Khung cảnh nhộn nhịp ở Tân Yên, xã Hòa Bình, Đồng Hỷ như cuốn hút bất cứ ai đến đây: Cánh đồng rộng lớn, phì nhiêu thẳng cánh cò bay, tít xa là những đồi chè, rừng cây bát ngát xanh…
Hình ảnh chúng tôi ấn tượng nhất là những ruộng ngô bắp nây tròn đang đến kỳ thu hoạch. Đây đó, mấy bà, mấy chị đang cần mẫn bẻ từng bắp ngô cho vào bao mang về nhà. Sau những ngày vất vả “một nắng hai sương”, được cầm sản phẩm ưng ý trên tay, khuôn mặt ai cũng rạng ngời niềm vui. Ở những chân ruộng đã thu hoạch ngô xong, tiếng máy cày chạy ầm ì. Những người dân Tân Yên không cho đất nghỉ, vừa thu hoạch vụ đông xong đã tất bật chuẩn bị cho một mùa vụ mới.
Ông Lê Xuân Túc, Trưởng xóm Tân Yên cho biết: Mọi năm, thu hoạch ngô vụ đông xong là bà con làm đất cấy lúa xuân. Nhưng năm nay, chúng tôi không cấy lúa mà chuyển sang sản xuất hạt giống ngô lai F1. Vừa dứt lời, ông Túc đưa cho chúng tôi bản hợp đồng trong đó ghi rõ đơn vị tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu mua hạt ngô giống là Công ty Giống cây trồng (Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp tỉnh). Theo bản hợp đồng này, nếu người dân đảm bảo chăm sóc ngô đúng quy trình kỹ thuật, năng suất ngô ít nhất sẽ đạt 150kg bắp tươi/sào. Giá thu mua cũng rất hợp lý, với những bắp loại 1 (có tỷ lệ đóng hạt đạt từ 70% trở lên) sẽ được mua với giá 9.000 đồng/kg bắp tươi; loại 2 (có tỷ lệ đóng hạt từ 50 đến dưới 70%) được thu mua với giá 5.000 đồng/kg. Ông Túc nhẩm tính với giá thu mua như vậy, người nông dân sẽ có thu nhập từ 2 đến 2,7 triệu đồng/sào, trong khi trồng lúa, năng suất dù đạt cao (2,2 tạ/sào), thu nhập cũng chỉ bằng một nửa so với sản xuất hạt giống ngô.
Mặc dù là năm đầu tiên triển khai nhưng mô hình sản xuất hạt giống ngô lai F1 đã thu hút được 79 hộ dân ở Tân Yên trồng trên diện tích gần 12 ha. Ông Lường Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình nhận xét: Người dân Tân Yên rất cần cù, chịu khó, luôn tiên phong trong phát triển kinh tế cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Nhận định của ông Hà là rất có cơ sở bởi xóm nhỏ này có 114 hộ dân thì có đến 30 hộ có máy cày. Ông Túc nói vui: Về Tân Yên tìm máy cày thì dễ chứ tìm trâu khó lắm vì cả xóm chỉ có 4 con trâu.
Trên cánh đồng phì nhiêu ở đồng đất Tân Yên, ngô, lúa luôn tốt tươi, còn ở trong chuồng, trại, hầu như nhà nào cũng có đàn lợn trắng muốt, bụng con nào cũng no tròn. Hiện nay, ở Tân Yên có khoảng 50 hộ dân chăn nuôi lợn, hộ ít có 10-15 con/lứa; hộ nhiều có 50-70 con/lứa, nuôi gối vụ từ 3 đến lứa 4 lứa/năm, mỗi năm Tân Yên cung cấp cho thị trường trong tỉnh hàng nghìn con lợn thịt. Về chè, nơi đây cũng là một vùng trọng điểm của xã, nhà ít có 3-4 sào, hộ nhiều có 7-8 sào.
Thu nhập từ chè cũng mang lại cuộc sống no ấm cho nhiều hộ dân. Ngoài ra, Tân Yên còn có gần 100ha rừng sản xuất, mang lại khoản thu nhập đáng kể cho bà con. Có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nên cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khấm khá hơn: Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 1 triệu đồng/người/tháng; số hộ nghèo chỉ còn 18/114 hộ, số hộ có đời sống kinh tế khá chiếm 60%; gần 90% số hộ xây được nhà kiên cố... Nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng như gia đình ông Lường Văn Sơn, có 7 sào ruộng, 6 sào chè, mỗi năm nuôi 3 lứa lợn, mỗi lưa có từ 50-70 con. Hay như gia đình ông Lý Ngọc Tựa, mỗi năm cấy 2 vụ lúa, mỗi vụ 10 sào; thâm canh 5 sào chè; nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa 30-40 con…
Các cụ cao niên ở đây đều không nhớ rõ người dân Tân Yên về vùng đất ven sông Cầu này lập làng từ bao giờ. Có hộ dân đã an cư, lạc nghiệp ở đây 6 đời như gia đình ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyễn Văn Hinh, Hứa Trương Bách… Và ai cũng mong muốn có một cây cầu bắc qua sông để Tân Yên không còn là “ốc đảo” mỗi khi mưa lũ kéo dài. Mong ước bao đời nay của người Tân Yên vẫn chưa thực hiện được, chỉ có những khó khăn vì thiếu cầu là vẫn hiện hữu mỗi ngày.
Xóm hiện có 21 ha đất cấy lúa, khoảng 30 ha chè và gần 100ha rừng. Với năng suất lúa đạt 54 tạ/ha, năng suất chè đạt hơn100 tạ/ha, hàng chục ha rừng keo đến kỳ khai thác mỗi năm, chăn nuôi hàng nghìn con lợn… cho thấy nhu cần vận chuyển hàng nông, lâm sản của người Tân Yên qua sông mang đi tiêu thụ là rất lớn. Ông Túc nói: Phải sống trong hoàn cảnh của chúng tôi mới thấu hết nỗi khổ bị chia cắt, cô lập. Ở Tân Yên, hàng nông sản bao giờ cũng phải bán rẻ hơn các hộ dân ở bên kia sông. Đơn cử như giá bán thịt lợn hơi, tư thương bao giờ cũng trả chúng tôi rẻ hơn các hộ chăn nuôi ở bên kia sông từ 3 đến 4.000 đồng/kg; giá thóc cũng bị trả rẻ hơn từ 50 đến 100 nghìn đồng/tạ…
Trong khi đó, để xây dựng chuồng, trại, nhà cửa, chúng tôi lại phải mua vật liệu với giá đất hơn. Ví dụ như xi măng, ở bên kia sông chỉ phải trả 88 nghìn đồng/tạ còn trở sang bên này phải trả 92 nghìn đồng/tạ. Đó là chưa kể đến những khó khăn khi có sản phụ trở dạ vào ngày mưa lũ, hay những trường hợp đau ốm phải đưa đi viện cấp cứu… Thương nhất vẫn là lũ trẻ, phải vượt sông trên những chuyến đò ngang mỏng manh trong những ngày nước sông Cầu dâng cao để đến trường trong sự thấp thỏm, lo âu của cha mẹ…Để đối phó với mưa lũ, nhiều hộ dân đã tự làm hoặc mua những chiếc thuyền làm bằng nan, tôn. Nếu tự làm thì chỉ mất 370 nghìn đồng, còn mua mới thì mất 700 nghìn đồng/chiếc. Ông Lý Ngọc Tựa nói: Dù tốn kém một khoản tiền mua thuyền nhưng chúng tôi còn có thể vượt sông vào những ngày nước “nổi”.
Cũng vì không có cây cầu kiên cố, mỗi năm, người dân nơi đây phải bỏ ra một số tiền vô lý - tương ứng với thóc để làm cầu tạm vào mùa khô (mỗi khi mùa mưa bão đến là cầu bị cuốn trôi) và trả công cho người lái đò vào mùa mưa. Hộ có 1 người thì phải nộp 10kg thóc/năm, hộ có 2-3 người thì phải trả 5 kg/người/năm, hộ có 4- 6 người thì trả 4 kg/người/năm, hộ nhiều người hơn thì trả 3kg/người/năm. Riêng với xe máy, phải trả 3kg/xe/năm…
Bị chia cắt là một trong những nguyên nhân khiến cho Tân Yên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Với trình độ dân trí đồng đều, miền đất này sẽ phát triển mạnh hơn, trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của xã nếu một cây cầu kiên cố được bắc qua sông Cầu. Mong rằng các cấp, ngành chức năng của tỉnh, huyện quan tâm làm một cây cầu cho Tân Yên, để sau đó, bà con sẽ cùng đóng góp kiên cố gần 4km đường giao thông liên hộ, cứng hóa gần 2km kênh mương...