Từ 15 hộ người Mông ở Cao Bằng di cư về những năm 1979 của thế kỷ trước, đến nay bản Lân Quan đã có 73 hộ dân với 396 nhân khẩu. Trước nguy cơ những nét đặc sắc văn hóa của người Mông đang ngày bị mai một, những cán bộ tâm huyết của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Hỷ và các nghệ nhân của bản đã có những việc làm thiết thực góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Thèm được nghe tiếng khèn Mông trên bản…
Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi cùng đoàn công tác của Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Đồng Hỷ lên Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) để thống nhất kế hoạch, chương trình cho việc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 4 tới. Theo đó, lễ hội có trình diễn trang phục dân tộc Mông, thi múa khèn, hát ru, thổi khèn môi. Bên cạnh đó là các trò chơi: lao còn, đánh cù, kéo co, đẩy gậy, chọi chim họa mi và thi đồ mèn mén.
Ông Lục Văn Long, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết: “Phòng sẽ cử cán bộ lên hướng dẫn và cùng tập luyện chương trình với bà con. Hy vọng, sau khi thành công ở Lân Quan, từ những năm sau chúng tôi sẽ tổ chức toàn huyện để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông”. Sinh năm 1959, là người con dân tộc Sán Dìu của quê hương Minh Lập (Đồng Hỷ), ông Lục Văn Long đã có nhiều năm gắn bó với công tác văn hóa (từ năm 1982 đến nay).
Tâm huyết với phong trào văn hóa, đặc biệt là quan tâm tới vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc đang ngày bị mai một, ông Long đã luôn trăn trở làm sao tuyên truyền để bà con dân tộc hiểu và có ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc mình. Sau khi khảo sát tại một số xóm, bản của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, từ năm 2007 đến nay, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã rút kinh nghiệm tổ chức thành công Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Dìu và dân tộc Nùng tại xã Nam Hòa và Văn Hán.
Ông Long chia sẻ: “Năm 1993, trong Hội thi tiếng hát Sơn ca của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Thái, tôi là người đưa đoàn của huyện đi thi, trong đó có anh Sùng Văn Sinh, Hoàng Văn Vàng và Đào Văn Sùng ở bản Lân Quan đều đoạt được giải cao với tiết mục thổi và múa khèn Mông. Từ đó đến nay, đã nhiều lần lên bản nhưng tôi chưa được nghe lại giai điệu ấy”. Mong muốn khôi phục lại những nét đẹp văn hóa của người Mông, ông đã lên kế hoạch và nhiều lần ngược núi lên bản, cùng bàn bạc với Bí thư Chi bộ là ông Dương Văn Lầu cùng các nghệ nhân trong bản để thống nhất kế hoạch chuẩn bị cho Ngày hội sắp tới diễn ra tại bản.
Cùng “truyền lửa”
Ông Dương Văn Lầu được bầu làm Bí thư Chi bộ từ đầu năm 2012, (ông có thâm niên 16 năm làm trưởng xóm, từ 1995-2011) cho biết: Không chỉ có tiếng khèn (cả bản hiện chỉ có 6 người biết thổi và múa khèn), mà hát ru dân ca Mông đến nay ở Lân Quan cũng chỉ có bà Lý Thị Sính, Phùng Thị Đậu, Phùng Văn Rình biết hát. Là người con của bản, tôi cũng rất buồn trước thực trạng một số nét văn hóa của dân tộc mình đang ngày bị mai một. Vì thế người trong bản rất vui và đón chờ Ngày hội được tổ chức. Chúng tôi đã triệu tập các nghệ nhân trong bản họp bàn và có phân công cụ thể việc hướng dẫn người dân tập khèn, hát ru, thổi đàn môi (khèn lá). Còn các trò chơi như lao còn, đánh cù và chọi chim họa mi thì hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, bản vẫn tổ chức nên việc chuẩn bị cho Ngày hội thuận lợi hơn. Các nghệ nhân đều rất tích cực, say sưa với công việc này.
Ông Sùng Văn Sinh, sinh năm 1966 nói: Từ nhỏ tôi đã được cụ thân sinh (ông Sùng Văn Tu) dạy thổi và múa khèn. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, một nhóm nam nữ người Mông trong bản hay đi hội, chợ đều mang khèn. Đến trưa, sau khi ăn uống no say, tất cả tập trung ở một góc chợ hay một khoảng đất ruộng gần đó để múa khèn, vui lắm. Bây giờ cả bản không ai có chiếc khèn nào. Đã gần 20 năm nay, tôi chưa được cầm đến chiếc khèn và múa những làn điệu dìu dặt nữa. Vì cuộc sống khó khăn nên bà con đa số lên rừng làm nương, rẫy từ sáng sớm đến tối khuya mới về, không có thời gian để thổi khèn nữa. Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ lấy bản sắc dân tộc mình. Chuẩn bị cho cuộc thi, tôi, anh Vàng, anh Sùng, và Phùng Văn Rình, Hoàng Văn Vừ, Lý Văn Dùng cùng Chi đoàn thanh niên đang dạy thổi và múa khèn cho thanh niên…
Còn ông Trần Hồ, nghệ nhân thổi đàn môi nói rất say sưa: Lên nương rẫy hay đi chơi đâu đó, lấy bất cứ một chiếc lá là có thể đưa lên môi thổi những giai điệu ngọt ngào. Để thanh niên ở bản không quên nét đẹp văn hóa này, những năm qua chúng tôi đều có ý thức truyền dạy cho họ. Hiện cả bản có khoảng 30 người biết thổi khèn lá (trong đó có 10 thanh niên). Cuộc sống văn minh hiện nay dù có thêm chiếc điện thoại di động nhưng trai gái trong bản khi hẹn hò nhau vẫn dùng đàn môi đứng trước cổng thổi làm dấu hiệu. Nói rồi, ông bước ra vườn, bứt một chiếc lá và đưa lên môi thổi giai điệu bài hát “Người Mông ơn Đảng”. Buông chiếc đàn môi, ông Hồ cất cao lời hát bằng tiếng Mông, dịch là: (Bao đời nay sống nghèo lam lũ, cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi. Nhớ ơn Đảng đưa tới, ta từ nay ấm no, không bỏ rẫy đốt nhà, mà lang thang nghèo suốt đời…
Ngừng lời, ông nói: Lời bát hát bằng chữ Mông chúng tôi được anh Lầu Văn Chinh chép cho. Anh Chinh là người dân tộc Mông, quê ở Hà Quảng (Cao Bằng). Hiện anh là Trung tá, Phó trưởng Phòng An ninh xã hội (PA88), Công an tỉnh. Anh ấy cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với người Mông nên được bà con tin yêu. Trong những chuyến lên bản Lân Quan, thấy bà con người hay hát bài “Bài ca trên núi” (Zai nkauj nruab zoov) và “Người Mông ơn Đảng” (Hmoob nco Dang tshav ntuj) bằng tiếng Mông nhưng chưa chuẩn xác, anh đã chép lời bài hát đưa cho bà con.
Dự cảm tốt lành
Chiều về, trên đường từ bản Lân Quan xuống núi, chúng tôi bắt gặp những vệt sơn đỏ đánh dấu trải đều khắp nơi ở các mỏm đá gập gồ. Ông Lăng Khánh Lân, cán bộ văn hóa xã thấy vậy cười giải thích: Năm 2012, huyện đã ký quyết định đầu tư 3 tỷ đồng để mở con đường rộng khoảng 3,5m lên bản Lân Quan. Hiện, đơn vị nhận thầu đã tiến hành đo đạc, dự kiến sẽ khởi công công trình vào cuối năm nay.
Bỗng dưng tôi tưởng tượng ra khi tuyến đường rộng mở, không chỉ từng con lợn béo, từng bao ngô của bà con người Mông bản Lân Quan sẽ dễ dàng được vận chuyển xuống dưới xuôi và bán được giá cao hơn mà chắc chắn, bà con người Mông sẽ có điều kiện thuận lợi để giới thiệu và giao lưu văn hóa dân tộc mình với nhân dân khắp các vùng miền… Và với tất cả sự say sưa, tâm huyết của những cán bộ văn hóa, những nghệ nhân của bản Lân Quan ước mong bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông, tin rằng Ngày hội Văn hóa dân tộc được tổ chức thời gian tới sẽ thành công, thực sự mang đến cho cuộc sống của bà con nơi đây một luồng sinh khí mới.