Làm trước để dân tin, dân theo…

09:47, 17/02/2012

Đó là cách mà cán bộ, đảng viên của Đảng bộ xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) đã triển khai trong nhiều năm qua nhằm lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt trong phong trào phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Linh Sơn chỉ đạt khoảng 7% thì 2-3 năm trở lại đây, chỉ tiêu đó đã tăng lên 11%, cơ cấu kinh tế thay đổi tích cực, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16% (2010) xuống còn 10% (2011), thu nhập bình quân của xã đạt 11,9 triệu đồng/người/năm (2011). Đồng chí Mạc Văn Sinh, Bí thư Đảng bộ xã Linh Sơn cho biết: Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo phát triển kinh tê, Đảng bộ xã đã xây dựng thành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đồng thời, tập trung xây dựng các chi bộ cơ sở trong sạch vững mạnh; đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để khuyến khích bà con đưa giống cây, con mới vào phát triển kinh tế gia đình. Đảng viên phải là những người đi tiên phong, và thực sự gương mẫu để quần chúng nhân dân nhìn thấy mà tin tưởng làm theo.

 

Chúng tôi tìm đến gia đình đảng viên Nguyễn Văn Phụng, xóm Thông Nhãn, người tiên phong trong việc trồng ổi với quy mô lớn tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phụng chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu trồng ổi từ năm 1998, sau thấy trái ổi cho thu nhập cao, tôi vay thêm vốn từ ngân hàng để mở rộng diện tích. Từ 10 gốc ổi ban đầu, đến nay, trong khuôn viên rộng hơn 3.000m2 của gia đình là 150 gốc ổi đã cho thu hoạch. Giống ổi được ông Phụng đưa vào trồng là giống ổi đỏ, có giá trị kinh tế cao, với sản lượng bình quân hái bán ra thị trường từ 10-15 tấn/năm. Riêng năm 2010, gia đình ông Phụng thu được 20 tấn ổi, chưa trừ chi phí chăm bón, tổng thu nhập đạt khoảng từ 100 đến 150 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Phụng còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây ổi, giúp bà con có giống ổi tốt để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình trồng ổi đã được nhân rộng trên địa bàn xóm, xã.

 

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Chi bộ xóm Ngọc Lâm cũng là điển hình làm kinh tế giỏi của xã Linh Sơn. Với 7 sào đất nông nghiệp, ông Lợi dành 5 sào trồng chuyên canh rau, màu; 2 sào còn lại, ông cấy 2 vụ lúa và một vụ rau. Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông suất 4 lứa lợn thịt từ 4-5 con/ lứa. Trừ hết chi phí, tổng thu nhập của gia đình đạt từ 60-80 triệu đồng/năm. Ông Lợi cho biết: Là Bí thư Chi bộ xóm nên việc gieo trồng thí điểm các giống rau mới, giống rau trái vụ, gia đình tôi luôn đảm nhiệm. Muốn bà con tin tưởng, làm theo thì Đảng viên phải là những người gương mẫu, “đầu tầu”. Hiện tại, gia đình ông Lợi đang trồng thí điểm 3 sào Súp lơ xanh giống của Nhật Bản. Súp lơ đã tới kỳ thu hoạch, hoa nở to, xanh trông rất đẹp mắt, với giá bán dự tính là 7 nghìn đồng/cây tại ruộng (cao hơn giống Súp lơ cũ của Trung Quốc là 2 nghìn đồng/cây). Ngoài những đảng viên Nguyễn Văn Phụng, Nguyễn Văn Lợi thì ở Linh Sơn còn rất nhiều đảng viên làm kinh tế giỏi với các mô hình khác nhau như các đảng viên: Nguyễn Thị Sợi, Nguyễn Văn Hiến, xóm Làng Phan với mô hình trồng xen kẽ ổi với táo; đảng viên Đặng Văn Thuận, xóm Ao Lang với mô hình trang trại nuôi gà; đảng viên Đỗ Hồng, xóm Tân Lập với mô hình nuôi ong, đảng viên Nguyễn Văn Tởi kinh doanh xăng dầu tại xóm Khánh Hoà…

 

Đồng chí Mạc Văn Sinh cho biết thêm: Với diện tích đất tự nhiên là 1.551ha, trong đó hơn 700ha là đất nông nghiệp, trước đây, người dân trong xã chủ yếu cấy lúa hoặc trồng màu độc canh một vụ, sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung nên hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, giải pháp mà Đảng bộ xã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII (2005-2010) và lần thứ VIII (2010-2015) là ban hành nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng vùng sản xuất chuyên canh. Theo đó, xã đã: xây dựng 3 vùng chuyên canh: trồng rau, màu tại xóm Ngọc Lâm; sản xuất vật liệu xây dựng tại xóm Hùng Vương, Bến Đò; trồng củ đậu tại xóm Núi Hột; phấn đấu thu nhập từ các vùng chuyên canh này đạt từ 50 đến 70 triệu đồng/ha (giai đoạn 2007-2010) và thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha (giai đoạn 2011-2015). Để đạt được mục tiêu này, các hộ dân trong vùng chuyên canh đã được xã tạo điều kiện về mặt bằng, vay vốn ngân hàng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống cây, con để phát triển kinh tế. Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, đặc biệt là sự tiên phong của các đảng viên với các mô hình tại cơ sở, việc sản xuất tại các vùng chuyên canh phát triển đồng bộ, cho hiệu quả kinh tế cao: thu nhập 1ha đất nông nghiệp tại Ngọc Lâm hiện đã tăng từ 100 triệu (2010) lên 130 triệu đồng; thu nhập từ củ Đậu tai Núi Hột tăng từ 80 triệu đồng/ha lên 100 triệu đồng/ha (2011).

 

Luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, chấp nhận rủi ro từ các mô hình cây, con mới để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, đội ngũ cán bộ, đảng viên xã Linh Sơn thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.