Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Bước đi hiệu quả ở Hồng Tiến

15:56, 30/12/2011

Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bộ mặt nông thôn mới của xã Hồng Tiến (Phổ Yên) đã có nhiều thay đổi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã luôn đạt trên 12%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 393 hộ (chiếm 16%) năm 2005 xuống còn 72 hộ (2,4%) hiện nay.

Tôi thật sự ngỡ ngàng khi trở lại cánh đồng xóm Ấm, xã Hồng Tiến vào một ngày cuối tháng 12. Bởi chỉ vài hôm trước thôi, những luống ngô nếp còn đang thẳng hàng tăm tắp, vậy mà giờ, thay vào đó đã là những mầm xanh của khoai tây dài đến 2 gang tay đang vươn lên. Vừa nhổ cỏ dại trên ruộng khoai tây, vợ chồng anh Dương Văn Đạo ở xóm Ấm vừa tranh thủ bón phân cho cây khoai. Về chu kỳ sản xuất “khép kín” của gia đình, anh chị cho biết: Nhà tôi có hơn 1 mẫu ruộng. Năm nào cũng vậy, tranh thủ gặt xong lúa mùa sớm là gia đình bắt tay vào trồng ngô vụ đông ngay. Trong thời gian ngô sắp cho thu hoạch, tôi lại trồng ghé khoai tây vào cạnh gốc ngô. Sau khi ngô được thu hoạch thì cây khoai tây cũng đã lên cao được khoảng 40cm. Chỉ tầm hơn 1 tháng nữa thôi là chúng tôi cũng được thu hoạch khoai tây, sau đó sẽ cấy lúa xuân luôn. Cứ thế quay vòng liên tục không cho đất nghỉ...

 

Không chỉ ở xóm Ấm mà đi khắp các xóm như Đông Sinh, Hiệp Đồng, Thành Lập… của xã Hồng Tiến, chúng tôi đều thấy không có một thửa ruộng nào để đất trống. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hồng Tiến hiện có hơn 2.900 hộ với trên 11 nghìn nhân khẩu. Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh đạo nhân dân thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có của địa phương. Với lợi thế có hơn 1.370 ha đất này tương đối chủ động được về nguồn nước tưới, xã đã vận động nhân dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho phù hợp nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các giống lúa như Syn6, lúa lai, giống ngô nếp, ngô NK66, VN4… cho năng suất cao được đưa vào trồng thay thế những giống cũ của địa phương đã bị thoái hoá. Các loại rau màu như su hào, bắp cải, cà chua… trồng xen canh trên đất 2 vụ lúa và đất chuyên màu đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Nhiều diện tích đất 1 vụ, 2 vụ lúa không ăn chắc trước đây được chuyển sang trồng luân canh 1 vụ lúa, 3 vụ màu. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Để nâng cao trình độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con, xã luôn quan tâm tới công tác tập huấn chuyển giao công nghệ cho nông dân. Năm 2010, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức được 26 lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 1 nghìn lượt người tham gia. Trong năm, tổng sản lượng lương thực của xã ước đạt gần 6 nghìn tấn, đạt 109% kế hoạch. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đang chuyển dịch theo hướng gia trại, trang trại cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Tổng đàn gia súc của xã duy trì ở mức hơn 13 nghìn con, đàn gia cầm với trên 72 nghìn con. Hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô lớn đều đầu tư xây hệ thống chuồng trại và làm bể chứa biôga để xử lý chất thải. Có thể kể tên một số hộ chăn nuôi tiêu biểu như: hộ anh Hà Văn Lập ở xóm Giếng nuôi trên 6 nghìn con chim cút, hộ anh Hà Văn Đoàn ở xóm Giếng và chị Nguyễn Thị Nhường ở xóm Hắng đều nuôi trên 100 con lợn bột/lứa, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Hồng Tiến còn được thể hiện trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Trong vòng 5 năm qua, xã đã giải phóng mặt bằng được hơn 60 ha đất cho các dự án trên địa bàn như: Dự án xây dựng Nhà máy gạch chịu lửa, Dự án Trường dạy nghề của Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên… Trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều nhà máy, cơ sở, hộ gia đình có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn, góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập đáng kể cho lao động địa phương, với các ngành nghề chính như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, đồ mộc gia dụng, cơ khí sửa chữa, chế biến nông sản thực phẩm… Bình quân mỗi năm các cơ sở này đã giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình trên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn xã ước đạt hơn 2 tỷ đồng. Là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế, cơ sở sản xuất tái chế gạch lát nền của gia đình ông Trần Xuân Vịnh ở xóm Hắng đã tạo việc làm ổn định cho 9 lao động trong xóm với mức thu nhập trung bình 2 triệu đồng/người/tháng. Ông Vịnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất nhằm tạo thêm công ăn việc  làm cho con em địa phương...

 

Kinh tế từng bước phát triển, trong vòng 5 năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và đối ứng của nhân dân với hơn 9 tỷ đồng, xã đã cứng hóa được 27 km đường giao thông nông thôn và hơn 6 km kênh mương nội đồng. 15/15 xóm đã xây dựng được nhà văn hóa…