TNĐT- Ngày 24-6-2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 80 về Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa hàng hóa thông qua hợp đồng.
Cho đến nay, trên địa bànThái Nguyên chưa có đánh giá nào về kết quả mô hình “Liên kết 4 nhà”, song, qua khảo sát một số mô hình cho thấy, “Liên kết 4 nhà” đang là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá. Tuy nhiên, cũng còn một số khó khăn vướng mắc cần được giải quyết để nâng cao hiệu quả mô hình trên.
Theo tinh thần của Quyết định này, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá (bao gồm nông sản, lâm sản, thuỷ sản) và muối với người sản xuất (hợp tác xã, hộ nông dân, trang trại, đại diện hộ nông dân) nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá ký giữa các doanh nghiệp (DN) với người sản xuất theo các hình thức: Ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và mua lại nông sản hàng hoá; bán vật tư mua lại nông sản hàng hoá; trực tiếp tiêu thụ nông sản hàng hoá. Việc liên kết trong sản xuất được thực hiện theo phương thức: hộ nông dân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết với DN hoặc cho DN thuê đất sau đó nông dân được sản xuất trên đất đã góp cổ phần, liên doanh, liên kết hoặc cho thuê và bán lại nông sản cho DN, tạo sự gắn kết bền vững giữa nông dân và DN.
Khi tham gia liên kết sản xuất, Quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của các nhà: Nhà nước; nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong việc phối kết hợp để thực hiện. Ví dụ nhà nước tạo điều kiện về đất đai cho nông dân có đủ quyền hợp pháp để góp vốn, hoặc liên doanh, liên kết với DN. Nhà DN được ưu tiên thuê đất. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần về đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, gắn với cơ sở chế biên, tiêu thụ nông sản hàng hóa có hợp đồng. Các ngân hàng thương mại đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu sản xuất của nông dân và DN ký hợp đồng. Các DN được ưu tiên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển với mức lãi xuất 3%/năm và Quỹ hỗ trợ xuất khẩu; UBND tỉnh sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vốn vay cho từng dự án phù hợp với điều kiện của địa phương.
Về chuyển giao KH và công nghệ , hàng năm ngân sách nhà nước cấp kinh phí để hỗ trợ các DN, người sản xuất khi có hợp đồng đưa các giống mới; đầu tư, nâng cấp cơ sở sản xuất nhân giống; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để phổ cập nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ mới .Về thị trường và xúc tiến thương mại, được ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng thương mại của nhà nước (đối với vùng sản xuất hàng hoá tập trung…)
Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện ở một số mô hình
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã hơn 9 năm, song, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có sự đánh giá tổng kết chung để nhận diện rõ hơn hiệu quả đến đâu?”. Đồng chí Nguyễn Văn Vị, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) cũng thừa nhận vấn đề này và nhận xét: “Bây giờ bảo mô hình Liên kết 4 nhà có hiệu quả cũng không đúng mà chưa hiệu quả cũng không đúng. Vì vậy, tỉnh cần có sự tổng kết ở mỗi ngành để đánh giá một cách chính xác”.
Cho đến nay, cũng chưa có báo cáo đánh giá nào trên địa bản tỉnh có bao nhiêu mô hình liên kết 4 nhà, thực hiện ở những đâu. Để tìm câu trả lời, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đã tự khảo sát một số mô hình đã triển khai trên địa bàn tỉnh ở một số lĩnh vực. Đối với Hội Nông dân (HND), bà Nguyễn Thị Ngà cho biết, Hội đã triển khai một số chương trình như: chương trình cơ giới hóa nông nghiệp; chương trình trồng nấm và chương trình sản xuất chế biến, tiêu thụ chè. Ví dụ, về chương trình trồng chè có Dự án: “ Mô hình chè an toàn, chè hữu cơ bền vững” được HND triển khai trong giai đoạn 2009-2010. Sau 2 năm thực hiện, đã thành lập được 18 tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè an toàn, chè hữu cơ ở các xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (TPTN); La Bằng (Đại Từ). Các tổ hợp tác hoạt động tương đối hiệu quả với 180 thành viên tham gia. Khi tham gia tổ hợp tác các thành viên được hỗ trợ về tập huấn kiến thức trồng, chế biến, chăm sóc, bảo quản chè; kiến thức maketting; được giao lưu kinh nghiệm giữa các Tổ hợp tác chè để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; được hỗ trợ một phần vốn vay với lãi xuất ưu đãi từ Ngân hang Chính sách- Xã hội (NHCSXH)…Vì vậy, mối liên kết giữa những hộ sản xuất tiêu thụ chè an toàn thông qua các tổ hợp tác ngày càng chặt chẽ. Chất lượng sản phẩm của tổ hợp tác tương đối ổn định; thu nhập của các thành viên tăng từ 5 đến 10% do do giá bán sản phẩm chè an toàn tăng từ 7 đến 12% so với trước. Từ việc liên kết giữa các tổ các thành viên đã giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm tốt hơn về sản xuất, chế biến chè an toàn, cùng nhau cải thiện chất lượng chè theo hướng an toàn; góp phần giảm được chi phí sản xuất khi hỗ trợ về ngày công thu hái, nâng cao kỹ thuật sản xuất chè theo hướng an toàn.
Cùng với dự án chè, từ năm 2010, HND còn triển khai được một số mô hình trồng nấm. Trước đây, một số mô hình triển khai theo dự án với phương thức: Nhà nước chọn địa điểm, tập huấn kiến thức, đầu tư giống, vốn, cử cán bộ theo dõi..Nay, mô hình “liên kết 4 nhà” được HND triển khai với phương thức mới: Doanh nghiệp phải tìm địa điểm, đầu tư nhà xưởng; tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung; nhà nước đào tạo kiến thức; hỗ trợ ban đầu về giống; nông dân phải trở thành công nhân chính thức cho doanh nghiệp. Trong đó, HND đứng ra lựa chọn DN để triển khai dự án; đầu tư vốn; tập huấn kỹ thuật trồng, chế biến, chăm sóc bảo quản nấm; mời chuyên gia tư vấn thiết kế mặt bằng, quy hoạch. Các chủ DN tự đầu tư nhà xưởng; ký hợp đồng với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo nghề cho nông dân; tự xác định thị trường bao tiêu sản phẩm.
Chúng tôi đã đến với HTX nấm Hùng Sơn (Đại Từ). Đây là mô hình sản xuất nấm tập trung đầu tiên của huyện có quy mô lớn từ tháng 10-2009 với 20 xã viên tham gia. Khi đi vào hoạt động, HTX được huyện ưu tiên cho mượn một mặt bằng rộng 1 ha tại khu tái định cư Nam Sông Công để xây dựng cơ sở vật chất. Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng một phần nhà xưởng, mua trang thiết bị như: lò hấp với tổng trị giá 120 triệu đồng. Sở KHCN hỗ trợ 100% vốn đầu tư xây dựng kho lạnh chuyên sản xuất và chế biến nấm cao cấp được xếp vào loại hiện đại của miền Bắc nước ta, với tổng giá trị 590 triệu đồng; HND tỉnh hỗ trợ về giống với giá 500 đồng/bịch nấm từ năm 2010 đến nay; Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 50 triệu đồng mua máy băm rơm; tổ chức tập huấn trong 1 tháng cho 30 hộ dân. Ngoài ra, HTX còn được Nuiphao Mining giúp đỡ thuê một kỹ sư của Trung tâm công nghệ sinh học thực vật - Viện di truyền về chuyển giao kỹ thuật sản xuất và chế biến nấm, giúp HTX bố trí xây dựng mô hình sản xuất và chế biến nấm từ vị trí đặt lò hấp, lò sấy, khu vực cấy nấm hợp lý; cách thu mua và chế biến nguyên liệu sản xuất nấm… HTX cũng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHNo và Ngân hành Chính sách -Xã hội huyện Đại Từ với tổng số tiền 1 tỷ đồng...
Nhờ được sự quan tâm đồng bộ của nhà quản lý và nhà khoa học nên HTX đã nhanh chóng đi vào sản xuất. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng chút nào. Ông Nguyễn Đình Thử, Chủ nhiệm HTX nấm Hùng Sơn cho biết: 2,5 tỷ đồng là số tiền mà HTX đã phải bỏ ra để trả học phí khá đắt cho những lần thất bại do thời gian đầu sản xuất không thành công. Chỉ từ năm 2010 trở lại đây chúng tôi mới thực sự biết làm nấm và đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm. HTX đã sản xuất thành công các loại nấm gồm: nấm sò, nấm rơm, linh chi, mộc nhĩ, nấm mỡ và 4 loại nấm cao cấp: đùi gà, kim châm, ngọc châm, chân trâu. Sản lượng đạt từ 30 tấn sản phẩm/tháng trở lên, tạo việc làm cho 20 lao động với mức lương trung bình từ 1,3 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Kết thúc năm 2010, HTX nấm Hùng Sơn đạt doanh thu 2,5 tỷ đồng. Trong năm 2011, chúng tôi chỉ tập trung vào sản xuất 3 loại nấm là nấm sò, mộc nhĩ, linh chi. Hiện hàng làm ra đến đâu chúng tôi đều tiêu thụ hết đến đó, thậm chí còn không có hàng để bán, khách phải đến đặt trước. 10 tháng qua, HTX đã tiêu thụ được 40 vạn bịch nấm, doanh thu đạt 2,8 tỷ đồng.