Thu hút đầu tư tạo bước phát triển vững chắc

10:05, 19/10/2011

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên đã được Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ chọn làm ATK tuyệt mật. Nhân dân Thái Nguyên đã đoàn kết một lòng theo Đảng, Bác Hồ…Trong giai đoạn đất nước đổi mới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã và đang tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh lớp trước, bằng sự đoàn kết, trí tuệ, năng động đã đánh thức những tiềm năng, lợi thế, tạo đà dần đưa tỉnh phát triển tương xứng với vị trí là trung tâm của vùng Việt Bắc.

Từ hướng đi đúng

 

Trên bước đường đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tỉnh xác định phải phát triển toàn diện xã hội, trong đó lấy công nghiệp, du lịch - dịch vụ là khâu đột phát. Từ chủ trương ấy, Đảng bộ tỉnh đã xây dựng thành nghị quyết chuyên đề, triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới. Theo đó, nhiều cơ chế thông thoáng đã được thực hiện, thu hút các nhà đầu tư vào đa lĩnh vực, như: giao thông, thủy lợi, các cơ sở giáo dục, y tế, hạ tầng công nghiệp - đô thị... để tạo sự phát triển đồng bộ và vững chắc.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng xu thế phát triển thì chúng ta phải đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Các chủ trương, chính sách được sinh ra trên cơ sở pháp lý và điều kiện thực tế của địa phương. Cũng từ đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế, biện pháp, giải pháp phát huy nội lực và các nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào tỉnh. Đây là chủ trương đúng đắn hợp ý Đảng lòng dân và đã đem lại kết quả tốt đẹp cho sự phát triển của địa phương. Ngày 1-6-2008, tỉnh đã thành lập Văn phòng một cửa liên thông để hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các thủ tục hành chính. Việc làm này đã tạo được niềm tin của nhà đầu tư, khích thích họ đến với Thái Nguyên nhiều hơn, đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có nhiều dự án phát triển hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn, đã tạo ra bộ mặt đô thị văn minh và hiện đại, đặc biệt là T.P Thái Nguyên đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh…”.

 

Từ các chính sách thu hút đầu tư đã làm cho tổng đầu tư toàn xã hội tăng lên, đặc biệt đã tạo ra sự thay đổi về tỷ lệ giữa đầu tư công và các nguồn đầu tư xã hội khác. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư thì năm 2010, giá trị đầu tư toàn xã hội trên địa bàn vào các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đạt trên 9 nghìn tỷ đồng, từ đầu năm 2011 đến nay giá trị này đạt gần 10 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đầu tư qua các năm liên tục tăng: Năm 2005, tổng giá trị đầu tư toàn xã hội đạt trên 3 nghìn 729 tỷ đồng; năm 2009 là trên 7 nghìn 858 tỷ đồng; phấn đấu năm 2012 đạt trên 13 nghìn tỷ đồng. Điều đáng chú ý là trong tổng giá trị đầu tư toàn xã hội đó thì giá trị đầu tư công có chiều hướng giảm, nhường chỗ cho đầu tư từ các thành phần kinh tế khác trong xã hội. Cụ thể, năm 2005 giá trị đầu tư từ các thành phần kinh tế khác là trên 1 nghìn 379 tỷ đồng; năm 2010 là trên 4 nghìn 378 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng giá trị đầu tư toàn xã hội. Rõ ràng, từ chính sách thông thoáng của tỉnh đã khuyến khích thu hút đầu tư từ nhiều nguồn, qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp trong xã hội cùng chung tay góp sức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là việc làm đúng hướng cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới... 

 

Đến môi trường đầu tư lành mạnh

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù tỉnh có nhiều chính sách cởi mở để thu hút các nhà đầu tư, song tỉnh cũng rất nghiêm khắc với một số chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc vi phạm các điều khoản trong đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai, gây ô nhiễm môi trường… Tất cả sự nghiêm khắc đó thể hiện rõ quan điểm, mục đích của tỉnh là tạo môi trường đầu tư lành mạnh vì sự phát triển bền vững.

 

Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: “Để phát triển thì việc thu hút đầu tư là hoàn toàn đúng đắn. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách “trải thảm” để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thế nhưng, việc “trải thảm” không có nghĩa là cái gì cũng được, cũng đều chấp thuận cả, mọi việc đều đã được làm đúng luật và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đối với ngành Tài nguyên - Môi trường, chúng tôi đã rất tích cực hợp tác với các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các thủ tục hành chính; tham mưu đề xuất kịp thời với lãnh đạo tỉnh để đề ra những quyết định đúng…”

 

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thời gian qua, hầu hết các dự án đầu tư vào tỉnh đều được các chủ đầu tư triển khai và nỗ lực thực hiện. Từ đó góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, điển hình như các dự án: Nhà máy Xi măng Quang Sơn, Nhà máy May TNG Phú Bình, Dự án Xây dựng khu dân cư số 3-4 Đồng Quang, Dự án Khu dân cư số 5 Gia Sàng, Dự án Khu dân cư số 8 Phan Đình Phùng, Dự án xây dựng Chợ Thái (T.P Thái Nguyên); Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên... Nhiều dự án sau khi chuyển giao từ nhà đầu tư trước cho nhà đầu tư mới cũng đang được tái khởi động với tiến độ rất nhanh, như: Dự án Khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo, Dự án Hồ điều hòa Xương Rồng…

 

Tuy nhiên, bên cạnh các dự án có những bước tiến triển tốt, vẫn có khoảng 10% trong tổng số các dự án đầu tư vào tỉnh còn chậm tiến độ do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, năng lực hạn chế, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, sử dụng đất sai mục đích… Để thể hiện rõ quan điểm nghiêm khắc, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, kiểm tra, phân tích đánh giá để tham mưu đề xuất những giải pháp tháo gỡ và xử lý. Theo báo cáo của ngành Tài nguyên - Môi trường thì từ đầu năm đến nay ngành đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm Luật Đất đai, như Công ty TNHH Nam Hoa có hơn 20 nghìn m2 đất chưa sử dụng; Công ty TNHH Thái Nguyên Trường Hải có trên 14 nghìn m2 đất sử dụng không đúng mục đích… Cùng với đó, năm 2010, Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng đã trình UBND tỉnh quyết định thu hồi giấy phép đầu tư đối với 12 dự án; từ đầu năm 2011 đến nay là 22 dự án, do không đảm bảo đúng yêu cầu, quy định của pháp luật…

 

Mở ra tương tai tươi sáng hơn

 

Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, chúng tôi đã dành nhiều thời gian thị sát một số dự án đang triển khai trên địa bàn. Có thể nói, tất cả các dự án đều nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Có mặt tại Dự án Khu đô thị Xương Rồng - một trong những khu đô thị kiểu mẫu đang được xây dựng ở T.P Thái Nguyên, chúng tôi bắt gặp không khí lao động khẩn trương của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sông Đà 2. Hiện nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật vẫn được triển khai rất tốt. Anh Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý Dự án vui mừng cho biết: “Từ khi tiếp quản Dự án của nhà đầu tư trước là Công ty INTRA (Nhật Bản) đến nay được một năm, chúng tôi đã tranh thủ sự trợ giúp của lãnh đạo tỉnh, thành phố, ngành chức năng và nhân dân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đến nay, Dự án đã giải phóng được 80% diện tích, trong đó hầu hết đã được phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường cho các tổ chức, cá nhân. Chi trả, bồi thường đến đâu, chúng tôi xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến đó. Với tiến độ này, chắc chắn đến năm 2013 sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của Dự án…”

 

Có thể nói với Dự án Khu đô thị Xương Rồng, hay Dự án Khu dân cư số 9, phường Phan Đình Phùng (do Công ty Cổ phần Hỗ trợ phát triển công nghệ DETECH làm chủ đầu tư); Dự án khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng, phường Hoàng Văn Thụ (do Công ty cổ phần Đầu tư Bắc Sơn, Sông Hồng làm chủ đầu tư)… ở T.P Thái Nguyên và các dự án khác trên địa bàn tỉnh đều được chủ đầu tư nỗ lực phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân địa phương triển khai rất hiệu quả. Việc các công trình, dự án được thực thi đã tạo nên diện mạo mới cho Thái Nguyên, nhất là bộ mặt đô thị. Bác Nguyễn Văn Thanh, 70 tuổi, ở phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên, cho biết: “Tôi đã tận mắt chứng kiến những sự thay đổi về kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng từ đô thị đến nông thôn, miền núi đều được quan tâm xây dựng, vì thế đời sống nhân dân được cải thiện hơn… Đặc biệt, thời gian gần đây, qua thông tin báo chí, tôi biết tỉnh đang có nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu dân cư, đô thị, đường giao thông, nhà máy sản xuất công nghiệp, hy vọng những dự án này sẽ mở ra tương lai tươi sáng hơn cho tỉnh nhà…”

Trên bước đường đổi mới, phát triển, Thái Nguyên đã tạo được môi trường đầu tư lành mạnh, có sức hút rõ nét đối với các nhà đầu tư, tạo nên diện mạo mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả thể hiện rõ nhất là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 đạt trên 11%, mặc dù tình hình kinh tế thế giới, trong nước có nhiều biến động phức tạp, ảnh hướng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tính từ đầu năm nay đến hết tháng 9, mặc dù vẫn còn gặp khó khăn, song đã có trên 100 lượt nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào tỉnh, trong số đó đã có 44 dự án được cấp đăng ký với tổng vốn đầu tư đạt 24.616,7 tỷ đồng, đầu tư vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội… Đó là thành quả, công sức tập thể, thể hiện rõ sự lãnh đạo sáng suốt của cấp ủy, chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Đây sẽ là “cú hích” quan trọng để sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.