Sớm quy hoạch vùng chè nguyên liệu

09:33, 22/10/2011

Với hơn 3.300ha chè, trong đó có khoảng 2.000ha chè thâm canh năng suất cao, Định Hóa là một trong 3 huyện có diện tích chè lớn nhất của tỉnh.

Từ lâu, cây chè đã được huyện xác định là cây xóa đói, giảm nghèo của người nông dân, đồng thời cũng là cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến nên sản xuất chè ở huyện còn manh mún, nhỏ lẻ và hiệu quả chưa cao…

 

Trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có 3 nhà máy chế biến chè là: Nhà máy chè Định Hóa, Nhà máy chè Sơn Phú và Công ty TNHH chè Bình Yên. Tổng công suất của 3 nhà máy trên khoảng 15 nghìn tấn chè búp tươi/ năm, bằng hơn 70% sản lượng chè của huyện. Tuy vậy, nhiều năm nay các nhà máy này chỉ đủ nguyên liệu duy trì với 50 % công suất thiết bị và hoạt động từ 3 đến 4 tháng/ năm.

 

Giữa thời điểm các vườn chè cho búp nhiều nhất, chè tươi được bán tràn lan cho các tư thương thì Công ty TNHH chè Bình Yên lại thiếu nguyên liệu trầm trọng. Được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2001, Công ty TNHH chè Bình Yên có công suất thiết kế trên 20 tấn chè khô/ ngày và là đơn vị duy nhất trên địa bàn huyện chế biến sản phẩm chè đen xuất khẩu. Thế nhưng, trung bình mỗi năm Công ty chỉ chế biến được khoảng 800 tấn chè khô (tương đương 2 tháng hoạt động liên tục). Riêng tới thời điểm này của năm 2011, Công ty mới chế biến được gần 200 tấn chè khô. Anh Phạm Văn Chỉnh, Giám đốc Công ty cho biết: “Khó khăn của chúng tôi là không thể thu mua được chè nguyên liệu bởi mức giá đưa ra không có tính cạnh tranh. Hiện Công ty đang mua chè tươi với giá 5 nghìn đồng/ kg chè hái tay và 4 nghìn đồng/ kg chè hái bằng máy. Mức giá này thấp hơn giá mà bà con nông dân bán cho tư thương từ 100 đến 200 đồng. Muốn có nguyên liệu thì phải tăng giá thu mua nhưng làm vậy Công ty sẽ thua lỗ bởi giá chè đen xuất khẩu hiện chỉ khoảng 22 nghìn đồng/ kg.

 

Tương tự, từ đầu vụ tới nay Nhà máy chè Định Hóa (đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần chè Kim Anh) mới chế biến được 120 tấn chè khô, bằng 30% kế hoạch năm. Trong khi Nhà máy chè Sơn Phú đã xây dựng xong từ cuối năm 2010 nhưng hiện chỉ thu mua chè khô và chế biến lại. Để có nguyên liệu, Nhà máy chè Định Hóa đã thành lập những đội đi thu mua chè trực tiếp của nông dân trên địa bàn nhưng cũng không hiệu quả. Theo anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Nhà máy chè Định Hóa: Bên cạnh nguyên nhân không cạnh tranh được với tư thương về giá thì tiêu chuẩn chè nguyên liệu để chế biến chè xanh của của Nhà máy khắt khe hơn so với chè đen. Phần lớn chè tươi mà bà con thu hái chỉ đạt tiêu chuẩn loại 2 hoặc 3, không đảm bảo chất lượng.

 

Khó khăn trong sản xuất và chế biến chè là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Riêng với huyện Định Hóa, bài toán về nguyên liệu còn khó hơn bởi người nông dân đã quen tự thu hái và chế biến chè theo hình thức hong nắng. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, cùng một loại chè nguyên liệu nếu người dân tự thu hái và chế biến rồi bán lại cho tư thương để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sẽ kinh tế hơn so với bán nguyên liệu cho nhà máy. Tuy vậy, theo ông Đàm Tiến Niên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT: Đây chỉ là hình thức chế biến và tiêu thụ chè mang tính tạm thời bởi chất lượng, an toàn vệ sinh không đảm bảo, thị trường xuất khẩu theo đường tiểu ngạch (chủ yếu là Trung Quốc) cũng không ổn định.

 

Hiện các nhà máy chế biến ở Định Hóa đều được xây dựng ở những khu vực chè tập trung. Tuy nhiên, họ lại chưa có phương án xây dựng vùng nguyên liệu, chưa có sự gắn kết lợi ích giữa nhà máy và người nông dân nên khi giá cả thị trường biến động thì nhà máy lập tức gặp khó khăn về nguyên liệu. Thực tế, hình thức ký cam kết giữa nhà máy và nông dân là cách làm có hiệu quả tích cực. Năm 2008, Nhà máy chè Định Hóa đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thực hiện hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu trả chậm và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè cho người dân trên diện tích hơn 2 ha ở xã Trung Hội. Người nông dân sẽ cam kết bán chè tươi cho nhà máy theo giá mức giá thị trường. Với làm cách này, người dân có điều kiện đầu tư, chăm sóc để tăng năng suất và chất lượng cây chè, trong khi nhà máy sẽ yên tâm sản xuất vì nguồn nguyên liệu đảm bảo. Tuy nhiên, do Nhà máy thiếu vốn nên chương trình đã dừng lại sau hơn 1 năm thử nghiệm.

      

Với mục tiêu nâng cao giá trị của cây chè, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, huyện Định Hóa vừa thông qua Đề án sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, huyện sẽ đầu tư hơn 5 tỷ đồng để hỗ trợ 100% kinh phí quy hoạch, phát triển vùng chè (tại 1 xã điểm) gồm: xây dựng đường giao thông, hệ thống tưới nước, cơ sở sơ chế chè… và hỗ trợ 11,7 tỷ đồng để trồng mới và thay thế giống chè. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích chè của huyện là 3.570ha, đạt sản lượng 27 nghìn tấn búp tươi, giá trị sản suất của cây chè đạt 70 triệu đồng/ ha/ năm. Thiết nghĩ, bên cạnh hình thành được vùng chè nguyên liệu tập trung, các nhà máy chế biến cần chủ động cải tiến quy trình kỹ thuật, tinh giảm bộ máy hành chính để giảm chi phí sản xuất và tăng cường sự gắn kết về lợi ích với người dân. Chỉ khi giá cả thu mua của nhà máy có tính cạnh tranh, lợi ích kinh tế của người nông dân được đảm bảo thì vấn để nguyên liệu sẽ không còn là nỗi lo thường trực của các nhà máy như hiện nay nữa.