quả quản lý; đồng thời, lựa chọn những đơn vị đủ năng lực, điều kiện để đầu tư, khai thác...