Năm 2011, do thời tiết rét đậm rét hại kéo dài nên tiến độ gieo trồng vụ Xuân bị chậm lại, kéo theo vụ mùa và vụ Đông cũng chậm theo. Ở nhiều địa phương, bà con đã bỏ đất, không canh tác vụ Đông do thời gian dành cho vụ này còn lại quá ngắn. Nhưng ở xã Động Đạt (Phú Lương) thì lại khác, bà con đã chuyển đổi từ trồng sắn, khoai, ngô… sang trồng các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn đã mang lại hiệu quả kinh tế khá và mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng bí đỏ, cà chua, rau xanh thuộc xóm Đồng Nghè, Ao Sen, đồng chí Đào Đình Định, Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Động Đạt có 23 xóm, 2.600 hộ với 10.400 nhân khẩu, xã hiện có tổng diện tích đất canh tác khoảng 500ha, trong đó vụ chiêm là trên 300ha, vụ mùa 474ha và vụ Đông trên 200ha. Ao Sen, Đồng Nghè, Đồng Niêng là những vùng bà con đã trồng rau nhiều năm. Diện tích rau của 3 xóm này vào khoảng 70ha, trong đó có 50% là chuyên canh rau, phần còn lại bà con chỉ trồng vào vụ Đông. Chính vì có kinh nghiệm trong nghề trồng rau, nên bà con ở đây đã biết lựa chọn những loại rau quả mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với đồng đất địa phương để đưa vào sản xuất. Nếu như trước đây, những cánh đồng này chỉ có một số loại rau như: Su hào, bắp cải, rau cải thì hiện nay bà con đã xây dựng những mô hình chuyên trồng bí đỏ, cà chua mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Một trong những diện tích mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất ở đây phải kể đến mô hình cà chua của gia đình anh Ma Xuân Hải xóm Ao Sen. Trên 5 sào đất của gia đình trước đây thu hoạch xong vụ lúa mùa, anh Hải lại trồng khoảng 2 sào rau cải, cà chua và hành, diện tích còn lại anh tra ngô để phục vụ chăn nuôi, nhưng vài năm trở lại đây, thấy trồng rau cho thu nhập khá, anh đã bỏ trồng ngô để trồng cả 5 sào rau. Qua quá trình trồng, anh nhận thấy cây cà chua vừa dễ trồng, giá bán lại cao, mỗi sào có thể cho thu nhập khoảng 1,4 triệu đồng. Hơn nữa, trồng chuyên một loại cây sẽ có điều kiện để chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật hơn, tiết kiệm được công lao động và cây trồng ít nhiễm sâu bệnh hơn. Do vậy năm nay, anh đã trồng cả 5 sào cà chua. Hiện nay, toàn bộ diện tích cà chua của gia đình anh đã chuẩn bị cho thu hoạch.
Ngoài mô hình cà chua một số diện tích bí đỏ ở xóm Đồng Nghè cũng đã và đang khẳng định được hiệu quả kinh tế. Anh Lê Xuân Dương, xóm Đồng Nghè cho biết: Gia đình tôi trồng 3 sào bí nếp. Cứ tháng 9, tôi bắt đầu cuốc hố tra hạt thì đến đúng dịp Tết Nguyên đán là bắt đầu được thu hoạch cho đến ra giêng. Trung bình mỗi sào bí thu được khoảng 6-7 tạ quả, bán được khoảng 1,5 triệu đồng. Lấy dao cắt những chiếc lá bí to để lộ những quả bí nằm lăn lóc trên mặt đất như những trái bóng tròn xoe, anh Dương cho biết: Mỗi quả bí hiện nặng chừng 2kg, khoảng 1 tháng nữa mỗi quả được từ 4-5kg là được thu hoạch. Năm nay là năm thứ 3 tôi trồng loại bí này, đây là loại cây rất dễ trồng, năng suất cao, ít sâu bệnh, một ưu điểm nữa là sau khi thu hoạch có thể để được lâu nên không sợ bị ép giá.
Ngoài diện tích bà con vẫn chuyên trồng các loại rau quả như ở Ao Sen, Đồng Niêng, Đồng Nghè thì năm nay, do thời vụ thu hoạch vụ mùa kéo dài đến tận cuối tháng 10 nên việc đưa cây ngô và khoai lang vào trồng kế tiếp không còn phù hợp. Vì thế, bà con một số địa phương khác đã chuyển đổi toàn bộ diện tích vẫn trồng ngô, khoai (trên 100ha) sang trồng các loại rau như: bắp cải, su hào, rau cải…
Trong tiết trời se lạnh của những ngày Đông, trên cánh đồng xóm Đồng Sầm, bà con đang thu hoạch lứa bắp cải đầu tiên. Đang nhanh tay cắt những cây cải bắp cuộn tròn xếp vào đôi quang gánh, nghe chúng tôi hỏi, chị Lê Thị Duyên “khoe”: Gia đình tôi có 2 sào ruộng, trước đây, vào vụ Đông, tôi lại trồng ngô để đảm bảo được nguồn thức ăn chăn nuôi không phải đi mua. Riêng năm nay, được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, tôi đã chuyển sang trồng cải bắp. Hiện nay, tôi đã thu hoạch xong 1 sào, bán được trên 600 nghìn đồng triệu đồng, bằng cả vụ trồng ngô rồi, diện tích còn lại khoảng mươi hôm nữa là sẽ được bán. Sau lứa này, tôi sẽ trồng tiếp bắp cải.
Vui chung với niềm vui của người nông dân, đồng chí Đào Đình Định cho biết thêm: Nhờ chuyển đổi cây trồng trong vụ Đông này, nên diện tích rau của xã năm nay tăng đột biến, đạt cao nhất từ trước tới nay. Ngoài khoảng 100ha rau hằng năm, năm nay bà con đã trồng thêm gần 100ha nữa, nâng tổng số diện tích rau các loại lên gần 200ha, trong đó bí đỏ 6ha, cà chua trên 10ha, còn lại là các loại rau như: đỗ, cải ngọt, bắp cải, su hào, hành, cần tây… Hiệu quả của việc chuyển đổi này cũng đã được khẳng định ngay từ lứa thu hoạch đầu, điều này được xem là một hướng mở.