Nêu cao vai trò lãnh đạo phát triển kinh tế

14:35, 17/12/2011

Cùng với việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã Nam Tiến (Phổ Yên) còn tập trung lãnh đạo nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác cũ,  góp phần xây dựng nông thôn mới...

Trong thời tiết rét ngọt của những ngày đầu tháng 12, đi trên những cánh đồng thuộc các xóm: Chùa, Hạ, Trường Thịnh… của xã Nam Tiến chúng tôi vẫn bắt gặp khung cảnh bà con nông dân đang tất bật chăm sóc cây màu vụ đông. Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Huệ, người dân xóm Hạ đang nhanh tay hái rau ngót cho kịp phiên chợ hôm sau. Trò chuyện với chúng tôi, chị tâm sự: Nhà tôi có 3 sào ruộng. Trước đây, cứ hết vụ cấy hái là chúng tôi lại đi làm thuê ở khắp nơi, rất vất vả. Nhờ được các đảng viên trong chi bộ vận động tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, năm vừa qua, gia đình tôi đã trồng thử nghiệm hơn 1 sào rau ngót. Qua chăm sóc tôi thấy đây là loại cây rau màu phù hợp với đồng đất địa phương, cứ trung bình khoảng 15 ngày cho thu hái một lứa, bán được hơn 1 triệu đồng. Một tháng nhà tôi cũng thu được 2 triệu đồng tiền bán rau, cao hơn gấp 3 lần so với cấy lúa. Tới đây, nhà tôi sẽ tiếp tục trồng hết diện tích.

 

Rời xóm Hạ, chúng tôi đến Trường Thịnh, một trong những xóm 10 năm liền đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh, chi bộ luôn đạt trong sạch vững mạnh. Ông Dương Thế Hùng, Phó Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Trường Thịnh có 171 hộ với hơn 600 nhân khẩu. Xóm có 38 đảng viên. Với đặc điểm diện tích đất nông nghiệp ít và có điều kiện thuận lợi về phát triển dịch vụ, thương mại do nằm gần trục Quốc lộ 3 nên để nâng cao mức sống cho người dân, ngay từ đầu năm 2011, chi bộ đã đưa ra nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh. Đi đầu trong phát triển kinh tế là các cán bộ, đảng viên, điển hình như các hộ: Nguyễn Quang Đạt, Nguyễn Quang Hòa, Nguyễn Văn Châu… chăn nuôi lợn, gà cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cùng đó, chi bộ còn vận động bà con phát triển các ngành nghề phụ như: sửa chữa xe máy, gò hàn, chế biến nông lâm sản… để tạo công việc làm, tăng thu nhập.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đảng bộ Nam Tiến hiện có 289 đảng viên, sinh hoạt ở 16 chi bộ. Để làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, từ năm 2010 đến nay, Đảng ủy xã phân công các đồng chí ủy viên ban chấp hành phụ trách từng thôn, xóm để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và kịp thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Đồng thời phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên và những người đứng đầu trong phát triển kinh tế. Xã quán triệt, trong các buổi họp chi bộ, họp xóm; các chỉ tiêu phát triển kinh tế được đưa ra thảo luận, bàn bạc. Vì vậy đã tạo được sự thống nhất trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và sự đoàn kết, hưởng ứng của người dân.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây, khó khăn trong phát triển kinh tế của địa phương là trình độ dân trí không đồng đều, chưa chú trọng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu vốn đầu tư để phát triển sản xuất… Trước thực tế trên, năm 2011, Đảng bộ xã Nam Tiến đã tập trung họp bàn và đưa ra nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo phát triển kinh tế. Đảng uỷ xã xác định lại cơ cấu mùa vụ, cây trồng; trong đó thay thế những giống lúa dài ngày bằng những giống ngắn ngày cho năng suất cao như: GS9, Syn 6, VN24, Nhị ưu 838… Vì vậy, năng suất lúa của xã hiện đạt 54 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với năm 2008. Nếu như trước đây, trong cơ cấu mùa vụ, lúa mùa trung và mùa muộn thường chiếm tới 40% diện tích thì nay xã đã vận động bà con chuyển toàn bộ diện tích này sang cấy lúa mùa sớm để sản xuất vụ đông. Các loại cây vụ đông có năng suất cao, phù hợp với đồng đất của địa phương được đưa vào gieo trồng như: ngô lai, khoai tây, cà chua, súp lơ… đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

 

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, Đảng ủy xã đã còn chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp cho nông dân vay vốn, hỗ trợ mua phân phân bón trả chậm và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đến nay, tổng dư nợ từ 2 Ngân hàng: Chính sách - Xã hội và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện là gần 6 tỷ đồng, cho 340 hộ vay. Mỗi năm, xã còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức được trên dưới 30 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 1.500 người tham gia. Cùng với phát triển trồng trọt, Đảng ủy xã cũng vận bà con phát triển chăn nuôi, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm cho thị trường và góp phần tăng thu nhập. Bên cạnh phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà, vịt… một số hộ dân trong xã còn mạnh dạn nuôi các loại động vật đặc sản như: lợn rừng, nhím, ếch… bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Nhờ những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Số hộ nghèo của xã đã giảm từ 400 hộ năm 2008 xuống còn 144/1.900 hộ hiện nay. 90% số hộ được sử dụng nước sạch. 95% số hộ có phương tiện sinh hoạt như ti vi, xe máy. Hệ thống trường học, trạm y tế, trụ sở UBND, đường giao thông nông thôn… được đầu tư xây dựng khang trang, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.