Tân Khánh là một trong 4 xã được huyện Phú Bình chọn làm điểm triển khai xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát bước đầu cho thấy có không ít khó khăn, tồn tại gây trở ngại cho quá trình hoàn thiện các tiêu chí…
Chúng tôi đến xóm Làng Cả đúng vào thời điểm lúa mùa muộn chuẩn bị được thu hoạch. Trên các cánh đồng vàng óng, từng hàng cột điện, cột viễn thông đan nhau chạy thành hàng ngang, dọc chằng chịt. Bên cạnh hệ thống cột viễn thông mới được đầu tư là một loạt cột điện với đủ loại, từ cột bê tông, cột sắt và cả cột tre. Nhiều cột đã bị mục, nứt chân đổ nghiêng ngả cạnh đường đi gây mất an toàn và thiếu mỹ quan. Anh Dương Việt Cường, cán bộ Điện lực huyện Phú Bình, người trực tiếp phụ trách đường dây khu vực Tân Khánh cho biết: Tình trạng cột điện dân sinh bị nghiêng ngả hoặc gẫy đổ trên địa bàn xã phổ biến từ nhiều năm nay. Chúng tôi liên tục phải xử lý, nhất là vào mùa mưa bão, nhưng do lực lượng mỏng nên gặp không ít khó khăn.
Có mặt tại gia đình chị Trần Thị Thanh, xóm Làng Cả, chúng tôi được chứng kiến sự phản ứng gay gắt của gia chủ với những người có chức trách: “Gia đình tôi rất hoang mang, lo lắng từ nhiều ngày nay vì có tới hai cột điện bị nghiêng trong vườn nhà mình. Một cột ngả sát đầu hồi nhà, một cột nghiêng về phía cổng và lối vào rất nguy hiểm. Mấy hôm rồi trời mưa, buổi tối cả nhà không ai dám ra ngoài”. Quả đúng như lời chị Thanh nói, hai cột điện nằm xiêu vẹo trong khuôn viên nhà chị trông rất mất an toàn. “Gia đình tôi mong muốn, chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng sớm cải tạo đường điện để chúng tôi yên tâm sinh hoạt. Mấy ngày nữa là ruộng lạc của gia đình trồng dưới chân cột điện có thể thu hoạch được rồi…”. Chị Thanh nói.
Tìm hiểu thực tế ở các xóm lân cận, chúng tôi đều thấy có hiện tượng này. Cùng với sự xuống cấp của hệ thống cột điện là toàn bộ đường dây dẫn hạ áp kéo tới các hộ gia đình có thời gian sử dụng cả mấy chục năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vị trí còn chạy dây trần với nhiều mối nối qua thời gian dài mưa nắng đã bị võng xuống quá so với quy định. Chúng tôi làm việc chính quyền xã Tân Khánh để có thêm thông tin thì được Chủ tịch UBND xã, ông Dương Văn Chung cho hay, từ năm 2009 trở lại đây, tức là từ khi bàn giao lưới điện nông thôn về Công ty Điện lực quản lý thì việc cấp điện đã khả quan hơn trước rất nhiều. Trước đây, hạ tầng lưới điện trong xã rất xập xệ, chủ yếu là cột tre, dây trần chứ không mấy khi có cột bê tông. Ông Chung cho biết thêm: Toàn xã hiện có 9 trạm biến áp với trên 1.900 hộ dân dùng điện. Cùng với hạ tầng lưới điện chưa đảm bảo, trong xã còn có hai khu vực đang quá tải đó là Làng Cà và Đồng Bầu vì hai xóm này có tới 700 hộ dân nhưng chỉ có một trạm biến áp. Khu vực các xóm Hoàng Mai 2, Trại Mới, Làng Thông điện rất yếu vì cách khá xa trạm biến áp (khoảng 3 đến 4km). Chính quyền địa phương hiện rất lo ngại vì nhu cầu sử dụng điện của người dân trong xã ngày một tăng trong khi hạ tầng lưới điện lại chưa thể đáp ứng được. Tổ trưởng tổ dịch vụ bán lẻ điện năng của xã, ông Trần Đình Quý cho biết thêm: Năm 2009, cả xã sử dụng chỉ hết khoảng 70 triệu đồng tiền điện/tháng, nhưng đến năm 2011, con số đã tăng lên 240 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, khi các mô hình chăn nuôi trang trại được mở rộng, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển theo định hướng nông thôn mới thì lượng điện tiêu thụ toàn xã sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Chúng tôi mang câu chuyện về thực trạng hạ tầng lưới điện ở xã Tân Khánh trao đổi với ông Triệu Đức Nghĩa, Giám đốc Điện lực huyện Phú Bình thì được biết, không phải chỉ có xã Tân Khánh mà nhiều xã khác của huyện Phú Bình cũng đang phải chịu chung tình trạng này. Trước khi bàn giao cho Điện lực quản lý, lưới điện của huyện Phú Bình hoàn toàn do nhân dân tự đầu tư xây dựng (từ những năm 90 của thế kỷ trước). Đường dây hiện cũ nát, cột tre, gỗ là chủ yếu, nếu có cột bê tông thì bên trong lại không cốt thép. Các trạm biến áp đặt xa khu dân cư, bán kính cấp điện từ 3 đến 4km, tổn thất điện năng có trạm lên tới trên 40%. Từ khi tiếp nhận đến nay, ngành Điện đã thay toàn bộ công tơ (32 nghìn chiếc), tập trung sửa chữa, khắc phục điểm xung yếu, khu vực đường dây mất an toàn và cải tạo một số trạm biến áp, chống quá tải… Được biết, chiều dài đường điện lưới nông thôn của toàn huyện Phú Bình lên tới 372,8km với 149 trạm biến áp. Thời gian qua, ngành Điện đã rất nỗ lực cải tạo mạng lưới điện nông thôn, song do nguồn vốn hạn chế nên hiệu quả mang lại chưa nhiều.
Như vậy, từ thực tế tại xã Tân Khánh có thể thấy rằng, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, việc phải khắc phục, cải tạo cả một hệ thống lưới điện hạ áp đã xuống cấp như hiện nay không phải một sớm, một chiều là có thể thực hiện được. Điều này đang đặt ra vấn đề cần giải quyết không chỉ với ngành Điện mà với cả các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương.