“Liên kết bốn nhà”- Nhìn lại từ một số mô hình (Kỳ II)

09:12, 01/12/2011

Các nhà chưa thực sự gắn kết

Qua khảo sát các mô hình Liên kết bốn nhà trên địa bàn tỉnh, theo đánh giá của chúng tôi thì, bước đầu đã có kết quả tốt: Tạo sự liên kết 4 nhà khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa; tạo được một số vùng nguyên liệu chuyên canh và sản xuất hàng hóa theo hướng ổn định, bền vững; xây dựng được thương hiệu sản phẩm nhằm hội nhập thị trường thế giới. Theo nhận xét của chị Nguyễn Thị Ngà: Cho đến nay, tôi khẳng định các mô hình liên kết 4 nhà là tốt. Từ sự thành công các mô hình HND triển khai tôi thấy: trước hết phải có sự hợp đồng nghiêm túc ngay từ đầu, sự vào cuộc tích cực của DN,  NHNo và đặc biệt là vai trò khâu nối, tổ chức của HND rất quan trọng. Nếu như HND chỉ cần “sao nhãng” một chút là các nhà đã khó tìm đến nhau rồi”.          

 

Đối với Sở Khoa học và Công nghệ, theo ông Nguyễn Văn Vị, Giám đốc  Sở cũng khẳng định: Trong thời gian qua, Sở cũng đã triển khai một số mô hình như: sản xuất, chế biến miến dong của  HTX Miến Việt Cường - Đồng Hỷ; xây dựng mô hình vùng sản xuất thâm canh chè (Đại Từ); xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VIET-GAP, do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Bắc Sông Cầu thực hiện; mô hình trồng và chế biến chè Ô Long tại Công ty cổ phần Vạn Tà i- Phổ Yên; mô hình ứng dụng công nghệ nhân giống cây keo lai tai tượng tại Doanh nghiệp Linh Lượng ở xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ)… Nhìn chung, các dự án trên đã xác định rõ được trách nhiệm của từng “nhà” trong việc liên kết sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá (chè, cây keo tai tượng, miến dong) có giá trị kinh tế cao, chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn quy định, phù hợp với tiêu chuẩn Quốc tế. Các mô hình trên đang được triển khai đạt kết quả khá tốt.

 

Tuy nhiên, sự gắn kết của từng mô hình khép kín từ khâu sản xuất đến chăm sóc, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm không nhiều . Rất ít mô hình “liên kết 4 nhà” theo đúng nghĩa; còn lại hầu hết là liên kết theo mô hình “3 nhà” tức là: “nhà nước- nhà nông- nhà khoa học”; trong đó, các mô hình hầu như triển khai theo dự án. Nhà nước (thường đầu mối là các cơ quan nhà nước có liên quan) làm công tác khâu nối, lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị để triển khai thực hiện dự án; rồi tập huấn, hội thảo, đào tạo nghề; hỗ trợ một phần vốn ưu đãi từ nguồn vốn của chương trình). Doanh nghiệp, HTX tự đầu tư nhà xưởng, địa điểm, hỗ trợ giống, vốn vµ tự lo khâu chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân (đa số doanh nghiệp, HTX cũng là người sản xuất). Nhà nông là người trực tiếp sản xuất và bán nguyên liệu cho doanh nghiệp. Hoặc mô hình 3 nhà: “nhà khoa học- nhà doanh nghiệp- nhà nông”. Có nghĩa là, nhà khoa học đầu tư kií theo chương trình nhà nước cấp để trang bị máy móc, công nghệ và chuyển giao công nghệ mới; nhà doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm; nhà nông chỉ trồng, cung cấp nguyên liệu.

 

Giữa 3 nhà trên cũng chưa thực sự gắn kết từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ. Nên vẫn còn tình trạng, nhà doanh nghiệp không mua được nguyên liệu của nông dân vì hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, còn ép giá nhau, chưa tin nhau về chất lượng hàng hoá. Điều này được minh chứng bằng rất nhiều nhà máy sản xuất chè trên địa bàn phải đóng cửa vì không mua được nguyên liệu của nông dân, trong khi doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Người sản xuất tuy được trang bị về khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ giống, vốn nhưng vẫn không tránh khỏi sự thua thiệt do khách quan.

 

Anh Lê Văn Thành, tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) chè  an toàn xóm Lam Sơn, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (TPTN), cho biết: Tổ được thành lập từ năm 2009, với 10 thành viên, trong đó có 1 tư thương nhưng cũng là hội viên HND làm maketing cho Tổ. Các thành viên tham gia THT rất phấn khởi vì khi vào Tổ họ được HND tập huấn về cách trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản chè tốt hơn; được hỗ trợ một lần thuốc chế biến phân vi sinh; được mua phân bón trả chậm để chăm sóc chè. Tuy nhiên, về giống chè, chúng tôi đã đề nghị nhiều lần nhưng đến nay chưa được hỗ trợ; chất lượng phân bón và thuốc trừ sâu chưa đảm bảo làm thiệt hại đến người trồng chè. Trước đây, các hộ sản xuất còn được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp thông qua tổ chức HND và Hội Phụ nữ, nay cũng không còn, nên nông dân rất thiếu vốn đầu tư cho sản xuất. Hiện nay, việc chế biến chè ở Tân Cương phổ biến theo quy mô hộ gia đình với các loại lò sao, sấy khác nhau (tôn sao bằng inox chất lượng sẽ ngon hơn bằng tôn thường) nên chất lượng chè chưa đồng đều. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, sản phẩm do các hộ sản xuất ra tự tiêu thụ theo hình thức đơn lẻ; chưa có doanh nghiệp nào đứng ra ký hợp đồng bao tiêu với số lượng lớn và tìm được chỗ đứng tiêu thụ ổn định cho nông dân; trong khi đó khả năng đàm phán của các hộ còn nhiều hạn chế.

 

Chị Nguyễn Thị Ngà cho biết thêm: Qua theo dõi hoạt động tiêu thụ của các tổ hợp tác tôi thấy, một số tổ đã có sự liên kết giữa tư thương và hộ sản xuất thì việc tiêu thụ sẽ tốt hơn. Song giữa hai bên lại chưa tạo được sự tin cậy lẫn nhau khi cùng hợp tác. Người sản xuất thì cho rằng tư thương vẫn ép giá, nên nhiều hộ đã tham gia THT rồi vẫn bán ra ngoài chợ,  hoặc bán cho tư thương nào trả giá cao hơn. Một số THT, 100% thành viên tham gia đều trồng chè liên kết với nhau từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong khâu tiêu thụ sản phẩm.