Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Đâu là giải pháp?

14:15, 13/10/2011

Sau gần 15 năm thực hiện Chỉ thị số 07- CT/TW, ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị (khoá VIII), công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (NKVNN) trên địa bàn Thái Nguyên tuy còn gặp một số khó khăn, hạn chế, nhưng cũng đã đạt đượ  những kết quả khả quan, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Trong bối cảnh lực lượng lao động trẻ, có trình độ thu hút vào các doanh nghiệp NKVNN ngày càng tăng, thì việc thực hiện chủ trương trên của Đảng càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Từ chủ trương, đường lối của Đảng

 

Trong công cuộc đổi mới đất nước, trong sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, của nền kinh tế nói chung, sự lãnh đạo của Đảng và các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ở Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng.

 

Đảng ta cũng xác định tầm quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển TCCS Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) có dưới 50% vốn Nhà nước; các doanh nghiệp thành lập theo Luật Hợp tác xã (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp NKVNN). Việc thành lập và phát triển các TCCS Đảng trong các doanh nghiệp NKVNN vừa tăng cường sức mạnh cho Đảng, vừa có điều kiện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyên sâu, vừa giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Cũng từ những chủ trương trên, kể từ năm 1996 đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các cấp có trách nhiệm trong việc xây dựng, củng cố và phát triển TCCS Đảng trong các doanh nghiệp NKVNN, trong đó có Chỉ thị số 07- CT/TW, ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Kết luận số 80 - KL/TW, ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07- CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) trong tình hình mới”, trong đó chỉ rõ các nội dung, biện pháp cụ thể để các ban đảng, các cơ quan có liên quan ở Trung ương, các cấp uỷ, chính quyền địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trên.

 

Đến quyết tâm của cả Đảng bộ

 

Nói về công tác xây dựng, phát triển TCCS Đảng trong các doanh nghiệp NKVNN trên địa bàn tỉnh, ông Đặng Văn Ngự, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho biết: Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 07 - CT/TW của Bộ Chính trị, công tác xây dựng, phát triển TCCS Đảng trong các doanh nghiệp NKVNN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ. Các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về tăng cường xây dựng các TCCS Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể khối doanh nghiệp NKVNN. Cho đến nay, một số tổ chức Đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) ổn định, thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước và tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển TCCS Đảng ở các doanh nghiệp cũng bộc lộ một số yếu kém: Số lượng tổ chức đảng và đảng viên còn thấp; năng lực lãnh đạo, chiến đấu của các tổ chức đảng còn nhiều hạn chế, nội dung phương thức hoạt động còn nhiều lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

 

Theo con số thống kê của các cơ quan chức năng đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng trên 3.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó chiếm gần 91% là doanh nghiệp NKVNN. Trong số các doanh nghiệp này, có khoảng 2.150 doanh nghiệp với trên 199.800 lao động thường xuyên hoạt động sản, xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước; trên 1.000 doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Về các loại hình TCCS Đảng trong doanh nghiệp (doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân), cả tỉnh có 206 chi, đảng bộ cơ sở, 499 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở với 7.846 đảng viên, chiếm 11,18% số đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh. Trong đó, có 134 TCCS Đảng NKVNN, 335 chi bộ trực thuộc với 5.249 đảng viên; số TCCS Đảng thực tế trong các doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã là 20 chi, đảng bộ với trên 200 đảng viên; 5 TCCS Đảng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 78 đảng viên (trong số các TCCSĐ NKVNN hiện nay, chiếm đa số là các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần, vốn Nhà nước còn dưới 50%).

 

Theo ông Hoàng Trọng Vinh, Phó Bí thư, kiêm Trưởng Ban Tổ chức Đảng bộ Khối Doanh nghiệp: So sánh số lượng TCCS Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp NKVNN với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh luôn được đánh giá là một trong số những địa phương tốp đầu. Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng số các doanh nghiệp và người lao động thì tỷ lệ TCCS Đảng và đảng viên lại rất thấp, đặc biệt là số doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã.

 

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 07- CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010- 2015 cũng xác định: “…Thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, củng cố TCCS Đảng. Quan tâm xây dựng, phát triển tổ chức đảng ở khu vực doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp tư nhân”. Đặc biệt, cũng theo ông Ngự, trong thời gian tới, Tỉnh sẽ triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng, củng cố, phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước giai đoạn 2011- 2015”, với một số mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, chắc chắn công tác xây dựng và phát triển TCCS Đảng trong các doanh nghiệp NKVNN sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Cần thay đổi nhận thức

 

 Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH May Shiwon Sông Công

 

Theo ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ: Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng số TCCS Đảng và số đảng viên trong các doanh nghiệp NKVNN còn thấp là do nhận thức của một số cấp uỷ về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng TCCS Đảng trong các doanh nghiệp NKVNN chưa đầy đủ, sâu sắc, thiếu tập trung chỉ đạo và chưa có biện pháp cụ thể để thực hiện; nhiều chủ doanh nghiệp chưa “mặn mà” với tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp mình vì sợ làm mất thời gian của công nhân, giảm lợi nhuận…

 

Sau rất nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi và lấy ý kiến của các cơ quan chức năng của tỉnh, chủ doanh nghiệp NKVNN xung quanh vấn đề xây dựng và phát triển đảng trong các doanh nghiệp, chúng tôi thấy tựu chung có 2 luồng ý kiến sau: Đại diện nhóm thứ nhất cho rằng: Có TCCS Đảng thì dễ bị “giám sát”, làm mất tự do trong hoạt động SXKD, thậm chí bị lạm thời gian cho những việc họp hành, báo cáo. Ông N.X.P, Giám đốc Doanh nghiệp PBP bộc bạch: “Tuy tôi chưa vào Đảng, chưa thành lập được TCCS Đảng, nhưng tôi cố gắng kinh doanh hiệu quả, đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, đời sống công nhân được bảo đảm và không để xảy ra đình công, không vi phạm luật pháp, thì tôi có khiếm khuyết gì không?”. Hoặc có chủ doanh nghiệp nước ngoài bị thì lại cho rằng: “Có tổ chức Đảng thì Công đoàn dễ vận động công nhân đình công”(!). Thậm chí có chủ doanh nghiệp còn lo ngại: “Có chi bộ Đảng, thì những người trong chi bộ lãnh đạo lại tôi thì sao?”…

 

Ông Hà Nhân Hoan, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Thái Nguyên cũng cho biết: “Bản thân chúng tôi đã từng đặt vấn đề với các chủ doanh nghiệp đủ điều kiện vào Đảng và thành lập TCCS Đảng nhưng chưa muốn thành lập. Hầu hết họ đều trả lời rằng thật sự rất có cảm tình với Đảng, nhưng hiện tại phải tập trung sâu vào chuyên môn, thường xuyên phải đi công tác, làm ăn ở nước ngoài, trong khi vào Đảng phải tuân thủ một số nguyên tắc ràng buộc nhất định. Tôi cho đó cũng là một lý do. Hiện Bộ Chính trị đang giao Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu tổ chức thí điểm và có văn bản hướng dẫn cụ thể việc kết nạp đảng đối với đối tượng là chủ doanh nghiệp NKVNN. Trong thời gian chờ đợi hướng dẫn, chúng tôi cũng vận động các chủ doanh nghiệp phấn đấu làm những quần chúng tốt, những công dân ưu tú của Đảng và Nhà nước”…

 

Đại diện cho nhóm thứ 2, hầu hết là những chủ doanh nghiệp đã xây dựng được TCCS Đảng đều cho rằng: Trong doanh nghiệp có TCCS Đảng, đoàn thể, quyền và vai trò của người lao động được phát huy tốt hơn; nhiều vấn đề phát sinh trong quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động được giải quyết tốt, tránh được những xung đột không đáng có.

 

Là “người trong cuộc”, tiên phong trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Quốc Thái, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng hiểu rõ hơn ai hết, ông khẳng định: “Hầu hết đảng viên ở doanh nghiệp là những người có tấm lòng, làm việc có trách nhiệm. Nên khi tuyển dụng nhân viên, tôi không quan tâm họ có hộ khẩu thành phố hay không mà quan tâm xem họ có “lý lịch đỏ” hay không. Nếu là đảng viên, tôi ưu tiên! Nếu đề bạt nhân sự, tôi cũng ưu tiên họ”. Với quan điểm như thế, ngay từ năm 2003, ông Thái đã chủ động xin Thành uỷ Thái Nguyên cho thành lập Chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng uỷ phường Gia Sàng với 3 đảng viên. Đến nay, nhờ  năng động, quan tâm của chủ doanh nghiệp và sự giúp đỡ của cấp uỷ các cấp, Chi bộ đã phát triển thành Đảng bộ với trên 100 đảng viên, sinh hoạt tại 9 chi bộ chuyên môn. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Đảng bộ Thái Hưng đã tổ chức kết nạp được 12 đảng viên mới.

 

Nói về vai trò của chi bộ trong hoạt động doanh nghiệp, ông Trương Đình Việt, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và PTNT Miền núi (phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên) tâm sự: Chi bộ và chủ doanh nghiệp cùng có chung một mục đích phát triển SXKD, giữ vững sự ổn định của doanh nghiệp. Chính sự gương mẫu của mỗi đảng viên là động lực thúc đẩy doanh nghiệp chúng tôi ngày càng mở rộng SXKD và địa bàn hoạt động.

 

Ông Hoàng Minh Thông, Tổng Giám Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ, một trong những TCCSĐ thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh thì cho biết: Dù chưa phải là đảng viên, nhưng chúng tôi nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thành lập TCCS Đảng. Hiện các đảng viên trong chi bộ đang phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo quần chúng. Đặc biệt, một số đảng viên và người lao động luôn làm việc với tinh thần hết việc, chứ không hết giờ. Sự phát triển lớn mạnh của Công ty hiện nay là nhờ có tổ chức Đảng!”.

 

Như vậy, việc thành lập TCCS Đảng trong các doanh nghiệp NKVNN là cần thiết và có tác dụng tốt để ổn định và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở, không có những bước đi phù hợp, và đặc biệt là nhận được sự đồng thuận từ phía các chủ doanh nghiệp thì một số mục tiêu của Đề án "Xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp NKVNN giai đoạn 2011- 2015" của tỉnh khó trở thành hiện thực.

 

Đâu là giải pháp?

 

Mới đây, trong chương trình “Tôn vinh các tổ chức đảng tiêu biểu trong doanh nghiệp” lần thứ nhất tại Hà Nội, PGS - TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản một lần nữa khẳng định: “Đảng ta xác định xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Việc xây dựng các TCCS Đảng và lãnh đạo các doanh nghiệp SXKD đạt hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế...”. Tuy nhiên, đâu là giải pháp cho công tác phát triển các TCCS Đảng trong những doanh nghiệp NKVNN và có nên luật hoá quy định “Xây dựng và hoạt động của tổ chức Đảng và đoàn thể trong các doanh nghiệp NKVNN” hay không là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

 

Bên cạnh một số ý kiến cho rằng, “việc thành lập TCCS Đảng trong các doanh nghiệp không mâu thuẫn với mục tiêu phát triển của chủ doanh nghiệp, thì đảng, Nhà nước cũng nên luật hoá để tạo điều kiện phát triển Đảng trong các doanh nghiệp NKVNN”, thì cũng có nhiều chuyên gia lập luận: “Bài học lớn nhất mà ai cũng biết đó là chuyện luật hoá việc thành lập công đoàn. Ngoài một số kết quả nhất định, dễ nhận thấy vai trò, uy tín của một số tổ chức công đoàn còn mờ nhạt, minh chứng là hàng loạt vụ đình công, lãn công vẫn xảy ra. Nếu chúng ta bắt buộc các doanh nghiệp phải thành lập trong khi chủ doanh nghiệp chưa được thuyết phục bởi hiệu quả, vai trò của TCCS Đảng thì coi chừng chúng ta đang hành chính hoá công tác xây dựng Đảng, mà hành chính thì rất dễ đến quan liêu. Mặt khác, nếu đưa việc thành lập TCCS Đảng thành một điều kiện để thành lập doanh nghiệp, thì dễ khiến cho các chủ doanh nghiệp chần chừ, từ đó trở ngại cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội…

 

Để thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển TCCS Đảng trong các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp NKVNN, theo ông Hoàn Văn Sinh, Tỉnh Uỷ viên, Bí thư Đảng bộ Khối Doang nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh cần sớm triển khai Đề án “Xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp NKVNN giai đoạn 2011- 2015” vào cuộc sống; đồng thời đề nghị Ban Tổ chức Trung ương khẩn trương thực hiện việc thí điểm và có hướng dẫn về việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

 

Ông Phạm Hoàng Sơn thì cho rằng: Để làm tốt công tác xây dựng, phát triển TCCSĐ trong các doanh nghiệp NKVNN, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng, phát triển TCCS Đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp theo đúng tinh thần Chỉ thị số 07- CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII); đặc biệt, trong thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ sẽ yêu cầu cấp uỷ các địa phương tập trung kiểm chỉ đạo, kiểm tra các cấp ủy đảng, nhất là cấp uỷ cấp trên trực tiếp của TCCS Đảng trong các doanh nghiệp NKVNN.

 

Ngoài các giải pháp đã nêu, theo chúng tôi, trước mắt, tỉnh cần thực hiện ngay một số giải pháp theo Kết Luận số 80-KL/TW, ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư như: Khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp NKVNN từ tỉnh đến các huyện, thành phố, thị xã; đối với những doanh nghiệp chưa có TCCS Đảng, cấp uỷ cấp trên ở các địa phương cần rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc ổn định trong doanh nghiệp nhưng vẫn sinh hoạt Đảng ở nơi khác, nếu có từ 3 đảng viên chính thức trở lên và doanh nghiệp SXKD ổn định thì thành lập chi bộ. Nếu chưa đủ số lượng đảng viên để thành lập thì chuyển số đảng viên này về sinh hoạt với một tổ chức đảng phù hợp và chuẩn bị các điều kiện để thành lập TCCS Đảng; đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trước và sau khi dự án đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng cần chủ động phân công cán bộ, đảng viên tham gia liên danh, xúc tiến việc thành lập các TCCS Đảng; cần xem xét, bố trí lại mô hình tổ chức đảng trong các doanh nghiệp NKVNN, đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP. Cụ thể: Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, doanh nghiệp có tổng số vốn từ 10 – 50 tỷ đồng, có từ 50 – 100 lao động) thì cho thành lập TCCSĐ trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp; quy định chế độ, nguồn kinh phí hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể và có chế độ đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước đối với những người lãnh đạo doanh nghiệp NKVNN, đồng thời có phương án bổ sung cán bộ chuyên trách, giúp việc cho Ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp NKVNN của tỉnh.