Khó nhất vẫn là đội ngũ

13:56, 16/02/2012

Đó là vấn đề cốt lõi để thực hiện thành công Kế hoạch dạy ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục của tỉnh giai đoạn 2011-2020 theo lộ trình thực hiện Quyết định số 1400-QĐ/TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.

Theo đồng chí Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo (GD & ĐT) thì khi bắt tay vào xây dựng  Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1400, chúng tôi nhận thấy cái khó nhất không nằm ở khâu cơ sở vật chất mà lại chính là đội ngũ giáo viên (GV) dạy tiếng Anh hiện nay. Trong đợt khảo sát mới đây của Sở, trong số 95 GV đang dạy tiếng Anh ở 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT) thì chỉ có 10% đạt yêu cầu đề ra.

 

Mặc dù thực tế, việc dạy học ngoại ngữ ở các trường trên địa bàn tỉnh đã có từ rất sớm. Trước những năm 1990, các trường THCS, THPT chủ yếu dạy và học tiếng Nga hoặc tiếng Trung Quốc. Sau năm 1991, nhu cầu học tiếng Anh của người dân tăng cao, do đó tỉnh đã có chủ trương phủ kín dạy tiếng Anh đối với cấp THCS và THPT. Tuy nhiên, do chương trình, sách giáo khoa chưa có sự liên thông giữa các cấp nên khi HS học hết THCS khi chuyển lên học cấp THPT lại bắt đầu chương trình, sách giáo khoa hệ 3 năm (học lại từ đầu). Do đó, kết quả học tập bộ môn tiếng Anh của HS cấp THCS không được liên thông lên ở cấp THPT. Điều này dẫn đến việc dạy tiếng Anh có sự chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả. Đối với cấp tiểu học, việc thực hiện dạy tiếng Anh theo chương trình tự chọn từ lớp 3, song cũng chỉ thực hiện được ở những nơi có điều kiện và theo nhu cầu của cha mẹ HS. Bắt đầu từ năm học 2002-2003, thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa của Bộ, tiếng Anh được dạy hệ 7 năm bắt đầu từ lớp 6 đến lớp 12. Và đây cũng là môn thi tốt nghiệp THPT hằng năm. Song nhìn chung, chất lượng dạy và học chưa cao.

 

Ngoài nguyên nhân khách quan do cơ sở vật chất phòng học thiếu, nguyên nhân chủ quan là do đội ngũ GV yếu về chuyên môn nghiệp vụ thì mục tiêu, thời lượng dạy và học ngoại ngữ chưa đủ, do vậy trình độ sử dụng tiếng Anh của HS thấp. Ngày 30-9-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg về việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trong toàn quốc. Sở GD & ĐT đã tham mưu để mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 149 phê duyệt kế hoạch triển khai dạy ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020.

 

Theo đó, sẽ triển khai dạy chương trình tiếng Anh 10 năm bắt đầu từ lớp 3 và bắt buộc ở cấp học phổ thông. Phấn đấu từ năm học 2012-2013, bắt đầu triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm đối với 20% số trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh; năm học 2013-2014 cho 10% số trường THCS, 10% số trường THPT; năm học 2016-2017 cho 70% số trường tiểu học, 50% số trường THCS và THPT; năm học 2018-2019 cho 100% số trường tiểu học. Đến năm học 2020-2021 cho 100% số trường ở cả 3 cấp học là tiểu học, THCS và THPT… để các em học sinh có đủ năng lực sử dụng tiếng Anh một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, lao động và các hoạt động xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, 100% GV dạy tiếng Anh và HS đạt được trình độ (theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu gồm 6 bậc) như sau: GV tiểu học đạt trình độ bậc 4, HS sau khi học xong tiểu học đạt trình độ bậc 1; GV cấp THCS đạt trình độ bậc 4, HS sau khi tốt nghiệp THCS đạt trình độ bậc 2; GV cấp THPT đạt trình độ bậc 5, HS sau khi tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc 3. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên thì khó khăn nhất vẫn là đội ngũ GV. Theo đồng chí Trần Thị Mỹ Quang, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD & ĐT: “nhìn chung đội ngũ GV tiếng Anh cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có ý thức phấn đấu vươn lên, song số GV được đào tạo theo hệ không chính quy còn chiếm tỷ lệ cao.

 

Hiện trong số 907 GV tiếng Anh (biên chế 751, hợp đồng 156) của 3 cấp học thì số đào tạo đại học, cao đẳng không chính quy chiếm tới 588 người, trong đó chủ yếu ở cấp THCS với 361/469 GV học đại học, cao đẳng không chính quy. Trong 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) thì GV hạn chế nhất là 2 kỹ năng nghe và nói, chưa đáp ứng được trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu của từng cấp học của khung năng lực ngoại ngữ (KNLNN) do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ Châu Âu ban hành theo Đề án 1400”. Chúng tôi tìm đến Khoa ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên)- một trong các đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng cho đội ngũ GV tiếng Anh của 8 tỉnh miền núi phía Bắc để thực hiện Đề án.

 

Trao đổi cùng chúng tôi TS  Lê Hồng Thắng, Trưởng khoa cho biết: “Khoa được giao nhiệm vụ bồi dưỡng cho 140 GV tiếng Anh tiểu học của 8 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó tỉnh Thái Nguyên có 41 người. Để tổ chức bồi dưỡng hiệu quả, Khoa đã tiến hành kiểm tra, rà soát năng lực đầu vào (được biết trước khi cử đi tập huấn một số tỉnh đã kiểm tra, rà soát ban đầu). Kết quả, trong số 120 học viên, chỉ có 6 học viên đạt chuẩn B1, 59 học viên đạt chuẩn A2, số còn lại chiếm gần 50% không đạt yêu cầu đề ra. Tôi cho rằng đây là vấn đề lịch sử để lại. Nếu đội ngũ như hiện nay thì rất khó khăn cho việc triển khai thực hiện Đề án này”.

 

Là người trực tiếp giảng dạy tại lớp bồi dưỡng cho 120 GV tiểu học, cô giáo Hoàng Thị Ngọc Điền, Phó Phòng đào tạo rất băn khoăn. “Khi khảo sát lại chúng tôi thấy GV yếu nhất là 2 kỹ năng nghe và nói. Chúng tôi đưa ra một câu hỏi khá đơn giản là các cô giáo hãy thảo luận về một chủ đề quen thuộc trên lớp thì hầu hết các GV đều không làm được. Tôi cho rằng nhiều GV quan niệm dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học chỉ đơn thuần, vì thế ít có sự tìm hiểu, tự học, tự đọc để nâng cao trình độ. Vì thế, mới có tình trạng HS tốt nghiệp tiểu học chỉ có thể chào hỏi được mấy câu đơn giản cũng như biết gọi tên tiếng Anh một số con vật, màu sắc… Trước tình trạng trên, chúng tôi phải xin ý kiến của Ban quản lý Đề án của Bộ để có những giải pháp thiết thực trong đào tạo để làm sao trong thời gian 4 tháng có thể truyền đạt để các học viên nâng cao 4 kỹ năng, cũng như phương pháp giảng dạy, khi hoàn thành khóa học kiểm tra tỷ lệ GV đạt yêu cầu đề ra cao”.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT khẳng định: Để thực hiện thắng lợi Đề án, giải pháp mà ngành Giáo dục đề ra về trước mắt cũng như lâu dài chính là phải đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng được đội ngũ GV tiếng Anh đạt yêu cầu đề ra. Trước mắt, Sở sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra thực trạng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đối với toàn bộ GV đang dạy tiếng Anh ở các cấp học. Trên cơ sở nắm chắc thực trạng, xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, tự đào tạo để nâng cao trình độ cho mỗi GV. Phối hợp với Đại học Thái Nguyên và đơn vị có năng lực để thực hiện chương trình bồi dưỡng cho GV tiếng Anh nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những GV tiếng Anh có nhu cầu được đào tạo nâng chuẩn theo học các lớp nâng cao. Hằng năm phối hợp với Hội đồng khảo thí tiếng Anh của Đại học Cambridge, Đại học Thái Nguyên để khảo sát năng lực tiếng Anh theo chương trình First Certificate in English (FCE) của Cambridge University  hoặc tương đương để cấp chứng chỉ cho GV tham gia dạy tại các trường theo tiến độ của kế hoạch. Với những GV dạy tiếng Anh sau khi tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, khảo sát không đạt yêu cầu theo chuẩn Đề án của Chính phủ sẽ kiên quyết không bố trí giảng dạy ở những trường thực hiện Kế hoạch này.

 

Sau 4 năm kể từ ngày ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh, GV đã tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nhưng vẫn không đạt yêu cầu thì cấp có thẩm quyền sắp xếp, bố trí cho làm việc khác, nếu không sắp xếp, bố trí được thì giải quyết theo quy định hiện hành. Như vậy, kể cả số GV đã được tuyển dụng trong biên chế không thể “chắc chân” nếu sau 4 năm kể từ khi bắt đầu thực hiện kế hoạch mà khi kiểm tra không đạt yêu cầu đề ra theo chuẩn của Đề án. Thiết nghĩ để thực hiện thắng lợi Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục, mỗi cán bộ, GV dạy tiếng Anh ở các cấp học cần thay đổi nhận thức để việc tự học, tự bồi dưỡng không chỉ là đáp ứng yêu cầu của công việc mà là nhu cầu tự thân của mỗi người trong sự vận động phát triển không ngừng, nhất là yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.