Từ 1-10-2011, lương tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp được tăng, áp dụng theo mức mới sẽ giúp người lao động giảm bớt khó khăn nhưng đó cũng là một áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp…
Theo Nghị Định 70/2011/NĐ-CP của Chính phủ, từ 1-10-2011, lương tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp được tăng, áp dụng theo mức mới (lương tối thiểu vùng). Đây là chính sách nhằm giúp người lao động trong các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trước những biến động tăng giá của các mặt hàng, nhất là hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, đó cũng là một áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng hàng nghìn lao động.
Nghị định gắn với quyền lợi của người lao động
Theo quy định của Nghị định thì tỉnh ta có thành phố Thái Nguyên thuộc vùng 2 (mức lương tối thiểu của người lao động là 1,780 triệu đồng/người/tháng); các huyện Võ Nhai, Định Hóa thuộc vùng 4 (mức lương tối thiểu được áp dụng là 1,4 triệu đồng/người/tháng); các địa phương còn lại thuộc vùng 3 (mức lương tối thiểu là 1,550 triệu đồng/tháng). Như vậy, căn cứ vào Nghị định này thì mức lương tối thiểu mới của người lao động cao hơn mức cũ từ 500 đến 580 nghìn đồng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu. Tùy theo khả năng và đặc thù sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp trả lương cho công nhân ở các mức khác nhau.
Là người lao động, ai cũng mong muốn được tăng thêm thu nhập, nhất là trong giai đoạn trượt giá như hiện nay. Chị Nguyễn Thị Lý, công nhân Xí nghiệp may Việt Thái thuộc Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại TNG cho biết: “Thu nhập hàng tháng chúng tôi nhận được tỷ lệ thuận với sản phẩm. Ngoài ra, Công ty còn trả lương làm thêm cộng với các khoản thưởng, phụ cấp (xăng xe, nhà ở, chuyên cần…). Trừ hết các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trung bình, tôi được lĩnh từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng. Vấn đề tăng lương theo Nghị định của Chính phủ, tôi đã nghe nói đến. Tuy nhiên, vì thu nhập hàng tháng được tính theo sản phẩm nên không biết Công ty sẽ nâng lương cụ thể ra sao. Thế nhưng, so với công việc trung bình của các tháng trước thì tổng thu nhập của tháng này cũng cao hơn.
Còn đối với Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội (phường Cải Đan, T.X Sông Công), là một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, từ khi hoạt động đến nay đã xảy ra tình trạng công nhân đình công đòi tăng lương một số lần. Do đó, việc nâng lương tối thiểu là điều công nhân rất quan tâm. Chị Nguyễn Thị Duyên, Dương Thị Lý và một số công nhân đang làm việc tại Công ty cho biết: “Trước đây, lương cơ bản Công ty trả cho chúng tôi là 1,4 triệu đồng/tháng. Tháng này, lương cơ bản đã tăng lên 1 triệu 550 nghìn đồng cộng với các khoản phụ cấp khác nữa nên tổng thu nhập cũng cao hơn các tháng trước khoảng 400 nghìn đồng, Được tăng thêm một khoản cũng giúp chúng tôi bớt đi phần nào khó khăn”.
Trên thực tế, sau khi Nghị định có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh mức lương cơ bản và thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động theo Nghị định này. Theo đó, thu nhập của họ phần nào cũng đã cải thiện cùng với việc hưởng chế độ bảo hiểm về sau. Thế nhưng, đó cũng là một áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp.
Khó khăn với doanh nghiệp
Việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định khiến cho quỹ lương của các doanh nghiệp tăng lên đáng kể, thể hiện rõ nhất là phần đóng phí BHXH cho người lao động. Nói về vấn đề này, nhiều chủ doanh nghiệp không khỏi băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: “Việc tăng lương tối thiểu là cần thiết cho người lao động. Nhưng với một công ty có trên 7 nghìn lao động tham gia đóng BHXH thì chúng tôi phải chịu sức ép rất lớn. Chưa kể, các khó khăn khác như chi phí đầu vào, lãi suất ngân hàng đều tăng. Trong khi đó, ngành dệt may lại không thể cắt giảm nhân công. Dù vậy, ngay trong tháng 10-2011, chúng tôi đã nghiên cứu về Nghị định và cho in cuốn Sổ tay an sinh xã hội để tuyên truyền đến người lao động. Theo đó, thu nhập của người lao động trong Công ty sẽ tăng khoảng 20%. Điều đó đồng nghĩa mỗi tháng, Công ty phải bù thêm 5 tỷ đồng tiền lương và 500 triệu đồng để đóng BHXH cho người lao động.
Còn ông Lim Chae Yong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội cho hay: “hiện Công ty có 4.270 lao động tham gia đóng BHXH. Trước đây, chúng tôi trả mức lương tối thiểu cho công nhân với mức 1,4 triệu đồng/tháng. Nay áp dụng bậc lương mới là 1 triệu 550 nghìn đồng. Ngoài ra, Công ty còn có các chế độ phụ cấp khác như: kỹ năng, hỗ trợ xăng dầu, chuyên cần… Do đó, bình quân thu nhập của công nhân khoảng trên 2,4 triệu đồng/tháng. Từ 1-10, áp dụng mức lương tối thiểu mới, mỗi tháng, Công ty sẽ phải chi thêm khoảng 80.000 USD cho tiền lương và đóng BHXH cho người lao động. Đây cũng là một khó khăn cho chúng tôi”.
Áp lực trên không chỉ đối với những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải chịu sức ép này. Bà Hoàng Thị Mỹ Huyến, Giám đốc doanh nghiệp Sơn Luyến cho hay: Hiện Doanh nghiệp hoạt động rất cầm chừng, gặp nhiều khó khăn. Trước khi Nghị định được ban hành, mức lương trung bình của công nhân đã là 3,8 triệu đồng/tháng. Việc đóng BHXH theo mức lương tối thiểu vùng là một sức ép không nhỏ nhưng chúng tôi sẽ thực hiện. Còn tiền lương, trước mắt, Ban giám đốc đã họp với toàn bộ người lao động để thống nhất tạm thời chưa tăng lương. Công nhân cũng hiểu và ủng hộ chúng tôi”.
Đối mặt với vấn đề này, hầu hết, chủ doanh nghiệp đều chấp nhận giảm bớt lợi nhuận trước khi có những giải pháp hữu hiệu. Một số doanh nghiệp khác đã bày tỏ mối lo ngại trước sức ép này. Thậm chí, đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn sẽ phải cắt giảm nhân công hoặc điều chỉnh các khoản phụ cấp, tiền thưởng… để duy trì sản xuất.
Được biết, ngay sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng đến các doanh nghiệp. Sau đó, thanh tra sở đã tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện Nghị định 70 của các doanh nghiệp. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hà Viết Ngọc, cán bộ Phòng thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Qua kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động theo Nghị định. Phần lớn các doanh nghiệp đã đưa ra mức lương tối thiểu cao hơn mức quy định”. Còn theo ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng thu Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh thì hằng tháng các doanh nghiệp có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động theo Luật BHXH. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể đóng theo tháng hoặc theo quý nên tính đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa tổng hợp được việc đóng BHXH của các đơn vị trong tỉnh.
Như vậy, có thể nói, việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 70 của Chính phủ phần nào đã giải quyết được phần nào nỗi lo của người lao động trước sự leo thang của giá cả thị trường. Hơn nữa là chế độ bảo hiểm cho họ sau khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, đó lại là một bài toán khó đối với doanh nghiệp, nếu không muốn nói là thách thức không nhỏ. Hy vọng rằng, trước những khó khăn đó, các doanh nghiệp cùng nỗ lực vượt khó, tiết kiệm mọi chi phí có thể để chia sẻ lợi ích với người lao động.