“Liên kết bốn nhà” - Nhìn lại từ một số mô hình (Kỳ III)

09:07, 01/12/2011

Mong muốn của nhà sản xuất

Anh Lê văn Thành, xóm Lam Sơn, xã Tân Cương đề nghị: Từ thực tế sản xuất nhiều năm, qua  đây chúng  tôi cũng rất mong Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ giống, vốn đảm bảo tối đa về mặt chất lượng để bà con trồng chè không bị thua thiệt. Đồng thời, có điều kiện thay máy móc chế biến chè đã cũ nát đang làm ảnh hưởng tới chất lượng chè. Vì hiện nay, đa số các hộ đang sử dụng tôn đen sao chè, sau hai năm đã cũ và có mùi han gỉ, có mùi tanh. Nếu được hỗ trợ 100% hoặc  một phần thì bà con sẽ thay thế tôn sao chè bằng INOX để nâng cao chất lượng chè và chất lượng sẽ đồng đều giữa các hộ. Tuy nhiên, giữa 2 loại này chênh nhau khá cao (tôn đen chỉ 1,6 triệu đồng/chiếc; tôn INOX 5 triệu đồng/chiếc). Một lúc bỏ ra 5 triệu đồng để mua một chiếc tôn sao chè như vậy đối với hộ trồng chè là cả sự đắn đo.

 

Đối với HTX chè La Bằng (Đại Từ) từ ngày thành lập (tháng 12-2006) đến nay gặp rất nhiều khó khăn. HTX có 9 xã viên, vốn điều lệ khi mới thành lập chỉ có 60 triệu đồng. Sau 5 năm đi vào hoạt động, HTX hiện vẫn chưa có trụ sở. Để hoạt động, HTX thuê một ngôi nhà của dân tại xóm Rừng Vần với diện tích khoảng vài chục m2 để làm văn phòng, thậm chí cũng là nơi chế biến đóng gói và là kho chứa hàng. Cùng với khó khăn về cơ sở vật chất, HTX cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Chè La Bằng từ lâu đã được biết đến là một trong những vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên. Khi thưởng thức chè La Bằng, người thưởng trà như cảm nhận được vị đậm đà, phảng phất hương cốm và vị ngọt đậm lại rất lâu. Nổi tiếng là vậy nhưng chè La Bằng vẫn chưa được nhiều người biết đến. Lý giải về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng cho biết: HTX chủ yếu tiêu thụ sản phẩm theo đơn đặt hàng với số lượng nhỏ lẻ, chủ yếu là nội tiêu. Thêm nữa, do trình độ năng lực của người dân chúng tôi còn hạn chế nên việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận với thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Tới nay cũng chưa có đơn vị nào đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nên nhiều lúc sản phẩm mang ra tiêu thụ trôi nổi trên thị trường…. Ông Nguyễn Đình Thử, Chủ nhiệm HTX Hùng Sơn Đại Từ lại kiến nghị: “Chúng tôi không phải lo về thị trường tiêu thụ, hay về khoa học công nghệ, bà con xã viên HTX nấm Hùng Sơn chỉ mong muốn được tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi bởi nghề sản xuất nấm này đòi hỏi phải có trình độ kiến thức về khoa học cao, nếu chỉ làm ẩu một khâu nào đó thôi thì một ngày mất vài chục triệu đồng là chuyện bình thường”.

 

 

Còn anh Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm HTX miến Việt Cường (xóm Việt Cường, xã Hoá Thượng, Đồng Hỷ) cho biết: HTX được thành lập từ năm 2007 nhưng vẫn phải lo từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Từ năm 2009, HTX đã đứng ra hợp đồng với bà con nông dân 3 xã: Cây Thị, Văn Hán, Khe Mo của huyện Đồng Hỷ. Trong đó, người dân tự bỏ đất, ngày công để trồng dong giềng (nguyên liệu làm miến); HTX  đầu tư giống, vốn; Sở KHCN cũng đầu tư cho HTX 1 tỷ đồng để đầu tư xây một lò sấy miến và một phần nguồn vốn dµnh đầu tư cho nông dân. Tuy nhiên, so với các sản phẩm kh¸c, miến Việt Cường lâu nay tiêu thụ rất tốt, không khó khăn về đầu ra. Càng về cuối năm càng “cháy” hàng, mặc dù lượng tiêu thụ ngày càng tăng (năm 2007 vào những tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng , 40 hộ của xóm tiêu thụ 120 tấn miến; nay tăng lên 180 tấn/tháng). Song khó khăn lớn nhất đối với HTX cũng như các hộ dân ở đây là vốn để mua nguyên liệu. Đối với nguyên liệu dong giềng, một năm chỉ có 1 vụ (hiện tại đang là thời điểm thu mua). Vì vậy, các nhà sản xuất phải “dày vốn” để mua nguyên liệu dự trữ sản xuất cho cả năm. Trong khi vốn tự có của HTX chỉ có 1 tỷ đồng, nhu cầu vốn l¹i cần đến 5 tỷ đồng; nếu phải vay hoàn toàn bằng vốn ngân hàng thương mại thì trả lãi ngân hàng lớn, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của HTX. Hiện HTX mới được tiếp cận vay 300 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh với lãi suất thấp (0,65%/tháng), còn lại là vay với lãi suất 19,5%/năm, bình quân mỗi tháng, HTX phải trả lãi các khoản vay trên 30 triệu đồng. Do vậy, chúng tôi rất mong được vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho HTX sản xuất có lãi hơn.

 

Các nhà  cần chung sức tháo gỡ khó khăn

 

Qua một số mô hình chúng tôi đã khảo sát, nhìn chung các lĩnh vực khi triển khai các chương trình, dự án đều có sự lựa chọn khá kỹ, nên đã và đang phát huy hiệu quả. Các nhà đã thể hiện được vị trí, vai trò của mình ở từng khâu khi gắn kết làm ăn với nông dân (nhà khoa học chuyển giao KHKT; nhà nước giữ vai trò là cầu nối, tạo điều kiện bằng các cơ chế chính sách; nhà nông tận dụng được lợi thế về sức sản xuất, lao động, đất đai để phát triển sản xuất cải thiện đời sống; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân và tìm được sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường). Các mô hình “liên kết 4 nhà” cũng thực sự phát triển mạnh chỉ vài năm trở lại đây và trong các mô hình, nhà doanh nghiệp còn xuất hiện chưa nhiều. Vì vậy, đã 9 năm trôi qua, kể từ khi có Quyết định 80 của Chính phủ thì hầu như vẫn chưa có  mô hình nào được đúc kết nhân ra diện rộng. Các mô hình còn nằm rải rác nên chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá. Sự liên kết giữa các nhà còn lỏng lẻo, không có sự ràng buộc chặt chẽ nên chưa tin nhau và còn phá vỡ hợp đồng mua, bán nguyên liệu. Các doanh nghiệp, hộ nông dân chưa tiếp cận nhiều  nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi như Quyết định 80 đã đề cập. Việc hỗ trợ cây giống, cung cấp thuốc bảo vệ thực vật chưa đảm bảo gây thua thiệt cho nông dân…

 

Qua đó, tỉnh cũng nên tổng kết tất cả các mô hình “liên kết 4 nhà” ở tất cả các lĩnh vực trên địa bàn (lĩnh vực nông, lâm nghiệp là rất nhiều mà chúng tôi chưa có điều kiện đề cập)  để rút ra những mặt được, chưa được và tiếp tục triển khai nhân rộng những mô hình làm ăn có hiệu quả. Tỉnh ta đã xây dựng được các vùng chuyên canh chè, một số vùng cây ăn quả, nên chăng các nhà cần tiếp tục “bắt tay” tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở từng khâu để phát triển theo hướng hàng hoá nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; nâng cao giá trị sản xuất. Đối với đa số hộ nông dân và các DN, HTX, vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn còn khó, do sản xuất nhỏ lẻ, chưa có số lượng hàng hoá lớn, chưa có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, cần làm tốt các khâu từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các ngành liên quan, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, những đề xuất của các doanh nghiệp, người nông dân đã nêu trên để tạo điều kiện cho họ phát triển ổn định, bền vững theo đúng tinh thần Quyết định 80 đã đề ra.