Hết mình vì công việc chung

16:50, 18/01/2012

Thoạt nhìn, chị là một phụ nữ quê gầy gò rất đỗi bình dị. Nhưng càng tìm hiểu về chị, chúng tôi càng thấy nể phục sự năng động, nhiệt tình và những việc làm đáng trân trọng của chị. Chị là Vũ Thị Ninh, Trưởng xóm Na Pặng, xã Ôn Lương (Phú Lương).

Mang nghề về bản

 

Có về xóm vùng sâu Na Pặng mới thấu hiểu hết nỗi khó khăn, vất vả của bà con nơi đây. Xóm có 103 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm 80%, còn lại là các dân tộc: Dao, Thái, Sán Chí, Nùng và Kinh. Đời sống bà con chỉ trông vào 35ha chè và 25ha ruộng canh tác, mà điều kiện sản xuất thì lại rất khó khăn do đồng cao thiếu nước. Vào mùa khô, những cánh đồng Lộc Ván, Tồng Tăng đều khô hạn không cấy được, do vậy đành bỏ không, các diện tích khác thì phải bơm thêm nước từ các ao, hồ mới đảm bảo điều kiện gieo cấy, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Trăn trở với nỗi vất vả của bà con, chị Ninh đã đi nhiều nơi mong tìm được cái nghề phù hợp về cho bà con làm những lúc nông nhàn. Trong một chuyến về Hà Nội, chị đã vào nhà người bà con làm ở Công ty trang thiết bị bảo hộ lao động. Đem nỗi niềm của mình tâm sự với người bà con và được gợi ý về nghề may gia công trang phục bảo hộ lao động, chị vui mừng như giải được bài toán khó. Chị về nhà gom góp hết vốn liếng tích cóp được suốt hơn nửa đời người được 25 triệu đồng, 1 tuần sau chị trở lại học nghề và nhờ người bà con mua được 6 chiếc máy khâu. Sau đó nhận vải về cắt rồi hướng dẫn cho chị em trong xóm may, chị em nào thích nghề, chị cho mang cả máy khâu về nhà làm.

 

Để chị em trong xóm vững tay nghề, chị đã liên hệ với Hội Nông dân huyện xin hỗ trợ kinh phí mở 1 lớp may gia công. Hôm chúng tôi đến lớp học may mới vừa tổ chức lễ bế giảng được 1 ngày, 30 học viên của lớp mừng vui khôn xiết vì trước nay chỉ biết có đồng áng, lần đầu tiên có được một nghề khác. Chị Nguyễn Thị Lương – thành viên lớp học cho biết: Lúc đầu, ngồi vào máy em còn run lắm, may một đường gỡ ra may lại tới cả chục lần, nhưng dần dần em đã biết may, mới đầu là ngày 1-2 sản phẩm, đến giờ thì vừa làm việc nhà, trông nom con trẻ một ngày em vẫn có thể may được 7-9 sản phẩm, cũng thu được khoảng 50 nghìn đồng tiền công. Em sẽ vừa làm vừa chịu khó học thêm để một ngày có thể may được 25-30 sản phẩm như những thợ may lành nghề.

 

Với 6 chiếc máy khâu, hiện giờ đội may của xóm mỗi ngày làm được khoảng 50 sản phẩm, các chị đều có mong ước là sẽ có thêm máy khâu để làm. Chị Vũ Thị Ninh cho biết: Nghề may gia công trang phục bảo hộ lao động vừa đơn giản, dễ làm, phù hợp với chị em phụ nữ tranh thủ những lúc rỗi rãi, thu nhập lại khá. Mỗi ngày, một thợ may lành nghề có thể thu nhập từ 100-150 nghìn đồng. Hiện nay do chị em chưa giỏi nghề nên tôi vẫn nhận những sản phẩm dễ may về để làm, mỗi sản phẩm này tiền công là 6 nghìn đồng, khi nào chị em may tốt, tôi sẽ nhận thêm các sản phẩm khó hơn, để chị em được nhận tiền công cao hơn, khoảng 15 nghìn đồng/sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tích cóp vốn liếng để mua thêm máy khâu, đồng thời xin các cấp, ngành hỗ trợ thêm kinh phí mua máy để nghề may có thể phát triển hơn, nâng cao đời sống cho bà con vùng đồng bào khó khăn này.

 

Làm phong trào để nuôi phong trào

 

Không chỉ trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế cho đồng bào vùng sâu, với sự nhanh nhẹn hoạt bát và sôi nổi của mình, chị Ninh còn tích cực xây dựng các phong trào ở địa phương. Trước đây, cuộc sống nghèo khó đã khiến bà con Na Pặng ít quan tâm đến phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Năm nào xã Ôn Lương cũng tổ chức giải bóng đá, vì không được tập luyện nên xóm không tham gia hoặc có tham gia cũng không được giải, nhưng từ ngày chị Ninh làm trưởng xóm (năm 2007), chị đã tích cực tập hợp đội ngũ, phát triển mạnh các phong trào văn nghệ, thể thao. Đầu tiên, chị đã đến từng nhà vận động mọi người tham gia vào đội bóng và đội văn nghệ của xóm. Sự nhiệt tình của chị đã không uổng, chị đã tập hợp được 12 người vào đội bóng và 12 người vào đội văn nghệ đều là những hạt nhân văn nghệ, thể thao của xóm. Để động viên các thành viên và tạo phong trào, giải bóng đá xã năm 2010, chị đã bỏ tiền túi ra mua cho đội bóng mỗi người một bộ trang phục với tổng trị giá 1,2 triệu đồng và ở giải năm nay chị lại mua thêm mỗi người 1 chiếc áo, tổng trị giá 500 nghìn đồng. Sau mỗi trận đấu chị đều tổ chức nấu cơm cho cả đội bóng ăn, mỗi bữa trị giá khoảng 200 nghìn đồng, mỗi giải khoảng 5 bữa. Những bữa cơm như thế này là nơi để các thành viên có dịp giao lưu, trao đổi kỹ thuật để thi đấu tốt hơn. Chúng tôi đến thăm đội bóng đúng giờ cơm trưa sau trận thi đấu bán kết giải bóng đá truyền thống của xã, tại nhà trưởng xóm, 3 mâm cơm khá thịnh soạn được bày ra, không khí bữa ăn thật vui vẻ, đầm ấm, các thành viên trong đội cười nói rôm rả trao đổi về những đường bóng hay, đồng thời bàn chiến thuật để trong trận trung kết sắp tới, đội sẽ thi đấu xuất sắc hơn. Từ năm 2008 đến nay, giải bóng đá của xã lần nào, xóm cũng giành được giải.

 

Một niềm vui vừa đến với đội bóng xóm Na Pặng là xóm đã bố trí được đất dành làm sân bóng để làm nơi tập luyện và giao lưu thể thao, hiện bà con đang đổ đất san lấp sân. Sân bóng của xóm là một khu ruộng rộng trên 2.000m2 nằm liền kề với nhà văn hóa xóm. Đây là nghị quyết của chi bộ xóm Na Pặng đề ra nhiều năm nay chưa thực hiện được, sau khi chị Ninh làm trưởng xóm, chị đã bền bỉ vận động 3 gia đình có ruộng là: Ông Ma Văn Cửu, Nguyễn Văn Cung và bà Phan Thị Quý đổi vào khu ruộng phía trong xóm của HTX, sự bền bỉ của chị cuối cùng cũng nhận được sự đồng tình của cả 3 hộ dân.

 

Cũng như đội bóng, để động viên các thành viên đội văn nghệ, chị Ninh lại bỏ tiền túi thuê trang phục cho các thành viên mỗi khi đi biểu diễn. Từ năm 2008 trở lại đây, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán và Rằm Trung thu, đội văn nghệ đều tổ chức biểu diễn cho bà con xem và cũng mỗi năm 2 lần chị Ninh đều chi tiền thuê trang phục mỗi lần khoảng 500 nghìn đồng.

 

Ở miền quê nghèo Na Pặng có người bỏ tiền túi ra để phục vụ hoạt động phong trào chung như chị Ninh quả thật hiếm hoi, tâm sự với chúng tôi, chị nói: Quan điểm của tôi là sống hết mình, làm việc hết mình và cống hiến hết mình, cống hiến được gì là tôi cống hiến. Cái thuận lợi của tôi là các con tôi đều đã trưởng thành và biết tự nuôi mình nên tôi không phải lo nhiều, bản thân tôi thì một năm từ 8 sào ruộng và 12 sào chè cũng đủ chi tiêu. Tôi làm trưởng xóm và tham gia HĐND xã mỗi tháng được hưởng phụ cấp 900 nghìn đồng, mỗi năm tôi bỏ ra 2 tháng lương để phục vụ hoạt động phong trào, còn lại để chi phí xăng xe, điện thoại và phòng khi ốm đau. Có lẽ chính quan điểm sống của chị đã khiến chị trở nên trẻ trung, năng động và vui vẻ hơn.