Những ngày này, trên các cánh đồng của huyện Phú Lương, bà con đang tập trung làm đất chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Xuân. Thong dong trên khắp các cánh đồng trong huyện, chúng tôi nhận ra một điều, hình ảnh “con trâu đi trước cái cày đi sau” dường như đã mờ nhạt trong bức tranh nông thôn ở đây, thay vào đó là những chiếc máy cày bon bon vẽ những đường ngang dọc, khắc họa lên bức tranh quê một nét mới mang sự hiện đại trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thấy chúng tôi, anh Bùi Thanh Liêm, xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ rời tay máy lên bờ trò chuyện. Gia đình tôi có 15 sào ruộng, trước đây để làm hết diện tích ruộng này, tôi phải nuôi 2 con trâu lấy sức kéo thay nhau. Mỗi khi vào vụ, phải mất tới hơn 1 tuần tôi mới cày bừa xong, đấy là chưa kể gặp khi trâu bệnh phải thuê mất hàng tạ thóc. Chưa hết, hằng ngày lại phải bỏ công sức chăn trâu, bây giờ đồng cỏ hiếm lắm, tìm chỗ chăn trâu cũng là cả một vấn đề nan giải. Năm 2008, nghe trên tivi giới thiệu về máy cày, tôi quyết định bán trâu, vay thêm tiền mua 1 chiếc, từ đó việc cày bừa nhẹ nhàng hơn hẳn, chỉ mất khoảng 2 ngày là mọi công đoạn làm đất đều hoàn thành. Làm xong ruộng nhà, tôi lại cày thuê cho các hộ xung quanh, mỗi vụ cũng thu được cả triệu đồng. Nhờ đó đến nay, tôi đã trả được hết nợ.
Trong sản xuất nông nghiệp, làm đất là khâu rất quan trọng và mất nhiều công sức. Việc sử dụng máy cày không những giảm công lao động, cải thiện điều kiện làm việc, mà còn góp phần nâng cao năng suất cây trồng, ý thức được điều này nên nhiều hộ dân trong huyện đã đầu tư mua máy cày thay trâu. Năm 2008, toàn huyện mới chỉ có khoảng chục chiếc máy cày thì đến nay, toàn huyện đã có đến trên 2.000 chiếc, hiện nay khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp của huyện được sử dụng máy cày bừa để làm đất.
Cùng với làm đất bằng máy thì việc đưa máy gieo xạ vào thay thế việc cấy bằng tay cũng đã giảm đáng kể công lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả cây trồng. Trước đây, cấy bằng tay vừa không đảm bảo chính xác được độ nông sâu của mạ lại vừa tốn giống do bà con vẫn có thói quen cấy nhiều rảnh/khóm. Do vậy, mấy năm trở lại đây, huyện đã thường xuyên huấn kỹ thuật sản xuất lúa bằng phương pháp gieo xạ thẳng hàng. Chị Phạm Thị Thái, xóm Giang Nam, thị trấn Giang Tiên cho biết: Gia đình tôi có 8 sào ruộng, chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính, các con đi học, nên mỗi khi vào vụ là 2 vợ chồng lại đầu tắt mặt tối để cày bừa, rồi cấy. Cấy là công đoạn mất nhiều thời gian nhất, vụ nào gia đình tôi cũng phải thuê thêm lao động hoặc đi làm đổi công thì mới đảm bảo không chậm thời vụ. Nhưng nay thì khác, có máy gieo xạ việc cấy lúa trở nên nhẹ nhàng như đi thăm đồng vậy, chỉ cần 1 người xạ buổi sáng cũng được 4-5 sào rồi, khỏi cần thuê lao động hay đổi công gì.
Có thể nói trong cuộc cách mạng đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thì việc sử dụng máy gieo xạ thẳng hàng để thay thế phương pháp cấy lúa truyền thống bằng tay là được thực hiện nhanh nhất. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, máy gieo xạ đã thay thế gần như hoàn toàn phương pháp cấy cũ. Năm 2011, diện tích gieo xạ của toàn huyện đạt đến 95%. Máy xạ lúa có nhiều ưu thế, vừa giảm được lượng lao động lớn, lại tiết kiệm được đáng kể giống lúa, nếu như cấy lúa thủ công mỗi sào hết gần 1,5kg thóc giống thì gieo xạ thẳng hàng chỉ mất non 1kg.
Cùng với các khâu làm đất, cấy lúa, làm cỏ… khâu thu hoạch cũng đã có các loại máy gặt lúa thay thế phần lớn sức lao động của con người. Năm 2011 là năm đáng nhớ của bà con huyện Phú Lương bởi lần đầu tiên máy gặt lúa liên hoàn đã được đưa vào giải phóng sức lao động cho bà con. Nhớ lại thời điểm thu hoạch vụ lúa mùa ở địa phương, ông Phan Văn Tường, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện cho biết: Thật vui lắm, mùa thu hoạch bà con kéo ra đồng để xem những chiếc máy gặt mà từ trước chỉ được nhìn thấy trên truyền hình thế mà nay nó đang làm việc trên chính đồng lúa quê mình. Với cơ chế hoạt động liên hoàn, các bộ phận đập lúa, thổi rơm và hạt lép làm việc đồng thời với guồng gặt. Chỉ trong vòng 10 phút, một sào lúa đã được thu hoạch gọn, nông dân chỉ việc đóng vào bao chở về nhà.
Là người luôn đi đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, năm 2011, ông Nguyễn Văn Trưởng, xóm Phú Sơn, xã Phấn Mễ đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ mua 1 chiếc máy gặt đập liên hoàn trị giá trên 170 triệu đồng đúng vào dịp thu hoạch vụ lúa mùa. Với công suất 30 sào/ngày, ông Trưởng đã thu hoạch hơn 50ha lúa không chỉ riêng ở Phấn Mễ mà ở các xã lân cận. Cùng mua máy với ông Trưởng còn có 2 hộ khác trong xã là: ông Hoàng Văn Nhiên ở xóm Làng Lân 2 và ông Đỗ Văn Khẩu ở xóm Làng Bầu 1. Ngoài ra, còn có một số hộ dân ở các xã khác cũng đã đầu tư mua loại máy này. Đến nay, toàn huyện có gần chục chiếc máy gặt đập liên hoàn.
Huyện Phú Lương hiện có gần 7.000ha lúa cả năm, trong đó vụ Xuân trên 3.000ha, vụ mùa là gần 4.000ha. Những năm gần đây, huyện đã tích cực đẩy mạnh việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất thông qua các mô hình khuyến nông giới thiệu, quảng bá các loại máy nông nghiệp phù hợp, đồng thời mở các lớp tập huấn về sử dụng các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, đã thay đổi hẳn thói quen trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, làm cải thiện điều kiện lao động, góp phần đưa năng suất lúa của huyện tăng mạnh từ 47tạ/ha (năm 2008) lên 53,5 tạ/ha (năm 2011). Đây là biểu hiện tích cực trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở địa phương.