Nhu cầu về nguồn thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm lớn đã kích thích người chăn nuôi ở T.P Thái Nguyên mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển đàn vật nuôi theo hướng trang trại tập trung…
Nhu cầu về nguồn thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm lớn đã kích thích người chăn nuôi ở T.P Thái Nguyên mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển đàn vật nuôi theo hướng trang trại tập trung. Nhưng, nhiều chủ trang trại đã sớm nhận ra rằng, “điệp khúc” thất thường mà nghề chăn nuôi lớn mang lại thật không “dễ chịu” chút nào.
Theo thống kê thì năm 2008, T.P Thái Nguyên mới có 24 trang trại chăn nuôi (trên tổng số 186 trang trại các loại), nhưng đến thời điểm này đã là 115 trang trại. Số liệu này cho thấy việc chăn nuôi của thành phố đang có bước phát triển mạnh và đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, người trực tiếp chăn nuôi lại hiểu rõ nội tình nhất, và họ không thực sự lạc quan.
Đến xã Cao Ngạn, địa phương có phong trào chăn nuôi mạnh và số trang trại nhiều nhất thành phố, chúng tôi được đồng chí cán bộ phụ trách khuyến nông xã đưa đến thăm một vài gia đình có trang trại gà lớn. Cao Ngạn hiện có tới gần 50 trang trại nuôi gà công nghiệp (chủ yếu là nuôi gia công), mỗi trang trại có quy mô từ 5.000 đến trên 10.000 con, một số hộ cũng đang trong quá trình xây dựng trang trại dù phải vay phần lớn số vốn đầu tư. Riêng năm 2010, trên địa bàn xã đã phát triển thêm gần 30 trang trại nuôi gà công nghiệp…
Chúng tôi dừng lại tại gia đình anh Nguyễn Văn Huấn, ở xóm Gò Chè, từ hơn 1 năm nay đã duy trì đàn gà khoảng 8.000 con mỗi lứa. Có khách đến, anh Huấn như được dịp, giãi bày: Đầu năm 2010, gia đình tôi quyết định dốc vốn, vay mượn thêm người nhà cùng với vay ngân hàng để đầu tư trên 700 triệu đồng xây dựng trại nuôi gà công nghiệp gia công cho Công ty Cổ phần Đabacô Việt Nam. Số vốn đầu tư lớn như vậy chủ yếu phục vụ mua sắm trang thiết bị, vì nuôi gà công nghiệp đòi hỏi tuân thủ quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt. Nhận nuôi gia công, chúng tôi được Công ty đầu tư toàn bộ giống, vốn, thuốc thú y, được tư vấn kỹ thuật và được trả công dựa trên khối lượng gà xuất chuồng. Nhưng, nhận thấy việc chăn nuôi theo kiểu “lấy công làm lãi” không biết đến bao giờ mới trả hết khoản nợ vay đầu tư nên gia đình tôi đã quay sang tự làm… Qua câu chuyện, chúng tôi được biết thêm từ khi ra chăn nuôi “tự chủ”, gia đình anh Huấn đã xuất chuồng 1 lứa gà với 5.600 con và nhận được… khoản lỗ trên 100 triệu đồng do giá gà bán ra “rơi tự do” từ mức 50.000 đồng/kg xuống 28.000 đồng/kg. Anh cho biết dù đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” nhưng gia đình vẫn quyết định nhập lứa gà mới trên 8.000 con với hy vọng sẽ suôn sẻ hơn. Dù biết rằng thăng trầm là quy luật tất yếu, nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì những hộ chăn nuôi như gia đình anh Huấn sẽ rất khó trụ được với nghề.
Chị Lương Thị Dụng, ở xóm Trước, xã Lương Sơn thì có suy nghĩ “chắc chân” hơn khi cho rằng lãi ít và có khi chỉ hòa nhưng việc nuôi gia công an toàn hơn vì không cần quan tâm đến giá cả đầu vào, đầu ra. Hiện, gia đình chị cùng 2 lao động được thuê đến làm việc đang tất bật vệ sinh chuồng trại để vài ngày nữa Công ty Cổ phần Chăn nuôi RTD (mà gia đình chị ký hợp đồng) sẽ mang gà giống đến thả. Chị Dụng bảo, mùa đông sắp đến, tỷ lệ gà chết yểu nhiều và chậm lớn hơn, có khi phải bù lỗ, nhưng vẫn phải nuôi vì trong hợp đồng quy định như vậy. Được biết, ở xã Lương Sơn hiện có 8 hộ đầu tư nuôi gà công nghiệp theo hình thức gia công như gia đình chị Dụng, với quy mô từ 6.000 con/lứa trở lên.
Chăn nuôi gia công thì người dân hoàn toàn lệ thuộc vào các công ty mà họ ký hợp đồng, lãi không được nhiều trong khi số vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Chăn nuôi trang trại tự chủ như trường hợp gia đình anh Huấn và hơn 10 hộ khác ở xã Cao Ngạn thì đang gặp không ít khó khăn. Vì thế, việc phát triển chăn nuôi. Theo hướng nào đang là điều trăn trở của không ít hộ nông dân muốn đầu tư chăn nuôi theo quy mô trang trại.
Nuôi gà đã vậy, những chủ trang trại chăn nuôi lợn cũng gặp không ít khó khăn. Các đợt dịch bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh hoành hành đã làm cho các chủ trang trại dù không bị thiệt hại trực tiếp cũng bị ảnh hưởng gián tiếp do việc cấm xuất bán gia súc. Sau khi dịch lở mồm long móng được khống chế, giá lợn bán ra tăng mạnh nhưng cũng chỉ duy trì được thời gian ngắn. Gia đình ông Nguyễn Tiến Chi ở xóm Ngân, xã Lương Sơn đã đầu tư trang trại nuôi lợn quy mô được hơn 10 năm nay, hiện đang duy trì 100 lợn nái và gần 700 con lợn thương phẩm trong chuồng. Theo ông Chi, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn cho lợn tăng trung bình 10%, trong khi giá lợn bán ra lên xuống thất thường và có tăng cũng không tương xứng nên có lứa chỉ đủ tiền chi phí đầu tư, thuê nhân công.
Ông Tạ Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn cho rằng, việc phát triển chăn nuôi trang trại phần lớn còn mang yếu tố tự phát, các hộ đua nhau làm khi thấy giá đầu ra lên cao và ngược lại. Để người dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại, thành phố và các cơ quan chức năng cần quan tâm trước tiên đến việc mở rộng diện tiêm phòng cho đàn vật nuôi, cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi phải rõ ràng, thiết thực (tạo điều kiện hơn cho việc vay vốn ưu đãi, tạm thời khoanh nợ khi họ gặp rủi ro lớn…).
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TP Thái Nguyên, chúng tôi được biết: Thành phố đã và đang chỉ đạo, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, thân thiện với môi trường. Những khó khăn lớn đang gặp phải đó là tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ còn quá phổ biến đã hạn chế việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, người dân thiếu thông tin về thị trường, thiếu kiến thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Việc thiếu vắc- xin tiêm phòng và nguồn kinh phí hỗ trợ cũng là những vấn đề không dễ giải quyết ngay… Thành phố đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, được gắn với quy hoạch nông thôn mới và đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như trên để việc phát triển chăn nuôi trang trại có một hướng đi an toàn, bền vững.