Vinh Sơn xây dựng nông thôn mới

14:17, 21/11/2011

Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sau hơn 1 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) đang “thay da, đổi thịt” từng ngày…

Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sau hơn 1 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Xã đã hoàn thành 4/19 tiêu chí xây dựng NTM, 3 tiêu chí khác sẽ được công nhận hoàn thành vào cuối năm 2011. Một số tiêu chí được coi là khó đạt trong “một sớm một chiều” cũng đang được địa phương tập trung tháo gỡ…

 

Thu nhập bình quân đầu người đã tăng

 

Xã Vinh Sơn hiện có 6 xóm, với 548 hộ, trên 2 nghìn khẩu. Kinh tế của xã chủ yếu phụ thuộc vào phát triển các cây nông nghiệp, trồng chè và chăn nuôi, không có nghề truyền thống. Ngoài ra, Vinh Sơn là xã thuần nông gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất nông nghiệp do không chủ động được nước tưới. Vì thế, đời sống của người nông dân rất khó khăn. Ở thời điểm năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trong xã rất thấp, chỉ đạt 7,2 triệu đồng/người/năm. Làm thế nào để nâng cao thu nhập đầu người ở xã? câu hỏi ấy luôn thôi thúc cấp ủy, chính quyền địa phương nhanh chóng tìm ra lời giải.

 

Tháng 8 năm 2010, Vinh Sơn được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Xác định đây là cơ hội để thúc đẩy Vinh Sơn phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM, thành lập Ban chỉ đạo gồm 16 đồng chí. Xã đã xây dựng Đề án thực hiện nông thôn mới, bước đầu tập trung vào đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhằm tăng thu nhập cho người dân… Từ tháng 8-2010 đến nay, xã đã phối hợp với các ban, ngành, mở 10 lớp đào tạo nghề cho trên 400 lao động, với các nghề chủ yếu như: xây dựng, nghề mộc, trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp… Đến nay, đã có tới 70% số người được học nghề có việc làm ổn định. Từ các lớp đào tạo này, một số hộ trong xã bước đầu đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế và đem lại hiệu quả cao. Gia đình ông Nguyễn Văn Ấn, xóm Vinh Quang 1 là một hộ điển hình. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi, thú y năm 2010, gia đình ông mạnh dạn vay vốn mua 400 con gà ta, 400 con vịt đẻ trứng để phát triển chăn nuôi. Hiện tại, mỗi tháng, vịt đẻ trung bình trên 600 quả trứng, gia đình ông thu được 15 triệu đồng từ bán trứng vịt. Mỗi năm, xuất 2 lứa gà với trên 800 con, thu được 80 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông cũng tích cực chăm bón 1,5 ha đất ruộng, chè, 1 ha đồi rừng. Như thế, trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông Ấn cũng thu lãi được trên 150 triệu mỗi năm.

 

Bên cạnh phát triển kinh tế, công tác tuyên truyền vận động nhân dân về ý nghĩa thiết thực của phong trào xây dựng nông thôn mới chính là để phục vụ cho người dân có cuộc sống tốt hơn cũng được xã chú trọng. Nhờ đó chương trình xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía nhân dân. Trong công tác huy động sức dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, từ năm 2010 đến nay xã đã vận động nhân dân đối ứng làm được 2,5 km đường bê tông, 3 km kênh mương nội đồng với tổng trị giá trên 1,8 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 50% còn lại là do nhân dân đóng góp. Trung bình mỗi khẩu đóng góp ít nhất là 700 nghìn đồng. Có nhiều xóm dân cư ở không tập trung nên nguồn huy động đóp góp của người dân cao gần gấp đôi mức trung bình. Nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, nên sau khi triển khai, 100% các hộ dân đều đồng tình tham gia ủng hộ. Khi có các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, 100% các tuyến đường bê tông mới này đều được mở rộng mặt đường đảm bảo rộng từ 3,5 đến 4m; đổ bê tông dầy 25cm, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa của nhân dân. Từ khi tập trung cứng hóa kênh mương, 4 trạm bơm được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 2009 đã phát huy hết tác dụng, người nông dân không còn phải trông chờ vào nước trời. Nếu như, năm 2007, năng suất lúa chỉ đạt trung bình 60kg thóc/sào thì đến nay năng suất lúa đã đạt trung bình 2 tạ thóc/sào.

 

Với những nỗ lực ấy, tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Vinh Sơn đã tăng 77% so với năm 2010 và đạt gần 13 triệu đồng/người/năm. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay xã Vinh Sơn đã đạt 4/19 tiêu chí lớn của Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đó là: Nhà ở dân cư, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự xã hội. Trong các tiêu chí đạt chuẩn đó, xã Vinh Sơn có một số tiêu chí đạt kết quả khá cao so với mức chuẩn. Cụ thể, với tiêu chí hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 7%, thấp hơn 3% so với mức quy định (là 10%). Trong tiêu chí về nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng đạt trên 91%, cao hơn gần 17% so với mức quy định. Xã cũng chuẩn bị được công nhận hoàn thành thêm 3 tiêu chí nữa trong năm 2011 là: Điện, giáo dục, y tế.

 

Vững tâm với mục tiêu xây dựng nông thôn mới

 

Chính từ những nỗ lực nghiêm túc xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, Vinh Sơn đã có 4/19 tiêu chí xây dựng NTM đã được xã hoàn thành, 3 tiêu chí khác sẽ được công nhận hoàn thành vào cuối năm 2011. “Mặc dù vậy, hiện tại, chúng tôi vẫn rất trăn trở với các tiêu chí: cơ cấu lao động và thu nhập” - đồng chí Chủ tịch xã Vinh Sơn Đào Văn Thép cho biết. Để đạt được 2 tiêu chí ấy, điểm mấu chốt là phải giải quyết được tiêu chí cơ cấu lao động nông thôn, bởi nó quyết định đến thu nhập, đồng chí Thép khẳng định như vậy. Hiện nay, tuy sản xuất đã có bước phát triển mới: cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, song tỉ lệ lao động nông nghiệp của xã vẫn chiếm 75%. Đó vẫn là khoảng cách khá lớn so với chỉ tiêu được xác định trong xây dựng NTM. Với một xã thuần nông như Vinh Sơn, đưa 50% số lao động của xã khỏi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp không phải là việc làm của “ngày một ngày hai”. Mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở Vinh Sơn đang là gần 13 triệu đồng/người/năm, vẫn thấp hơn mức thu nhập bình quân chung của tỉnh (hiện đang là trên 17 triệu đồng/người/năm). Trong khi đó, theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người của NTM, thì mức thu nhập này ở Vinh Sơn phải cao gấp 1,2 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh. Đây quả là một con số khó đạt trong thời gian ngắn.

 

Tuy nhiên theo ông Thép, Đảng bộ và chính quyền Vinh Sơn vẫn vững tâm với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và khó khăn này, Vinh Sơn sẽ vượt qua bằng nhiều biện pháp khác nhau. Để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đồng thời qua đó tăng thu nhập cho người dân, phải kêu gọi được các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất tại địa phương - ông Thép nhận định đó là hướng gợi mở cho Vinh Sơn trong thời gian tới. Cùng với đó, xã sẽ tích cực triển khai các đề án phát triển kinh tế, xã hội là đào tạo nghề; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; dồn điền đổi thửa và phát triển trang trại nông nghiệp. Tiếp tục nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn và xây dựng kênh mương nội đồng cũng là những mục tiêu được ưu tiên của Vinh Sơn trong thời gian tới.