Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân giai đoạn 2009-2013, trong 3 năm qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã tích cực khảo sát nhu cầu học nghề và đào tạo nghề theo nhu cầu của hội viên nông dân (HVND), bước đầu đã đáp ứng nguyện vọng của người dân về học nghề và mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho nông dân còn nhiều vấn đề bất cập.
Những kết quả bước đầu
Theo ông Nguyễn Minh Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm (TTDN&HTVL) thì 3 năm qua, Trung tâm đã dạy nghề cho gần 1.600 HVND với các ngành nghề chủ yếu là kỹ thuật trồng trọt, chế biến chè an toàn và chăn nuôi thú y. Để tránh việc dạy nghề tràn lan không mang lại hiệu quả nên trước khi tiến hành học nghề, TTDN&HTVL đều phát phiếu thăm dò nhằm khảo sát nhu cầu của HVND để mở lớp đào tạo nghề phù hợp. Trung tâm đã khảo sát nhu cầu học nghề của trên 21.000 HVND ở các xã, thị trấn trên địa bàn. Qua đó nhận thấy, nhu cầu của người dân về các lớp học chăn nuôi thú y và trồng trọt chiếm số lượng lớn và lên kế hoạch các lớp dạy nghề ngắn hạn cho HVND.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Văn Ổn, xóm Kén, xã Nga My (Phú Bình) cho biết: Trong thời gian 3 tháng, chúng tôi nắm được những kiến thức cơ bản để phát triển chăn nuôi, trong đó có cách phòng chống dịch bệnh. Từ đó, chúng tôi có thể áp dụng để mang lại hiệu quả cao hơn tại gia đình mình. Còn sau khi tham dự lớp học nghề sản xuất nấm do HND tỉnh phối hợp với Trung tâm ứng dụng và chuyển giao Khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuối năm 2011, anh Trần Anh Cường, tổ dân phố 16, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) chia sẻ: Học xong, chúng tôi biết được nhiều kiến thức về sản xuất nấm, tuân thủ quy định nghiêm ngặt về ánh sáng, độ ẩm, nhất là kỹ thuật hấp sấy.Tham gia lớp học còn có 20 HVND khác. Sau lớp học, từ 2 hộ sản xuất nấm ban đầu đến nay ở thị trấn đã có 10 hộ mạnh dạn phát triển mô hình này và bước đầu có thu nhập khá. “Trong thời gian tới, có khoảng 50 HVND khác trong thị trấn cũng sẽ đầu tư phát triển sản xuất nấm” - Ông Phạm Đình Thành, Chủ tịch HND thị trấn cho biết như vậy.
Những khó khăn, vướng mắc trong công tác dạy nghề
Thế nhưng, công tác dạy nghề cho nông dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên phải nói đến vấn đề nhận thức của người nông dân. Với các lớp học cho đối tượng chính sách, hộ nghèo thì các học viên tham gia ngoài được phát tài liệu học tập còn được hỗ trợ tiền ăn trưa, nước uống (từ 20-30 nghìn đồng/người/ngày). Còn các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn thì nguồn kinh phí này không có. Vì vậy, mặc dù đã tích cực tuyên truyền phổ biến các chính sách về dạy nghề nhưng do nhận thức hạn chế, nhiều HVND có nhu cầu học đã không tham gia lớp học.
Họ chưa nghĩ đến vấn đề sâu xa khi học nghề mình sẽ có nhiều kiến thức, kỹ thuật khoa học để ứng dụng trực tiếp vào phát triển kinh tế gia đình mang lại hiệu quả mà lại so sánh với các đối tượng học nghề là hộ gia đình chính sách vừa có nghề lại vừa được cấp kinh phí hỗ trợ. Thứ hai, với số lượng HVND toàn tỉnh hiện nay là 146.173 thì con số trên 21.000 nông dân được nhận phiếu khảo sát về nhu cầu học nghề (chiếm trên 14%) vẫn là quá ít. Có lẽ vì vậy mà HND tỉnh vẫn chưa khảo sát hết nhu cầu học nghề của hội viên, nhất là những nông dân vùng sâu, xa. Do đó, thực tế cho thấy số lượng học viên thành công sau khi học nghề là chưa nhiều.
Bên cạnh đó, một số nghề phụ hiện đang rất phát triển trong xu thế hiện đại thì người nông dân lại chưa được đào tạo. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch HND xã Đồng Liên (Phú Bình) cho biết: Những năm gần đây có một số lượng khá đông phụ nữ ở xã, huyện chúng tôi ra thành phố làm nghề giúp việc. Phần lớn họ đang hành nghề tự phát, làm theo kinh nghiệm của bản thân. Vì vậy, họ gặp nhiều khó khăn do thiếu kỹ năng trong giao tiếp, làm việc để hòa hợp với cuộc sống sinh hoạt nơi thành phố. Nếu HND đứng ra tổ chức “dạy nghề” cho họ, tôi nghĩ sẽ được nhiều nông dân đồng tình và theo học.
Về vấn đề này, bà N.T.N, xã Thanh Ninh (Phú Bình) tâm sự: Năm nay tôi ngoài 40 tuổi. Thu nhập từ mấy sào lúa và trồng màu không đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 cháu đang học đại học và cao đẳng nên tôi đã đi làm nghề giúp việc ở Hà Nội được hơn một năm. Nhiều phụ nữ trong độ tuổi trung tuần ở quê tôi cũng đang làm công việc này với mức lương từ 2-3 triệu đồng/người. Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp biết bao khó khăn khi làm việc, ví dụ như sử dụng các thiết bị sinh hoạt hiện đại, cách chăm sóc trẻ khoa học và cả ứng xử với chủ nhà. Tôi được biết, các lao động trong nước đang giúp việc ở nước ngoài được dạy nghề trước khi xuất khẩu nên họ hòa nhập dễ dàng với môi trường lao động mới. Nếu HND đứng ra đào tạo nghề sơ cấp về kỹ năng cho lao động giúp việc như chúng tôi thì tốt biết mấy.
Còn ông Hoàng Văn Ngân, xóm Trung Lâm, xã Tiên Phong (Phổ Yên) thì băn khoăn: Một số lượng lớn thanh niên trẻ ở quê tôi và xã trong tỉnh hiện đang học nghề mộc ở Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh. Trong khi đó, các cơ sở, làng nghề sản xuất đồ mộc ở địa phương khá phát triển. Nhưng nhiều chủ xưởng lại phải tuyển dụng lao động ở các địa phương khác. Nếu HND tỉnh liên kết với các chủ sản xuất nghề mộc lớn dạy nghề cho thanh niên, tôi nghĩ số lượng học viên đăng ký tham gia sẽ không phải là ít.
Trao đổi với chúng tôi về việc phối hợp dạy nghề mộc cho nông dân, ông Lương Xuân Việt, chủ xưởng mộc ở xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành (Phổ Yên) cho biết: Hiện, xưởng chúng tôi có thu nhập trên 250 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 7 lao động. Nếu HND cần liên kết để dạy nghề cho thanh niên ở địa phương, chúng tôi sẵn sàng phối hợp. Trong quá trình học, nếu các lao động có tay nghề có nhu cầu làm việc, chúng tôi sẽ nhận vào làm tại xưởng của mình.
Đem những vấn đề bất cập trên trong công tác dạy nghề trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch HND tỉnh chúng tôi được biết: HND tỉnh đã nhận thấy được những tồn tại sau 3 năm thực hiện Đề án dạy nghề cho nông dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu kinh phí vì hàng năm, HND tỉnh được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giao kinh phí và kế hoạch đào tạo các nghề cho số lượng HVND cụ thể (trước đây, nguồn kinh phí này UBND tỉnh cấp trực tiếp cho HND).
Trong thời gian tới, để công tác dạy nghề đáp ứng sát hơn nữa thực tế nhu cầu của nông dân, rất mong tỉnh giao cho HND chủ động trong công tác đào tạo nghề. HND sẽ tích cực khảo sát nhu cầu của người học. Đồng thời, mạnh dạn đưa vào dạy một số nghề mới theo nhu cầu của người dân bên cạnh các nghề truyền thống. Để việc dạy nghề hiệu quả, ngoài việc định hướng, HND cũng liên kết với một số cơ sở, doanh nghiệp để tạo việc làm cho người dân với các nghề phi nông nghiệp có thu nhập ổn định sau học nghề, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Muốn làm được điều này, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cũng như các doanh nghiệp có tâm huyết với việc dạy nghề cho nông dân…