Kinh tế phát triển nhờ biết lồng ghép, sử dụng vốn có hiệu quả

10:20, 24/02/2012

Cam Giá là địa phương có đội ngũ cán bộ rất quan tâm đến đồng vốn đầu tư của ngân hàng đến các hộ. Vì vậy, thường xuyên có sự chỉ đạo, đôn đốc quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích…

Theo bước chân anh cán bộ tín dụng Trần Quang Kiên, Phòng Giao dịch Gang thép, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNo) thành phố Thái Nguyên (TPTN)  cùng Phó Chủ tịch UBND phường Cam Giá TPTN  Nguyễn Thị Hà đến thăm gia đình anh Tạ Xuân Quang ở Tổ 9 - người đang vay vốn của NHNo thành phố để đầu tư trồng hoa đào. Trên đường đi, tôi cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây đang rất sung túc. Có nhiều ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự, không thấy một mái nhà tranh tre nào. Nhà nào cũng tường bao quanh thật khang trang, đẹp như bức tranh. Tết Nguyên đán vừa qua đi, nhưng nhiều nhà vẫn còn những cây đào hoa nở rộ biếc hồng cả một góc vườn như còn lưu luyến không khí của những ngày Tết cổ truyền. Tất cả các tuyến đường vào tổ dân phố đều được bê tông hóa, làm cho những ai đã đến đây, trở lại không còn cảm giác nơi đây đã từng là vùng đất thuần nông.

 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng xây theo kiểu mới, anh Tạ Xuân Quang không khoe với chúng tôi, nhưng qua trò chuyện, chúng tôi hiểu căn nhà này đã được xây từ chính tiền bán cành đào. Anh cho biết, cách đây 6 đến 7 năm, nhu cầu người chơi hoa đào còn “khiêm tốn lắm”. Vì vậy, ban đầu chúng tôi trồng  đào chuyên phục vụ vào những ngày Tết Nguyên đán còn dè dặt, chỉ có vài nhà trồng hoa và mỗi nhà trồng vài chục gốc đào. Vài năm trở lại đây, nhu cầu của người dân tăng, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư lớn để đáp ứng nhu cầu người chơi hoa. Hiện nay xóm tôi có 20 hộ làm nghề nông nghiệp thì tất cả đều tham gia trồng đào. Nhà trồng nhiều, như gia đình tôi đến 500 gốc đào, hộ trồng ít cũng đến 100 gốc. Để có vốn đầu tư mua cây giống, năm 2011, gia đình tôi đã vay của NHNo 20 triệu đồng. Vụ Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình tôi đã thu lãi gần 100 triệu đồng. Hiện tại, tôi đang tiếp tục tìm mua một số gốc đào về lai ghép để phục vụ cho Tết năm tới.

 

Theo chị Nguyễn Thị Hà cho biết: Cam Giá là phường thuần nông, trước đây đời sống của người dân chủ yếu trông vào cây lúa và cây màu. Những năm qua, nhờ được ngân hàng đầu tư vốn (đặc biệt là nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách- xã hội (CSXH) với dư nợ bình quân mỗi năm trên 4 tỷ đồng và NHNo với dư nợ mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng) đã tạo điều kiện cho các hộ trong phường thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao và cải thiện đời sống. Trong đó, cây hoa đào được bà con nông dân lựa chọn đưa vào  trồng thay thế các cây màu như lạc, ngô, đỗ. Gia đình ông Tạ Xuân Quang là một trong  150 hộ đã chuyển hướng sang trồng hoa đào trên địa bàn phường. Các hộ trồng đào tập trung ở 14 tổ (từ tổ 7 đến tổ 18) của phường. Việc các hộ trồng đào mở rộng diện tích không chỉ cho thu nhập cao (riêng Tết năm 2012 cho thu nhập trên 3,5 tỷ đồng)  mà còn có xu hướng tạo dựng cho phường một ngành nghề mới.

 

Hiện Phường đang lập hồ sơ đề nghị các cấp, ngành chức năng công nhận “làng nghề trồng hoa đào Cam Giá”. Đồng thời Phường cũng đang vận động bà còn nông dân sắp tới tham gia vào Dự án rau sạch do Phường phối hợp với Viện Rau quả Trung ương và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn vốn của Ngân hàng  CSXH chủ yếu đã tạo điều kiện cho các hộ phi nông nghiệp mở rộng phát triển nhiều ngành nghề phát triển chăn nuôi trâu bò đàn, mở rộng trang trại chăn nuôi gà lợn. Chính từ dự án trồng cỏ nuôi bò và Dự án phát triển trâu bò đàn đưa vào triển khai thực hiện năm 2002, ban đầu phường chỉ có vài trăm con trâu bò, đến nay  phát triển và duy trì ổn định ở mức trên 1000 con, đã góp phần phục vụ sức kéo cho người dân và cung cấp thịt cho thị trường thành phố và các vùng lân cận.

 

Trước đây các hộ sản xuất nông nghiệp ở khu vực phía đông của Phường chỉ sản xuất nông nghiệp, nay đã có 5 hộ gia đình mở rộng chăn nuôi theo hình thức trang trại chăn nuôi gà, lợn với quy mô nhỏ đã đem lại thu nhập đáng kể. Trong đó phải kể đến gia đình ông Phạm Văn Dũng ở tổ 12, là hộ thường xuyên vay vốn ngân hàng (hiện đang vay của NHNo tỉnh 800 triệu đồng) để đầu tư kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi lợn, nên cuộc sống gia đình ông từ chỗ rất khó khăn, đến nay đã trở thành hộ giàu của phường. Nguồn vốn của NHNo chủ yếu đầu tư cho các hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và kinh doanh dịch vụ. Vì vậy, trước đây, trên địa bàn phường hầu như không có cơ sở sản xuất CN-TTCN, nay đã phát triển lên 148 cơ sở với các ngành nghề: sản xuất vật liệu xây dựng, đúc gang, làm nghề mộc đã đem lại giá trị CN-TTCN năm 2011 đạt 405 tỷ đồng; 204 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, với giá trị năm 2011 đạt trên 900 tỷ đồng.

 

Ngành nghề phát triển đã góp phần xóa đói giảm nghèo, Cam Giá trước đây là phường có tỷ lệ hộ nghèo cao so với các xã, phường của thành phố, nay số hộ nghèo giảm nhanh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2011 đến thời điểm hiện nay giảm từ 9,45% xuống còn 5,75% (tương đương với 166 hộ nghèo). Không những thế, đời sống người dân được nâng cao, nên các hộ đã có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh như: Đóng góp trên 500 triệu đồng để xây dựng các công trình phụ trợ cho trường THCS và trạm y tế phường; đóng góp trên 2 tỷ đồng xây dựng được 20 nhà văn hóa và mua sắm các trang thiết bị phục vụ tại các nhà văn hóa; 99% tuyến đường bê tông (tương ứng với gần 50km) đường đến các tổ dân phố đã được kiên cố hóa theo phương thức đối ứng 50/50 (tức là người dân đóng góp 50%, Nhà nước hỗ trợ 50%). Đó là chưa kể sự đóng góp của dân để xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; điện chiếu sáng đến các tổ dân phố; xây dựng kênh mương nội đồng…

 

Theo đánh giá của chị Nguyễn Thị Mười, Phó Phòng Kế hoạch nghiệp vụ, tín dụng, Ngân hàng CSXH hội thành phố thì: “ Cam Giá là địa phương có đội ngũ cán bộ rất quan tâm đến đồng vốn đầu tư của ngân hàng đến các hộ. Vì vậy, thường xuyên có sự chỉ đạo, đôn đốc quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích; thu hồi nợ đến hạn nên phường không có nợ quá hạn. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn thực hiện nghiêm túc công tác huy động và cho vay nên không có tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Do vậy nguồn vốn ở đây phát huy hiệu quả khá tốt, đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh.  .  

 

Anh Đỗ Văn Tuyên, Giám đốc Phòng giao dịch Gang thép, NHNo thành phố cũng khẳng định: ở đâu cũng biết lồng ghép các nguồn vốn, đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã quan tâm chỉ đạo sát sao trong việc quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích thì ở đó đồng vốn sẽ mang hiệu quả cao. Đó là kinh nghiệm ở quản lý, sử dụng vốn ở phường Cam Giá.