Hiệu quả từ thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

17:54, 27/12/2011

Để đảm bảo việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật, 3 năm trở lại đây, cấp uỷ, chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã chung tay thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính nói chung và cơ chế một cửa, một cửa liên thông nói riêng…

 

Từ năm 2007 trở lại đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan hành chính thuộc tỉnh nghiêm túc nghiên cứu các văn bản của Trung ương, của tỉnh để triển khai xây dựng Đề án thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đến nay đã có 15/19 sở, ngành thực hiện cơ chế một cửa; 9/9 UBND cấp huyện và 180/180 UBND cấp xã thực hiện cơ chế một cửa. Tại bộ phận một cửa và một cửa liên thông, các cơ quan, đơn vị đã bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm cao, nghiệp vụ chuyên môn  sâu để giải quyết hồ sơ của các tổ chức, công dân đến liên hệ công tác. Hiện có 603 cán bộ, công chức đang làm việc tại bộ phận một cửa và một cửa liên thông, trong đó, mỗi cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phân công từ 1-3 cán bộ, công chức (tuỳ thuộc vào chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị); cấp huyện phân công 3 cán bộ, công chức đúng chuyên môn: 1 chuyên viên phụ trách tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực đất đai; 1 chuyên viên phụ trách tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực tư pháp, hộ tịch; 1 chuyên viên phụ trách tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực chính sách, xã hội và cấp phép kinh doanh, cấp phép xây dựng. Riêng Bộ phận một cửa của T.P Thái Nguyên được bố trí 7 cán bộ, công chức (2 cán bộ, công chức luân phiên thực hiện cơ chế một cửa liên thông); đối với cấp xã phân công 3 công chức thuộc chức danh chuyên môn địa chính - xây dựng; văn hoá - xã hội; tư pháp - hộ tịch… Nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa của các cấp tỉnh, huyện, xã đều đảm bảo đủ tiêu chuẩn, đạo đức và năng lực thực thi công vụ, tận tụy phục vụ nhân dân, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

 

Các loại công việc được áp dụng giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, như: Tài nguyên - môi trường; xây dựng; đầu tư; cấp phép kinh doanh; giáo dục và đào tạo; giao thông - vận tải; y tế, văn hoá - xã hội… được thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương. Trên 90% số hồ sơ được tiếp nhận đã được lãnh đạo các cơ quan và các công chức làm việc tại bộ phận một cửa và một cửa liên thông nghiên cứu, giải quyết đảm bảo về chất lượng, thời gian theo quy định. Cụ thể như: Cấp tỉnh, tổng số hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của 15 sở, ngành từ năm 2007 đến nay là 73.697 hồ sơ và đã giải quyết được 73.278 hồ sơ; cấp huyện, tổng số hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của 9 UBND cấp huyện là 66.487 hồ sơ, đã giải quyết 64.360 hồ sơ, số hồ sơ trả chậm và các lý do khác là 2.127 hồ sơ; cấp xã, số hồ sơ tiếp nhận của 180 UBND cấp xã là 2.416.940 hồ sơ, đã giải quyết 2.412.494 hồ sơ, số hồ sơ trả chậm và các lý do khác là 4.446 hồ sơ.

 

Đặc biệt sau khi được thành lập, Văn phòng một cửa liên thông của UBND tỉnh đã thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư. Tính đến tháng 10/2010, Văn phòng một cửa liên thông về đầu tư của tỉnh đã tiếp xúc, hướng dẫn các thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư cho 396 lượt nhà đầu tư, đề nghị UBND tỉnh chấp thuận đầu tư cho 230 dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 136 dự án.

 

Để làm tốt nhiệm vụ nêu trên, trong những năm qua, Sở Nội vụ đã phối hợp với các ngành, UBND cấp huyện thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa. Qua 3 năm triển khai chủ trương này, ngành chức năng đã tổ chức được 12 lớp tập huấn với 1.185 người tham gia. Đối tượng tham gia là trưởng ban và thư ký ban chỉ đạo cải cách hành chính các sở, ngành; lãnh đạo UBND và trưởng phòng Nội vụ cấp huyện; lãnh đạo UBND cấp xã phụ trách công tác cải cách hành chính; công chức làm việc tại bộ phận một cửa của UBND cấp huyện; công chức tư pháp - hộ tịch, công chức địa chính - xây dựng, công chức văn hóa - xã hội, công chức văn phòng - thống kê cấp xã.

 

Đồng chí Trần Thị Hồng Điệp, cán bộ thường trực tại Bộ phận một cửa của UBND T.P Thái Nguyên chuyên giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai, cho biết: "Nhờ thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, chúng tôi cập nhật được các kiến thức pháp luật, quy trình thực hiện về tiếp nhận, trả kết quả để phục vụ đắc lực cho hoạt động nghiệp vụ hàng ngày…".

 

Việc kiểm tra công tác thực hiện cải cách hành chính cũng đã được cơ quan thường trực của tỉnh về vấn đề này thực hiện thường xuyên, qua đó đã phát hiện những cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính còn có thiếu sót như để hồ sơ chậm, tồn đọng không đúng quy định… Vấn đề này đã được nhắc nhở để kịp thời khắc phục và những bất cập về quy trình, cơ chế chính sách trong lĩnh vực này cũng đã được cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Từ thực tế có thể đánh giá rằng, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh đã từng bước giảm được chi phí, thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp khi đến các cơ quan Nhà nước giải quyết công việc, tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn và hướng tới việc phục vụ nhân dân tốt hơn. Mặt khác, qua thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông cũng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và Quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai các thủ tục hành chính.

 

Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, môi trường thuận lợi thu hút được nhiều nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các dự án kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng sẽ là động lực để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển và ổn định trong nhiệm kỳ 2010-2015.