Rào cản trong phát triển nông nghiệp hàng hóa

13:52, 05/12/2011

Những năm qua, huyện Phú Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp hàng hóa (NNHH) như quy hoạch vùng sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế trang trại, gia trại... Nhờ vậy, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của huyện đã đạt 67 triệu đồng/năm, tăng gần 2 lần so với năm 2006. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, đang là rào cản trong phát triển NNHH hiện nay.

Xã Thanh Ninh nằm phía Đông Nam huyện Phú Bình, giáp với huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), có địa hình tương đối bằng phẳng, dân cư sống khá tập trung. Với 389,5ha đất nông nghiệp, sản lượng lương thực hằng năm của Thanh Ninh luôn đạt trên 2 nghìn tấn. Những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa một số giống cây có giá trị kinh tế cao như dưa chuột xuất khẩu, ớt, ngô lai vào sản xuất. Đến nay, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của xã đã đạt trên 70 triệu đồng/năm, cao hơn so với nhiều địa phương khác trong huyện.

 

Tuy nhiên, có một thực tế là hơn 5 nghìn nhân khẩu của xã vẫn đang canh tác trên 9.962 thửa ruộng khác nhau, trung bình mỗi hộ có từ 5 đến 7 thửa. Các thửa này nằm phân tán; có thửa rộng cả nghìn m2, nhưng có thửa chỉ vài chục m2. Không chỉ ở Thanh Ninh, tình trạng trên khá phổ biến ở các xóm, xã trên địa bàn huyện. Trên những cánh đồng ấy, người nông dân vẫn còn sử dụng những phương thức sản xuất từ bao đời nay “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Không những thế, ở các xóm, gần như hộ gia đình nào cũng chăn nuôi một vài con lợn, 1-2 con trâu, bò hoặc vài chục con gia cầm để có “đồng ra, đồng vào”.

 

Đây lại chính là nơi tiềm ẩn nhiều bệnh dịch cho vật nuôi, gây khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý khi dịch bùng phát. Theo ông Phạm Văn Oanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT thì tình trạng nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát còn là yếu tố cản trở việc đưa khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp. Thực tế ở Phú Bình hiện nay, sau nhiều năm triển khai, diện tích lúa lai được nông dân địa phương đưa vào gieo trồng mới đạt 15% diện tích, mặc dù địa phương cũng đã hỗ trợ giá giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con. Anh Đỗ Văn Hữu, xóm Quán, xã Thanh Ninh cũng có cùng quan điểm như ông Oanh. Được biết, anh Hữu đang cùng với một chủ máy gặt đập liên hợp ở Lục Nam (Bắc Giang) đưa máy về thu hoạch thuê cho các hộ dân trên địa bàn có nhu cầu với giá 150 nghìn đồng/sào. Anh cho biết: Máy gặt đến đâu, thóc được tuốt đến đó, rơm cũng được thu gọn, hiệu quả hơn hẳn phương pháp gặt tay truyền thống. Nếu ruộng bằng phẳng và có diện tích lớn, máy có thể gặt được 7 đến 8 mẫu/ngày. Tuy nhiên, hiện mỗi ngày chúng tôi chỉ gặt được khoảng 3 mẫu, vì các thửa ruộng nhỏ, việc chuyển máy từ ruộng này đến ruộng kia tốn khá nhiều thời gian, làm giảm hiệu suất hoạt động, “đội” thêm chi phí xăng dầu. Chính những lý do trên khiến cho nhiều người ngần ngại khi đầu tư mua máy móc nông nghiệp, trong khi chi phí để đầu tư một máy gặt đập liên hợp như vậy không phải là nhỏ (trên 200 triệu đồng/máy).

 

Giống như lĩnh vực trồng trọt, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi đang gặp trở ngại khi phát triển, mở rộng vì quỹ đất hạn hẹp, manh mún. Anh Dương Văn Tuấn, xóm Giàng, xã Dương Thành là người giàu lên nhờ nghề ấp nở trứng gia cầm có thu nhập trung bình trên 500 triệu đồng/năm. Với 18 máy ấp, mỗi ngày, gia đình anh cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm ở khắp các tỉnh phía Bắc đến Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình với số lượng trên dưới 7 nghìn con giống/ngày. Để có đủ số trứng đưa vào các lò ấp, anh đã phải phát triển hàng chục trang trại “chân rết” chuyên nuôi gà bố mẹ tại các xã: Tân Hòa, Tân Khánh và một số địa phương như: Hiệp Hòa (Bắc Giang), Sóc Sơn (Hà Nội) với 17 nghìn con gà đẻ cùng 1 nghìn con nuôi tại nhà. Khi được hỏi về việc mở rộng sản xuất, chăn nuôi tập trung quy mô lớn thì anh Tuấn cho biết: Đó cũng là mong muốn của tôi, bởi khi nuôi tập trung có thể áp dụng quy trình chăm sóc hiện đại, đảm bảo vệ sinh phòng dịch, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng con giống. Thế nhưng làm được điều này quả không đơn giản, bởi bên cạnh chuyện vốn đầu tư thì khó có thể có một mặt bằng phù hợp để xây dựng trang trại trong khi ruộng đất phân tán, manh mún như hiện nay.

 

Có thể nói, cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, nông nghiệp huyện Phú Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, sản lượng lương thực hàng năm luôn đạt trên 72 nghìn tấn, xứng đáng là vựa lúa của cả tỉnh. Toàn huyện có 320 trang trại, tăng 110 trang trại so với năm 2009. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của huyện đã đạt 67 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2006. Thế nhưng, tình trạng nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún nêu trên đang kìm hãm quá trình phát triển ấy, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay. Trên thực tế, nhu cầu “dồn điền” để phát triển sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn của nông dân hiện nay vẫn có. Mỗi năm toàn huyện có khoảng từ 2 đến 3ha đất canh tác được nông dân tự hoán đổi để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhận thức được yêu cầu này, năm 2006, huyện cũng đã tiến hành “dồn điền, đổi thửa” trong quá trình triển khai dự án chuyển một số diện tích đất trũng sang nuôi trồng thủy sản nhưng không thành công do nhiều nguyên nhân khác nhau.

 

Thiết nghĩ, để nông nghiệp Phú Bình phát triển hơn nữa, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 20 triệu đồng vào năm 2015 (năm 2010 là 9 triệu đồng/người/năm), huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, sớm thực hiện “dồn điền, đổi thửa” để ruộng đất trở nên tập trung hơn. Đồng thời, thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất, biến nông dân sẽ thành công nhân nông nghiệp, vừa được nhận tiền thuê đất của chủ doanh nghiệp, vừa có thể lao động trực tiếp trên ruộng đồng của mình. Đây được coi là cách làm phù hợp trong quá trình phát triển NNHH, được nhiều địa phương như Nam Định, Thái Bình, Hà Nội… cùng nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách cần được giải quyết như: mở rộng hạn điền, thời gian giao đất, bảo vệ quyền lợi của người nông dân khi cho thuê đất… Cùng với đó, các địa phương cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp (đơn vị kinh tế có vốn, khoa học - kỹ thuật, am hiểu thị trường) vào đấu thầu thuê đất, tham gia sản xuất nông nghiệp. Một khi giải quyết tốt vấn đề nhỏ lẻ, manh mún sẽ tạo điều kiện cho việc hình thành các vùng chuyên canh, tăng cường liên kết vùng trong nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động trên địa bàn, khắc phục tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên diễn ra hiện nay, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế ở nông thôn.