Lợi ích từ một chủ trương

13:46, 18/03/2012

Chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh từ năm 2010.

Mục đích của việc huy động này nhằm tạo ý thức cho người nghèo biết dành tiền tiết kiệm (TK) để tạo vốn tự có và làm quen với hoạt động tín dụng, tài chính; bổ sung thêm nguồn vốn cho vay, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Nhận thức được ý nghĩa của món tiền tiết kiệm nhỏ bé này, các Tổ TK&VV trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền vận động đến hội viên để tham gia. Mỗi tháng, thành viên sinh hoạt tại Tổ TK&VV tham gia gửi TK từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn theo quy ước của các tổ viên và phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi người (mức gửi có thể thấp hơn từ 1 nghìn đến vài nghìn đồng). Sau hai năm, toàn tỉnh đã có 3.078 Tổ TK&VV thực hiện huy động vốn được trên 19 tỷ đồng.

 

Đây là nguồn vốn huy động chưa phải là cao, song bước đầu đã nhận được sự tham gia tích cực từ phía những hộ nghèo; giúp cho hộ nghèo hiểu được ý nghĩa từ những đồng tiền tiết kiệm tuy ít ỏi, nhưng phần nào cũng giải quyết được khó khăn tài chính  cho mỗi gia đình khi đến hạn trả nợ gốc, hoặc gặp lúc khó khăn hoạn nạn. Số tiền nhỏ trên còn mang ý nghĩa nhân văn cao cả hơn là phát huy được truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tiền của hộ nghèo lại giúp thêm cho nhiều hộ nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi.

 

Cùng với cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách- Xã hội (NHCSXH) tỉnh đến một vài Tổ TK&VV ở thành phố Thái Nguyên (TPTN), tôi mới thấy hết được sự khó khăn ở cơ sở khi huy động được món tiền trên cũng không phải dễ. Chị Đào Thị Thu, Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Nam Thái, xã Tân Cương, TPTN tâm sự: Tổ của tôi có 21 hộ vay vốn, ban đầu vận động các hộ cũng chưa thông suốt ngay. Có người còn “vặc” lại chị: tôi đã nghèo khó mới phải đi vay vốn ngân hàng để làm ăn. Với người nghèo thì một đồng cũng hiếm, bây giờ lại phải gửi tiền tiết kiệm thì lấy đâu ra.

 

Có người cho rằng, gửi vài nghìn đồng hay vài chục nghìn đồng thì giải quyết vấn đề gì. Thế là trong các cuộc họp, tôi kiên trì vận động chị em và là người đầu tiên đứng ra gửi 100 nghìn đồng làm “mẫu” để chị em tin và nghe theo. Vì thế, chỉ tính từ tháng 4-2011 đến nay, 100% các hộ gia đình trong Tổ TK&VV đã tham gia gửi tiền tiết kiệm, người gửi ít vài chục người, người gửi nhiều nhất có tháng đến 200 nghìn đồng, tổng số tiền đã huy động được 7 triệu 470 nghìn đồng”. Chị Nguyễn Thị Mai Khanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Cương cho biết: Hiện tại xã có 16 Tổ TK&VV. Nhìn chung, hầu hết các hộ gia đình đã sinh hoạt tại Tổ TK&VV đều tham gia gửi tiền TK. Tổ nhiều nhất là xóm Tân Thái huy động được gần 11 triệu đồng; 16 Tổ của xã đã huy động được trên 81 triệu đồng với trên 200 hộ tham gia gửi TK. Tuy nhiên cũng còn một số hộ vẫn chưa nhận thức hết được ý nghĩa của việc gửi tiền TK nên chúng tôi còn phải tiếp tục tuyên truyền nhiều hơn.

 

Còn chị Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng Tổ TK&VV số 3, phường Gia Sàng (TPTN) cho biết thêm nguyện vọng: Tổ TK&VV có 24 hội viên tham gia vay vốn. Nhìn chung, khi tuyên truyền các hộ ở đây nhận thức rất tốt nên đã tham gia tích cực ngay từ đầu và thống nhất mỗi hội viên gửi thấp nhất 50 nghìn đồng/tháng, ai có điều kiện thì gửi cao hơn. Đã có lúc quỹ tăng lên đến 20 triệu đồng, song có người gặp khó khăn hoặc đến kỳ trả nợ đã rút ra, nên đến thời điểm này, Tổ còn số dư huy động tiết kiệm 10 triệu 787 nghìn đồng, trong đó có một số hộ gửi số tiền đã lên đến hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Tổ có đến 75% số hộ gia đình làm nghề nông và đa số là hộ cận nghèo. Số hộ cận nghèo lại không thuộc đối tượng  vay vốn ưu đãi của NHCSXH, trong khi đó gia đình họ chỉ có vài sào lúa, không có vốn để kinh doanh. Nếu vay vốn của Ngân hàng thương mại lãi suất cao, lợi nhuận từ kinh doanh sẽ không đủ trả lãi. Họ cũng rất muốn tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH với lãi suất thấp (0,65%/tháng) và tham gia giử tiền TK theo hình thức sinh hoạt Tổ TK&VV để giảm bớt gánh nặng tài chính khi vay và trả nợ vay như các hộ nghèo.    

 

Với số dư tiết kiệm trên 19 tỷ 184 triệu đồng (tính đến 29-2), NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay đối với các đối tượng là hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn; cho vay xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm với tổng dư nợ bằng chính nguồn tiền gửi tiết kiệm trên là 5 tỷ 661 triệu đồng. Các hộ được vay vốn tập trung ở xã Tân Cương, TPTN 640 triệu đồng; huyện Phú Lương gồm xã: Yên Lạc 505 triệu 823 nghìn đồng; xã Động Đạt  491 triệu 457 triệu đồng; huyện Đại Từ gồm xã: Yên Lãng 261 triệu 895 nghìn đồng, xã Mỹ Yên 181 triệu 570 nghìn đồng.

 

Hôm chúng tôi đến thăm công trình nước sạch của chị Nguyễn Thị Thủy ở xóm Nam Thái, xã Tân Cương, chị vui mừng đưa chúng tôi đi thăm quan công trình nước sạch và công trình vệ sinh của gia đình mới được NHCSXH hỗ trợ cho vay 8 triệu đồng từ nguồn vốn tiền gửi tiết kiệm của các hộ nghèo. Khi tôi hỏi chị về suy nghĩ của mình như thế nào khi tham gia gửi tiền tiết kiệm, chị trả lời mộc mạc và rất thực tế: “Tôi được vay 8 triệu đồng để làm công trình nước sạch (NS) và công trình vệ sinh tự hoại (VSTH) trong 3 năm. Khi vay vốn, tôi được các chị trong Tổ tuyên truyền về gửi tiền TK, tôi thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia gửi tiền. Vì, với điều kiện của gia đình tôi còn nghèo, để kiếm ra một lúc 8 triệu đồng trả ngân hàng sẽ rất khó, mặc dù được vay trong 3 năm mới trả nợ. Tự gia đình mình tiết kiệm cũng sẽ rất khó vì còn bao nhiêu việc cần đến tiền hàng ngày. Nếu mình tham gia gửi mỗi tháng một ít, tùy theo thu nhập của gia đình, tháng nào thu nhập cao hơn thì gửi 200 nghìn đồng, thu nhập ít hơn gửi 20 nghìn đồng; tiền lãi thì trả hàng tháng rồi. Cứ gom góp như vậy, tôi tính đến khi trả nợ gốc, mình rút tiền ra cũng được món tiền khoảng 7,2 triệu đồng, nếu có thiếu cũng chỉ còn 800 nghìn đồng”.

 

Theo anh Nguyễn Mạnh Thiện, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH tỉnh thì: “Số tiền huy động từ tiền gửi TK trên là kết quả đáng khích lệ đối với tỉnh; đã góp phần tăng trưởng tín dụng (tốc độ tăng năm 2011 so với năm 2010 đạt gần 154%), song so với tiềm năng của tỉnh thì chưa tương xứng (tính đến 31-12-2011 mới có 3.078/3.222 Tổ TK&VV có hội viên tham gia). Vì vậy, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể vận động bà con nhân dân tích cực tham gia gửi tiền TK, dù là món tiền nhỏ, nhưng cứ “tích tiểu cũng thành đại” sẽ có thêm nguồn vốn hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo. Và, nếu ai cũng nhận thức được như chị Thủy thì sẽ giảm bớt được gánh nặng tài chính gia đình khi đến hạn trả nợ gốc; xã hội sẽ có thêm nhiều hộ nghèo được hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi đầu tư cho sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và sớm hòa nhập cộng đồng”. Qua đi thực tế, chúng tôi cũng thấy còn rất nhiều hộ nghèo mong muốn được vay với mức vay cao hơn, hoặc nhu cầu được hỗ trợ vốn vay ở một số vùng khó khăn còn rất lớn (ví dụ, hiện tại vốn hỗ trợ cho hộ vay công trình NS và công trình NVSTH mới có 8 triệu đồng/hộ; trong khi để có công trình liên hoàn gồm: giếng nước, công trình NS, công trình VSTH cần đến 20 triệu đồng/hộ; hoặc riêng xóm Nam Thái, xã Tân Cương mới chỉ có 25% số hộ dân có công trình  NS và VSTH).