Quy hoạch (QH) xây dựng khu dân cư nông thôn (XDKDCNT) là một trong ba nội dung thuộc tiêu chí đầu tiên trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (NTM), liên quan trực tiếp tới đời sống, nếp sinh hoạt của người dân nông thôn. Qua tìm hiểu thực tế tại huyện Phú Bình, chúng tôi nhận thấy công tác QH xây dựng NTM nói chung, đặc biệt là QH XDKDCNT đang có nhiều vấn đề cần giải quyết…
Phát triển tự phát, thiếu QH
Khi viết bài này, chúng tôi đã khảo sát một số khu dân cư thuộc các xã của huyện Phú Bình, trong đó có xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương. Xóm hiện có 317 hộ dân, 1.259 khẩu cùng sinh sống trên địa bàn khá rộng 32,3 ha. Ngoài 228 hộ sản xuất nông nghiệp, xóm còn có 89 hộ phi nông nghiệp, trong đó hàng chục hộ chuyên sản xuất gạch, ngói với 24 lò nung. Tuy nhiên, những hộ này chưa có nơi sản xuất tập trung, tự lựa chọn và xây dựng lò ở vị trí thuận lợi trên phần đất của gia đình, nằm xen giữa khu dân cư, gây ảnh hướng tới môi trường. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng thiết yếu của xóm như giao thông, công trình thoát nước, điện thắp sáng… chưa hình thành đồng bộ. Bên cạnh đó, còn có nhiều khu mộ khác nhau nằm lẫn với nhà dân, mỗi khu chỉ có một vài ngôi mộ, thường được xây kiên cố.
Trao đổi về những vấn đề trên, ông Nguyễn Tấn Vượng, trưởng xóm cho biết, cuộc sống, nếp sinh hoạt như trên của người dân đã hình thành từ lâu, chưa có tính toán, QH nào điều chỉnh thực trạng này. Riêng việc an táng người quá cố, ông Vượng chia sẻ, xóm cũng có nghĩa trang Đồng Băng rộng trên 3.000 m2. Tuy nhiên, sau khi “sang cát”, nhiều hộ đã tự chuyển hài cốt về gần nhà để chôn cất. Còn lại, một số hộ khác do có diện tích đất rộng nên an táng người quá cố ngay tại vườn nhà.
Không riêng ở xóm Kiều Chính, tình trạng phát triển tự phát, thiếu QH nêu trên còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều xóm, xã khác trên địa bàn. Ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cũng có chung nhận định này. Ông Trường cho biết: Toàn huyện hiện có gần 296 xóm thuộc 20 xã. Đại bộ phận các xóm còn rất thuần nông, chưa bị tác động nhiều bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tuy nhiên, các công trình xây dựng, sản xuất, hệ thống hạ tầng ở các xóm này đều phát triển một cách tự phát, tùy tiện, chưa có nghiên cứu, tính toán cụ thể. Trên thực tế, năm 1996, huyện cũng đã có chủ trương xây dựng QH các trung tâm xã gồm các khu hạ tầng thiết yếu và dân cư xen kẽ, bình quân 15 ha/xã. Các xã cũng đã xây dựng QH này. Thế nhưng, mới chỉ có 6/20 xã có QH khu trung tâm xã được phê duyệt, trong đó xã Thanh Ninh được phê duyệt năm 2010; các xã: Hà Châu, Nga My, Úc Kỳ, Tân Khánh, Tân Thành được phê duyệt năm 2011. Nói về lý do QH trung tâm các xã chậm hoặc chưa được phê duyệt, ông Trường cho rằng, nguyên nhân là do QH khu trung tâm xã còn yếu, chưa tính toán được các yếu tố phát triển kinh tế, chưa phù hợp với QH vùng của tỉnh, huyện. Ngoài trung tâm xã, lâu nay các xóm đều tự phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, gây tốn kém không ít tiền của, thời gian thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng mỗi khi muốn trưng dụng đất để xây dựng hạ tầng.
Chủ thể phải tham gia xây dựng QH
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Phú Bình, hiện nay, hầu hết các chủ đầu tư (UBND xã) mới hoàn thành việc lập nhiệm vụ QH, đã được UBND huyện phê duyệt, chậm hơn so với tiến độ đề ra là hoàn thành tất cả công tác QH trong năm 2011. Có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ. Đầu tiên phải nói đến đó là do Thông tư liên tịch số 13 về Quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt QH xây dựng xã NTM được ban hành ngày 28-10-2011, có hiệu lực vào ngày 15-12-2011 vừa qua, thay cho hướng dẫn riêng của các bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường ban hành trước đây. Trong khi đó, trình độ đội ngũ cán bộ ở các xã còn nhiều yếu kém; năng lực của đơn vị tư vấn cũng còn hạn chế, lúng túng khi lập QH tổng thể “3 trong 1” (QH: sử dụng đất, sản xuất và xây dựng trong một QH xây dựng NTM).
Đây cũng là ý kiến của ông Đồng Huy Sơn, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Phú Bình. Ông Sơn cho biết thêm: Huyện đã đặt ra mục tiêu đến hết tháng 3-2012, các xã sẽ hoàn thành xây dựng QH không gian tổng thể toàn xã, được UBND huyện phê duyệt. Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết thời hạn nêu trên, thế nhưng công tác QH đang gặp vướng mắc do một số dự án của tỉnh, huyện như: Dự án Tổ hợp Khu Đô thị, Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Bình (liên quan tới 6 xã bên sông Cầu); Dự án Khu du lịch Hồ Kim Đĩnh (xã Tân Kim). Không những thế, theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Phú thì đơn vị tư vấn đang cho rằng kinh phí lập QH tổng thể trên 100 triệu đồng/xã chưa phù hợp, nên chưa tích cực phối hợp với xã. Xã thường phải gọi điện đôn đốc để đảm bảo tiến độ. Ông Hùng cũng bày tỏ lo lắng, trong khi địa phương còn hạn chế năng lực QH, để đảm bảo tiến độ, chuyện đơn vị tư vấn “dập khuôn” QH từ các địa phương khác rất dễ xảy ra.
Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi tại các địa phương thực hiện tương đối nhanh công tác QH, có rất ít xã thực hiện lấy ý kiến trực tiếp của người dân một cách sâu rộng - chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới. Việc này mới chỉ dừng lại ở lấy ý kiến qua đại diện các xóm, ban, ngành, đoàn thể trước khi trình HĐND xã thông qua. Tuy nhiên, QH tổng thể, đặc biệt là QH KDCNT lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất hằng ngày của người dân. Trong đó, QH KDCNT bao gồm: QH xóm, khu dân cư mới; QH khu trung tâm xã; QH mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước, cấp nước, cấp điện, vệ sinh môi trường, nghĩa trang...). Do đó, rất cần có sự tính toán, sắp xếp không gian và các công trình xây dựng trong tương lai để QH NTM trở thành một tổng thể thống nhất.
Muốn vậy, việc lập một QH NTM tổng thể thôi chưa đủ, đó chỉ là “điều kiện cần”. Bên cạnh đó, công tác xây dựng QH, nhất là xây dựng QH XDKDCNT còn phải có sự tham gia của người dân; phải để người dân biết và tự quyết định những công việc liên quan tới đời sống sinh hoạt, sản xuất hằng ngày của mình. Và chỉ khi đó, chúng ta mới có được một QH có tính khả thi cao, tránh tình trạng ồ ạt, dập khuôn, hạn chế sự xáo trộn, tốn kém khi thực hiện QH, hoặc gây ảo tưởng trong dân, vừa giúp đảm bảo các yếu tố văn hóa, truyền thống trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Để làm được điều này, phải có sự thay đổi nhận thức không chỉ của đội ngũ cán bộ xã, xóm mà còn cả của người dân. Như vậy mới dần khắc phục tập quán sinh hoạt tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ở nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nông dân, đưa họ trở thành người chủ thực sự của NTM.