Là địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho các dự án công nghiệp nên trong những năm qua, xã Trung Thành (Phổ Yên) luôn quan tâm khuyến khích người dân phát triển đa dạng các loại hình ngành nghề…
Những ngày đầu xuân 2012 này, gia đình chị Nguyễn Thị Hải ở xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành (Phổ Yên) đang tất bật chăm sóc sao cho vườn hoa của mình nở đúng dịp Tết Nguyên Đán. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hải cho biết: Nhà tôi có hơn 2 sào ruộng thường để trồng hoa. Mọi năm, tôi không dám đầu tư vào các loại giống hoa đắt tiền như hoa ly, hoa loa kèn, với lại cũng không nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc nên chỉ trồng hoa cúc. Năm vừa rồi, được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, được hỗ trợ 80% giá giống và vật tư, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 1.000 cây hoa ly trong nhà lưới, 2.000 cây hoa loa kèn, 700 cây hoa đồng tiền và 7.000 cây hoa cúc trong điều kiện tự nhiên. Do trồng trong nhà lưới, tránh được phần nào những ảnh hưởng của thời tiết và được học cách cách bón phân, tưới nước, tỉa cây và sử dụng nhiệt độ để điều khiển nở của hoa ly nên chúng tôi đang áp dụng để cho hoa nở vào gần dịp Tết. Còn hoa cúc và hoa đồng tiền hiện đã bắt đầu cho thu hoạch. Với giá trung bình hiện nay là 25 nghìn đồng/cành ly, 6 nghìn/cành hoa loa kèn, 4 nghìn đồng/bông đồng tiền và 3 nghìn đồng/cành hoa cúc, ước tính vườn hoa của gia đình tôi sẽ cho thu lãi trên 60 triệu đồng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2011 vừa qua, ngoài gia đình chị Hải còn có 14 hộ dân xóm Thanh Hoa thực hiện mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất một số giống hoa có giá trị kinh tế cao do Trạm Khuyến nông huyện chức với tổng diện tích 5.400 m2. Đến nay, các loại hoa đều sinh trưởng và phát triển tốt, ước tính cho thu lãi trung bình 38 triệu đồng/sào hoa ly, 20 triệu đồng/sào hoa loa kèn và 12 triệu đồng/sào hoa cúc, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Rời Thanh Hoa, chúng tôi đến Cẩm Trà, một trong những xóm vừa được UBND tỉnh công nhận Làng nghề gỗ mỹ nghệ. Trưởng xóm Trịnh Anh Sáu vui vẻ cho biết: Cẩm Trà hiện có 287 hộ thì có tới 280 hộ tham gia sản xuất đồ mộc. Nghề mộc đã xuất hiện ở đây từ những năm 1980 với các sản phẩm chủ yếu như: con tiện, cửa, cầu thang… Đến nay, sản phẩm làm ra đẹp, giá cả hợp lý, xóm đã thành lập được 2 HTX chế biến, kinh doanh lâm sản là Trà Thị và Cẩm Trà. Tháng 12 vừa qua, được UBND tỉnh công nhận làng nghề gỗ mỹ nghệ, bà con chúng tôi rất phấn khởi. Hiện, nghề mộc đã tạo việc làm ổn định cho 700 lao động với mức thu nhập 3,2 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với phát triển nghề trồng hoa, nghề mộc, trong năm 2011 vừa qua, xã Trung Thành còn phối hợp với Trung tâm Vì ngày mai (Hà Nội) tổ chức 2 lớp học thêu ren cho 70 học viên. Chị Nguyễn Thị Lê, người xóm Thanh Hoa chia sẻ: Được tham gia khóa học thêu ren trong thời gian 3 tháng, giờ tôi đã có thể phối màu và thêu những bức tranh có nội dung về các loài vật, cây cối, phong cảnh thiên nhiên… Tôi cũng như một số hộ nông dân có diện tích đất nông nghiệp phục vụ cho các dự án công nghiệp rất muốn có thêm nghề phụ để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Từ khi có nghề thêu, mỗi tháng tôi cũng có thu nhập thêm khoảng 2 triệu đồng. Cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Được biết, tháng 8/2011, xã đã chính thức thành lập HTX Thêu may xuất khẩu Trung Thành với 50 xã viên. Trung tâm Vì ngày mai tươi sáng có trụ sở tại Hà Nội đã nhận bao tiêu sản phẩm cho HTX, đây chính là điều kiện thuận lợi để HTX từng bước phát triển, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Công Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Từ năm 2008 đến nay, xã đã thu hồi hơn 60 ha đất nông nghiệp phục vụ cho các dự án. Vì vậy, ngoài phát triển nông nghiệp, xã còn chú trọng khôi phục một số nghề truyền thống và khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình ngành nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập như: chế biến nông - lâm sản, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, chăn nuôi, gò hàn, may công nghiệp, thêu ren, xây dựng…
Đối với các hộ gặp khó khăn về nguồn vốn, xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra tín chấp từ các Ngân hàng: Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Chính sách - Xã hội giúp những hộ nghèo được tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến nay, xã đã có trên 760 hộ được vay vốn với số tiền là 7,5 tỷ đồng. Cùng đó, xã còn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, giấy tờ cho hơn 650 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh với đủ các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Ngoài ra, hàng năm, xã còn phối hợp với Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên mở được khoảng 10 lớp đào tạo nghề ngắn hạn như: may công nghiệp, chăn nuôi, mộc… cho 500 học viên. Sau khi học xong, các học viên có thể tự tìm kiếm việc làm phù hợp với điều kiện của từng gia đình.
Có thể thấy, việc khuyến khích phát triển kinh tế ngành nghề ở Trung Thành là hướng đi đúng đắn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 12% năm 2005 xuống còn 2,31% trên tổng số hơn 2.700 hộ hiện nay; đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.