Trên địa bàn T.X Sông Công có nhiều đoàn viên thanh niên ở đã đi đầu trong tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương.
Trên địa bàn T.X Sông Công có nhiều đoàn viên thanh niên ở đã đi đầu trong tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương. Họ đã xây dựng nên các mô hình kinh tế mới, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, cải tiến đất trồng, chọn ngành nghề đáp ứng với nhu cầu thị trường, từ tay trắng quyết tâm vươn lên làm giàu cho mình và giúp cộng đồng phát triển.
Ở xóm Bá Vân 1, xã Bình Sơn, đoàn viên Đỗ Hồng Binh đã từng khiến hàng xóm ái ngại khi quyết tâm cải tạo Bãi Soi bỏ hoang để trồng rừng. Nhưng nhìn cơ ngơi hiện nay của anh Binh, nhiều người đã nhận ra hướng đi và quyết tâm của anh là có cơ sở để trở thành hiện thực.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, anh Binh chỉ học hết cấp 3 rồi đi làm thuê. Năm 2005, anh lấy vợ, không đi làm thuê ở các nơi nữa mà ở nhà trồng lúa trồng chè trên số ruộng đất ít ỏi của gia đình. Chăm chỉ với ruộng đồng tới vài năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh suy nghĩ trăn trở tìm cách phát triển kinh tế. Rồi anh để ý đến Bãi Soi cạnh con sông Công đang bỏ hoang của xã. Bãi Soi này sở dĩ bỏ hoang vì sau khi Hợp tác xã Bá Vân khai thác cát từ năm 1995 đến 2003 thì đất này rất cằn cỗi, trơ sỏi đá, lồi lõm, nhiều hầm hố, có những cái hố sâu tới hơn 2m. Anh lặng lẽ suy tính, nảy ý định trồng cây lấy gỗ vào vùng đất đó. Bỏ công tìm hiểu, anh thấy cây keo lai phù hợp với vùng đất này, gỗ keo lai được dùng làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất giấy, ván dăm, ván ép và làm hàng mỹ nghệ nên nhu cầu thị trường rất lớn. Anh liền tìm hiểu cách trồng cây. Đến năm 2007, khi vay được hơn 20 triệu của ngân hàng và anh em, hàng xóm, anh Binh mạnh dạn xin thầu hơn 3ha đất bãi Soi bỏ hoang đó để trồng rừng. Ban đầu, hàng xóm đều ái ngại thậm chí can ngăn anh bỏ ý định thuê 3 ha đất cằn cỗi, toàn hầm hố, nhưng anh không nề hà, bắt tay ngay vào cải tạo đất. Anh thuê máy xúc về đổ đất, cào đất ở chỗ cao xuống để lấp bớt các hầm hố, rồi dùng cuốc, xẻng bỏ sức san bằng.
Anh Binh chia sẻ: Ý thức được trồng thâm canh rừng kinh tế phải tìm cách lấy ngắn nuôi dài. Vì thế, tôi quy hoạch được 4 sào đất tốt nhất để trồng chè và cây màu để nuôi gà, lợn. Sau đó lại vay tiền, mua được 2 vạn cây keo giống, tôi bắt đầu cuốc hố trồng cây, lọc bớt đá sỏi, bón phân, cải tạo đất. Lượng cây giống tôi trồng nhiều hơn gấp 2 lần so với hướng dẫn kỹ thuật vì tôi tính sẽ tỉa thưa cây bán lấy củi. Ban đầu khi cây chưa khép tán, vợ chồng tôi trồng xen các loại cây như: gừng, sắn, lạc, rồi chăn thả bò, gà để có thu nhập. Khi rừng cây khép tán tôi tỉa cành, tỉa thưa cây lấy củi và lá cây bán cho người dân. Mưa nắng, sớm hôm không quản ngại, thấm thoắt đã gần 7 năm, rừng cây keo lai của gia đình anh Binh do chăm bón tốt nên đã xanh bạt ngàn, có những cây đạt đường kính 50-60 cm đến kỳ thu hoạch. Theo như giá thị trường thời điểm hiện tại, trung bình 1 ha keo lai đến kỳ khai thác cho khoảng 350 m3 gỗ thương phẩm, giá bán trung bình 650.000 đ/m3. Hơn 3 ha keo này sẽ cho gia đình anh thu được trên 650 triệu đồng. Như vậy, gia đình anh thu được mỗi năm hơn 100 triệu từ 4 sào đất trồng chè và hoa màu, chăn nuôi hàng chục con lợn và trồng rừng. Từ lợi nhuận này, gia đình anh Binh đã xây được nhà khang trang, trả hết nợ ban đầu từ năm 2011. Bằng hướng đi của mình với một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, anh Binh đã minh chứng một điều rằng, dù là ở vùng đất cằn sỏi đá thì vẫn có thể làm giàu được. Anh là tấm gương cho rất nhiều đoàn viên khác học tập và cùng vươn lên làm giàu.
Khác với anh Binh làm giàu từ mạnh dạn trồng rừng, anh Dương Văn Dương 27 tuổi, ở xóm Vinh Quang 3, xã Vinh Sơn lại chọn cách làm giàu từ ngành nghề đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Với người dân trong xã, anh Dương được nể phục không chỉ vì thành tích sản xuất kinh doanh mà hơn hết là tinh thần dám chấp nhận khó khăn để vươn lên bằng con đường kinh doanh.
Bố mất từ sớm, hai mẹ con anh Dương chật vật với mưu sinh hàng ngày khi kinh tế chỉ phụ thuộc vào đồng ruộng. Chỉ theo học hết cấp 2, phải đi làm thuê để kiếm sống, nhưng anh Dương vẫn cố gắng dành thời gian và kinh phí để theo học một lớp nghề hàn. Anh suy nghĩ rằng: Muốn làm ăn chân chính, tạo lập cuộc sống ổn định lâu dài không gì hơn là phải có một nghề. Khi có nghề Hàn trong tay rồi, anh đi làm thuê ở một số cơ sở tại Quảng Ninh và Hà Nội nhưng thu nhập cũng chỉ đủ nuôi thân. Cuối năm 2007, anh Dương lấy vợ, đối mặt với cuộc sống ngày càng khó khăn. Anh nghĩ rằng đời sống gia đình sẽ không thể khá lên nếu lao động chính như anh vẫn mãi đi làm thuê. Thế rồi, năm 2009, anh quyết định chuyển hướng sang mở xưởng cơ khí phục vụ làm cửa xếp, mái tôn, lưỡi cày, cầu thang, ban công, khung nhôm cửa kính…, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân ngay tại quê nhà.
Làm ăn phải có vốn nhưng bản thân và gia đình không đủ, anh vay mượn mới gom được 30 triệu đồng để khởi nghiệp. Năm đầu tiên, xưởng cơ khí của Dương gặp rất nhiều khó khăn, thiếu vốn, thiếu máy móc, khách hàng cũng chưa tin tưởng vào xưởng cơ khí nhỏ do một người trẻ làm chủ. Anh Dương chia sẻ: Mục đích là mở xưởng để tạo thêm thu nhập cho gia đình nhưng ngày đầu sản xuất khó khăn có những lúc tưởng không đứng vững nổi. Nhà đã khó, cứ nghĩ đến việc gánh thêm món nợ do làm ăn thất bại mà cứ lo lắng". Nhưng rồi, bằng nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, xưởng cơ khí của Dương đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, dần tạo được uy tín với khách hàng. Đến nay, anh Dương đã trả hết nợ ban đầu, xây được nhà khang trang, khu xưởng rộng 300m2 của anh đã có hàng chục máy móc như: máy uốn inox, máy cắt, máy hàn, máy khoan… trị giá hàng trăm triệu đồng. Cơ sở sản xuất của anh tạo việc làm ổn định cho 5 đoàn viên thanh niên khác với thu nhập 3,5 triệu đồng/người/ tháng và đem lại cho gia đình anh lợi nhuận gần 200 triệu đồng mỗi năm. Anh Dương tâm sự: Tuy quy mô của cơ sở sản xuất còn nhỏ, nhưng tôi cảm thấy mình may mắn vì đã chọn đúng hướng đi để thoát nghèo và vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và giúp đỡ cộng đồng.
Ở T.X Sông Công hiện đang còn có gần 30 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đoàn viên thanh niên. Bên cạnh anh Binh, anh Dương còn có các đoàn viên thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi trang trại, như các đoàn viên: Nguyễn Văn Việt, chủ cửa hàng sản xuất, lắp đặt cửa nhôm kính, tổ dân phố Thanh Xuân 1, phường Phố Cò, thu nhập hàng năm gần 150 triệu đồng; Đỗ Việt Anh, chủ doanh nghiệp cơ khí đúc Sông Công, phường Lương Châu; Nguyễn Văn Tuấn, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy, phường Thắng Lợi, thu nhập hàng năm hơn 90 triệu đồng; …
Nói về những đoàn viên này, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Thị đoàn cho biết: Số đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế tại gia đình chỉ chiếm 8% trong hơn 5 nghìn đoàn viên thanh niên của thị xã. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về hoạt động kinh doanh của các đoàn viên thanh niên, nhưng qua khảo sát năm 2011, thì tổng số dư nợ của các đoàn viên thanh niên tại các ngân hàng là trên 4 tỷ đồng. Đây là con số phần nào cho thấy sự mạnh dạn đầu tư của các đoàn viên thanh niên. Thời gian tới, để phong trào phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên này phát triển hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục là cầu nối của đoàn viên với các cơ sở ngân hàng, tiếp tục tổ chức phổ biến khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các mô hình phát triển kinh tế….