Con đường mang đến ấm no

08:40, 24/02/2012

Xóm Tân Thành hiện có 105 hộ với trên 340 nhân khẩu, chủ yếu từ xã Tân Phú (Phổ Yên) lên khai hoang, lập nghiệp từ những năm 1980…

Anh Ngô Thượng Chiến, Trưởng xóm cho biết: Tân Thành hiện có 105 hộ với trên 340 nhân khẩu, chủ yếu từ xã Tân Phú (Phổ Yên) lên đây khai hoang, lập nghiệp từ những năm 1980. Đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn do hầu hết là đất đồi rừng, hoang vu, rậm rạp và không có đất ruộng để cấy lúa. Sau khi trồng thử nghiệm, thấy cây chè cho năng suất và hiệu quả kinh tế hơn hẳn các loại cây trồng khác, bà con trong xóm đã cải tạo đất rừng để trồng chè. Diện tích chè của xóm hiện có khoảng 20ha. Hằng năm, xóm cung cấp ra thị trường trên 65 tấn chè búp khô. Đời sống của bà con dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, tuyến đường ra trung tâm xã là đường đất vắt qua sườn núi, nhỏ hẹp và khó đi nên việc giao lưu, thông thương hàng hóa của người dân gặp rất nhiều trở ngại, nhất là vào mùa mưa. Bởi thế, vào những năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của xóm luôn chiếm tới 60%.

 

Trước tình hình trên, năm 2007, xóm đã tiến hành họp dân và xác định, muốn phát triển kinh tế - xã hội trước tiên phải mở đường giao thông. Chi bộ cũng đã tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân để bàn bạc cách làm và xây dựng Nghị quyết chuyên đề để làm đường giao thông, trong đó phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Ngay sau khi Nghị quyết được triển khai, bà con rất phấn khởi và nhiệt tình ủng hộ. Mỗi năm, xóm đề ra kế hoạch san lấp mặt bằng từng đoạn để khi có sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước là có thể làm ngay. Các hộ có diện tích đất và cây cối bị ảnh hưởng cũng đều tự nguyện giải phóng mặt bằng mà không hề tính toán. Đến năm 2010, được sự hỗ trợ 70% vốn của Nhà nước, xóm đối ứng 30% để làm tuyến đường dài 3.600m, rộng 3m, dày 16cm với tổng trị giá hơn 1,6 tỷ đồng. Xóm phân chia ra các đoạn để làm; đối với các hộ ở đầu xóm gần đường thì đóng góp gần 400 nghìn đồng/hộ, các hộ ở xa hơn thì đóng 1 triệu đồng/hộ để lấy nguồn vốn đối ứng.

 

Cùng đó, bà con cũng huy động toàn bộ nguồn nhân lực, vật lực và sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, các loại quỹ của xóm để thi công toàn bộ tuyến đường. Đến năm 2011, con đường được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong niềm vui vô hạn của bà con nhân dân. Việc vận chuyển hàng hóa nông sản và các vật dụng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt từ đây trở nên thuận lợi. Tiến bộ khoa học kỹ thuật nhờ đó cũng dễ dàng đưa vào áp dụng hơn. Hiện, nhà nào trong xóm cũng đầu tư được tôn quay, máy vò chè chạy bằng điện để giảm chi phí về công lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Đi bộ dọc theo tuyến đường chạy quanh xóm, chúng tôi bắt gặp khung cảnh bà con đang hối hả thu hái, tỉa cành và bón phân cho những luống chè của gia đình. Chị Trần Thị Hằng, một người dân trong xóm chia sẻ: Nhà tôi có 1 mẫu chè, mỗi lứa thu hái được khoảng 2 tạ chè búp khô, với giá bán trung bình 120 nghìn đồng/kg. Mỗi năm thu hái được 8 lứa, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu về gần 100 triệu đồng. 2 năm trước đây, những hôm trời mưa, cả tháng chúng tôi không ra khỏi xóm được vì đường đèo dốc, trơn và khó đi. Nay có con đường mới, chúng tôi đã có thể đi lại dễ dàng. Còn với chị Trần Thị Thìn, thì con đường được xây dựng nên bởi tinh thần đoàn kết, mồ hôi và công sức của bà con. Vì thế, chúng tôi luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ tuyến đường. Giờ đây, trẻ em đến trường đã đỡ nhọc nhằn. Ốm đau đi viện cũng không phải lo lắng vì đường sá khó đi nữa. Hàng hóa, vật dụng phục vụ sinh hoạt chúng tôi cũng có thể chất lên xe máy chở về tận nhà.

 

Thêm một niềm vui nữa đến với bà con Tân Thành là cuối năm 2011 vừa qua, xóm đã được công nhận Làng nghề trồng và chế biến chè truyền thống. Đây chính là điều kiện để sản phẩm chè Tân Thành có dịp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu. Nhờ đẩy mạnh phát triển cây chè, đời sống của bà con xóm đã từng bước được cải thiện đáng kể. Xóm hiện còn 38 hộ nghèo, giảm 30 hộ so với năm 2004; 97% số hộ trong xóm đã mua sắm được các phương tiện sinh hoạt như: ti vi, xe máy, 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường…

 

Chúng tôi dời Tân Thành khi trời đã về chiều. Trong mỗi nếp nhà, bà con nông dân lại bắt đầu đỏ lửa để sao những mẻ chè sau 1 ngày vất vả thu hái. Tin rằng, con đường mới cùng tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực vươn lên, bà con nơi đây sẽ có cuộc sống ngày càng no ấm.