Huyện Định Hóa hiện có 435 xóm bản, trong đó đã có 309 đơn vị xây dựng được nhà văn hóa (NVH) làm nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Theo kế hoạch của huyện, đến năm 2015, 100% các xóm, bản sẽ hoàn thành việc kiên cố hóa nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy vậy, để hoàn thành kế hoạch này địa phương sẽ phải khắc phục không ít những khó khăn, trở ngại.
Nằm cách trung tâm huyện chưa đầy 5km, có tỉnh lộ là 264 và 268 đi qua, xã Trung Hội có nhiều điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; đây cũng là 1 trong 2 xã của huyện (cùng với Phượng Tiến) được chọn điểm để xây dựng nông thôn mới, nhưng cả xã hiện vẫn còn 8/18 xóm chưa có NVH. Chưa có NVH, các buổi họp chi bộ, họp thôn và tổ chức các hoạt động tập thể… đều phải mượn địa điểm của UBND xã, Trường THCS hoặc nhờ nhà dân.
Ông Trần Văn Lành, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND Trung Hội cho biết: Khó khăn cơ bản để các thôn, xóm làm NVH là thiếu quỹ đất. Địa điểm xây NVH xóm cần phải ở khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư nhưng những nơi này lại không có đất hoặc đất rất đắt. Ông Lành đưa ví dụ ở các xóm Quán Vuông 1, 2, 3, 4, để mua được mặt bằng xây dựng NVH gần trục đường tỉnh lộ có giá khoảng 150 triệu đồng, nếu là đất ruộng hoặc đất vườn tạp cũng từ 50-60 triệu đồng, cùng với kinh phí xây dựng từ 60-80 triệu đồng thì tổng chí phí cho 1 NVH ít nhất cũng là từ 150-200 triệu đồng. Với quy mô mỗi xóm khoảng 60-70 hộ dân thì mỗi gia đình sẽ phải đóng góp từ 2,5-3 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với mức sống của hầu hết các hộ dân. Đây cũng được xem là khó khăn chung khi xây dựng NVH ở các xã: Phú Tiến, Kim Sơn, thị trấn Chợ Chu…
Với các xã vùng sâu, vùng xa thì việc vận động nhân dân đóng góp lại là trở ngại chính. Nhà văn hóa xóm 7 Kim Tân, xã Kim Sơn vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng là cả một quyết tâm lớn của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong xóm. Ông Lưu Xuân Biển, Bí thư Chi bộ cho biết: NVH trị giá gần 60 triệu đồng, bao gồm 56 triệu đồng kinh phí xây dựng và 4 triệu đồng mua đất. Ngoài số tiền được Nhà nước hỗ trợ, 50 hộ dân trong xóm phải đóng góp gần 1 triệu đồng/hộ. Việc huy động sự đóng góp của nhân dân là tương đối khó khăn vì mức sống của người dân trong xóm còn thấp, 1/3 số hộ vẫn thuộc diện nghèo. Trong khí đó, NVH lại không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp như làm đường giao thông hay xây dựng hệ thống đường điện.
Ông Biển chia sẻ thêm: Nhà đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhưng chỉ có phần khung, còn các trang thiết bị sinh hoạt như bàn ghế, loa đài... vẫn chưa sắm được do thiếu kinh phí.
Anh Triệu Văn Đạo, Trưởng xóm Cà Đơ, xã Lam Vỹ tâm sự: Xóm đã có nhà văn hóa nhưng làm bằng cột gỗ, lợp lá cọ do nhân dân tự đóng góp vật liệu và ngày công xây dựng. Kế hoạch kiên cố hóa nhà văn hóa xóm có lẽ sẽ không thực hiện được bởi xóm nằm biệt lập so với xã. Xóm chỉ có 14 hộ dân trong đó quá nửa thuộc hộ nghèo. Hiện, mỗi NVH xây mới được huyện hỗ trợ 6 triệu đồng, các xã, thị trấn hỗ trợ từ 1-2 triệu đồng, số tiền này so với tổng kinh phí xây dựng là rất khiêm tốn.
Thực tế cho thấy, một số xóm bản chưa có NVH hoặc NVH có diện tích xây dựng nhỏ, không có khuôn viên để tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao, lễ hội... đã gây trở ngại không nhỏ trong việc triển khai, bàn bạc, thảo luận các công việc, nhất là những việc có tính chất nội bộ, hay đơn giản như niêm yết công khai các văn bản giấy tờ, trưng bày các loại bằng khen, giấy khen, sách báo... Thiết nghĩ, để hoàn thành kế hoạch kiên cố hóa NHV đúng thời gian cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương và sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và chủ động, tự chủ của nhân dân. Cùng với đó là sự quan tâm đến chất lượng NVH để có thể phát huy tối đa hiệu quả, nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hoá tinh thần của người dân.