Dự án chậm không chỉ liên quan đến thanh, quyết toán vốn chậm mà làm ảnh hưởng đến nhiều mặt: tăng tổng mức đầu tư; ảnh hưởng đến chủ đầu tư và thiệt hại cho nhà thầu; ảnh hưởng đến công tác thanh, quyết toán vốn đầu tư, công trình không sớm phát huy hiệu quả và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
"Bài ca" muôn thủa
Qua tìm hiểu một số dự án phải chuyển nguồn vốn từ năm 2011 sang năm 2012 cho thấy, nguyên nhân các chủ đầu tư thanh toán vốn chậm hầu hết đều do khâu thông báo và điều chỉnh kế hoạch vốn chậm (thường vào cuối năm); nhất là nguồn vốn Trung ương nên các chủ đầu tư không “xoay kịp”; khi có vốn lại liên quan đến qui trình thủ tục xây dựng cơ bản mất vài tháng, nhất là khâu phê duyệt đền bù; hoặc có vốn nhưng không tiêu được vì không GPMB được, nên có công trình đã tạm ứng vốn phải “treo hàng năm trời” không thanh toán được; hoặc thiếu vốn không chi trả kịp thời hay không đủ để chi trả cũng không thực hiện GPMB được, dẫn đến không giải ngân kịp trong năm phải chuyển sang năm sau thanh, quyết toán.
Ngoài ra, còn rất nhiều lý do như năm 2011 có dự án phải hoãn, giãn tiến độ do thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nên vốn đã ứng, chưa triển khai được trong năm, đến cuối năm có thông báo thực hiện tiếp , mới triển khai dự án cũng dẫn đến thanh toán muộn; hoặc do chủ đầu tư phải làm đi làm lại hồ sơ nhiều lần...
Qua thông tin từ Kho bạc nhà nước tỉnh cho thấy, năm 2011, có gần 20 tỷ đồng đã giao kế hoạch vốn nhưng các chủ đầu tư chưa thực hiện được với những lý do trên nên phải chuyển nguồn sang năm 2012, ví dụ như: Dự án tổng thể di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc đã tạm ứng khoảng 8 tỷ đồng; Dự án Trường Trung cấp dạy nghề nam Thái Nguyên kế hoạch vốn 20 tỷ đồng, chi đền bù 10 tỷ đồng, chi xây lắp khoảng 10 tỷ đồng, hiện nay cũng chưa chi trả hết cho dân; Dự án chợ nông sản ở xã Xuân Phương (Phú Bình) được ghi vốn từ nguồn cấp quyền sử dụng đất của tỉnh từ đấu năm 2011, nhưng cuối năm mới có quyết định phê duyệt dự toán đền bù, mới chi trả được 1,8 tỷ đồng đền bù, còn 700 triệu đồng chưa chi được đang đề nghị chuyển nguồn…
Đối với các dự án đã giải ngân nhưng chưa thanh, quyết toán vốn tạm ứng (tổng dư tạm ứng toàn tỉnh là 164 tỷ 455 triệu đồng) phải kể đến: Dự án hồ Khuôn Lân xã Hợp Thành (Phú Lương) tổng vốn đầu tư 21 tỷ 569 triệu đồng, trong đó riêng vốn GPMB 7 tỷ đồng, mới thanh toán được 497 triệu đồng; tạm ứng 6 tỷ 503 triệu đồng chưa thanh toán; Dự án Bãi rác thải Phú Lương, kế hoạch ghi vốn 5 tỷ đồng, mới thanh toán 327 triệu đồng, dư tạm ứng 4 tỷ 673 triệu đồng…
Nỗi niềm của chủ đầu tư và nhà thầu
Trao đổi với một số chủ dự án, chúng tôi thấy, các dự án phải kéo dài, không thanh, quyết toán được vốn cũng đang là vấn đề làm các chủ đầu tư và nhà thầu trăn trở.
Ông Đào Ngọc Tĩnh, Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên cho biết: Dự án Thoát nước và xử lý nước thải TPTN được chính thức triển khai thực hiện từ năm 2007.
Đây là Dự án được sử dụng từ nguồn vốn ODA của Pháp và nguồn vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư khoảng 579 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn đối ứng trong nước là 238 tỷ đồng, bao gồm ngân sách (NS) tỉnh bố trí nguồn để thực hiện công tác GPMB; nguồn NS Trung ương bố trí sử dụng cho công tác xây lắp và lắp đặt thiết bị; san lấp GPMB, xây hàng rào của khu tái định cư và Trạm xử lý nước thải. Dự kiến, Dự án đưa vào hoạt động năm 2014.
So với các Dự án khác, công tác GPMB không khó khăn, Dự án chỉ thiếu vốn chi trả đền bù để GPMB nên công trình bị chậm trễ, kéo dài. Từ năm 2007 đến nay, ngân sách tỉnh mới bố trí được 54 tỷ đồng GPMB tại Trạm xử lý nước thải (10ha); xây dựng khu tái định cư 3 ha; hồ điều hòa suối Cống Ngựa 4 ha.
Hiện tại, Dự án còn thiếu trên 46 tỷ đồng để GPMB tại khu tái định cư phường Quang Trung; các trạm bơm chuyển bậc Dự án suối Cống Ngựa giai đoạn 3. Trong khi đó, năm 2012, Dự án mới được thông báo ghi vốn 90 tỷ đồng, trong đó, chỉ có 20 tỷ đồng tiền xây lắp; chưa có đồng nào bố trí cho GPMB. Nguồn vốn NS Trung ương bố trí năm 2011 trên 25 tỷ đồng, BQL Dự án đã giải ngân xong từ tháng 12-2011. Hiện BQL đang tổng hợp khối lượng để báo cáo thanh toán.
Qua đây, ông Đào Ngọc Tĩnh đề nghị: Với một Dự án lớn như vậy mà cấp vốn nhỏ giọt sẽ rất khó cho chủ đầu tư. Thứ nhất sẽ phải kéo dài tiến độ Dự án, vì nếu thiếu nguồn vốn nhiều sẽ không thể hoàn thành khối lượng công việc; thứ hai là ảnh hưởng đến nhà thầu: do chủ đầu tư đôn đốc về mặt tiến độ, nhà thầu đã phải ứng vốn trước để hoàn thành khối lượng.
Riêng năm 2011, các nhà thầu đã thực hiện san lấp mặt bằng và xây dựng nhà điều hành của Trạm xử lý nước thải với khối lượng khoảng 7 tỷ đồng, nhưng nhà thầu mới chỉ được thanh toán 3 tỷ đồng, còn nợ 4 tỷ đồng; riêng hàng rào của Trạm đã xây dựng xong cũng mới thanh toán được 1,5 tỷ đồng, còn nợ 3 tỷ đồng. Trong khi các nhà thầu chủ yếu đi vay vốn ngân hàng để hoạt động. Nếu kéo dài thời gian trả nợ thì chỉ cần nợ 4 tỷ đồng, mỗi tháng cũng phải mất đi khoản lãi khoảng 60 triệu đồng. Đây là sự thiệt thòi lớn cho nhà thầu.
Bà Hà Thị Hiền, Giám đốc BQL các dự án đầu tư và xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Công trình hồ Khuôn Lân ở Phú Lương do Sở làm chủ đầu tư. Riêng thời gian GPMB kéo dài 10 tháng (từ tháng 2 đến tháng 12-2011) chỉ làm công tác vận động hiến đất, kiểm đếm. Trong khi đó, vốn cho GPMB năm 2011 được duyệt là 7,5 tỷ đồng, đầu tháng 8-2011 mới được ứng 6,5 tỷ đồng, nên Sở mới chi trả được 60% số tiền đền bù.
Do chưa thanh toán hết tiền nên một số hộ trong lòng hồ vẫn chưa chịu di dời. Vì vậy, dẫn đến nhà thầu thi công chậm, hiện tại mới triển khai khoảng 30% khối lượng công việc nên chưa thể hoàn tạm ứng được. Năm 2012, công trình tiếp tục được bố trí để GPMB trên 6 tỷ, như vậy, còn thiếu gần 10 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc cấp kinh phí chậm, giá đền bù 40% còn lại của năm 2011 chuyển sang phải tính theo giá mới, sẽ không dừng lại ở mức 7,5 tỷ đồng nữa. Mặc dù Sở đã thường xuyên đôn đốc, động viên đơn vị thi công hoàn thiện sớm và trả nợ sau, nhưng nếu không đáp ứng kịp thời nguồn vốn để GPMB thì sẽ gây thiệt thòi cho đơn vị và công trình sẽ phải kéo dài.
Tổng dư tạm ứng chuyển nguồn thuộc ngân sách tỉnh từ năm 2011 chuyển sang năm 2012 là 164 tỷ 455 triệu đồng. Trong đó:
+ Có 28 công trình, dự án dư tạm ứng nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung đến 31-1-2012 là 68 tỷ 572 triệu đồng.
+ Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ 72 tỷ 687 triệu đồng (chủ yếu đầu tư cho các công trình xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Sông Công; các công trình văn hóa; trung tâm lao động- xã hội; chương trình phát triển rừng, phòng chống sụt lở đê, kè)…
+ Nguồn vốn vay 5 tỷ 684 triệu đồng
+ Nguồn vốn cấp quyền sử dụng đất: 17 tỷ 511 triệu đồng với 8 công trình. |
Đối với Dự án di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc, giám đốc Nguyễn Văn Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cũng tâm sự: Đây là dự án tổng thể được phân bổ nguồn vốn theo từng năm, năm 2011 đã được ghi kế hoạch vốn và đã tạm ứng 8,8 tỷ đồng nhưng phải chuyển nguồn do thực hiện Nghị quyết 11 về giãn, hoãn tiến độ một số công trình; sau khi Chính phủ xem xét lại, Dự án tiếp tục được triển khai từ cuối năm 2011 và dự kiến kết thúc vào năm 2015.
Nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ Dự án bằng nguồn NS Trung ương 237 tỷ 144 triệu đồng (thực hiện các hạng mục của Dự án) và nguồn NS địa phương 34 tỷ 197 triệu đồng (chủ yếu GPMB). Tuy nhiên, năm 2010, NS tỉnh mới cấp được 7,5 tỷ đồng để GPMB; năm 2012 mới được thông báo từ nguồn NS Trung ương 33 tỷ đồng, NS tỉnh chưa có thông báo. Trong khi đó, mỗi năm NS Trung ương mới đáp ứng trên 30 tỷ đồng, nhu cầu phải cần tới 50 tỷ đồng mới thực hiện đúng tiến độ.
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ thanh, quyết toán vốn
Như vậy, việc thanh, quyết toán vốn chậm theo niên độ chủ yếu vẫn là do vướng mắc ở triển khai kế hoạch vốn muộn; khó khăn trong GPMB vì thiếu vốn làm dự án kéo dài tiến độ thi công, không có khối lượng thanh toán, hoặc chậm làm hồ sơ thủ tục.
Vì vậy, mong muốn của các chủ dự án là cần giải quyết tốt hai khâu chủ yếu: GPMB và vốn để đẩy nhanh tiến độ dự án và mới thanh, quyết toán vốn sớm. Để giải bài toán này, đòi hỏi phải thực hiện tốt từ khai triển khai kế hoạch vốn; đẩy nhanh các quy trình lập, phê duyệt dự án, đấu thầu, cấp phát vốn…; làm tốt công tác GPMB và đáp ứng kịp thời nguồn vốn, nhất là vốn cho công tác GPMB.
Đối với những dự án lớn, kéo dài nhiều năm, rất mong tỉnh quan tâm bố trí đủ vốn để thực hiện tốt công tác GPMB; nguồn vốn bố trí cho GPMB đã ít, các chủ đầu tư nên ưu tiên tập trung vốn cho công tác này. Các chủ đầu tư, BQL dự án cũng cần đẩy nhanh tiến độ GPMB, thi công, hoàn thiện hồ sơ thủ tục khối lượng đã hoàn thành để thanh, quyết toán dứt điểm các hạng mục công trình với cơ quan chức năng.