Nguồn vốn ngân hàng với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

14:21, 10/03/2012

Khi đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo) Phú Lương trên địa bàn, anh Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Nhiều năm qua, NHNo Phú Lương đã đầu tư nguồn vốn rất lớn cho xã. Bình quân mỗi năm dư nợ gần 20 tỷ đồng, đã tạo động lực để các hộ dân có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nhiều ngành nghề phụ, góp phần nâng cao thu nhập của người dân như: thực hiện chuyển đổi được 30 ha/200 ha chè trung du thay thế bằng giống chè cành cho năng suất cao.

Trước đây, các trang trại chăn nuôi chỉ ở mức bình thường (nuôi vài con) nay đã phát triển  mô mình trang trại theo hướng kinh doanh, dịch vụ tập trung, với quy mô lớn. Các hộ chăn nuôi lợn ở mức bình quân từ 20 đến 30 con rất phổ biến; có một số trang trại với quy mô lớn, điển hình như: gia đình chị Hường, chị Quý ở xóm Cổng Đồn, nuôi 150 con lợn nái và 100 đến 200 con lợn thịt; anh Tâm ở xóm Bờ Đậu chăn nuôi tới 7.000 con gà. Trước, cả xã chỉ có vài chục hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nay đã phát triển lên 600 hộ kinh doanh đang tham gia nộp thuế. Trong đó, nhờ được vay vốn lớn nên một số hộ ở Xóm 9 đã mở mới thêm ngành nghề: đóng thùng bệ, sửa chữa ô ô tô; các hộ dân ở xóm Bờ Đậu có điều kiện mở mang nghề  làm bánh chứng, bánh mì truyền thống.

 

Các ngành nghề trên đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công trên địa bàn từ 3 đến 4 tỷ đồng (từ năm 2008 trở về trước), nay đã đạt 18 đến 20 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ sản xuất nông nghiệp đã thực hiện chuyển đổi các giống lúa lai vào sản xuất, hiện lúa lai đã chiếm 20% tổng diện tích trong cơ cấu mùa vụ. Ngoài đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập người dân, nguồn vốn của NHNo đã đầu tư khá lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường, điện, kênh mương. Sự đầu tư trên đã tạo cơ sở thuận lợi để Cổ Lũng đảm bảo nhiều tiêu chí khi đi vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay, xã vẫn còn một số tiêu chí chưa đảm bảo như: đường giao thông nông thôn mới cứng hóa được 4/60km; kênh mương mới đạt trên 20% so với tiêu chí...

 

Để thực hiện được 2 tiêu chí này, nhu cầu vốn của xã cần đến 40 tỷ đồng (mới tính phần kinh phí đóng góp của nhân dân, chưa tính sự hỗ trợ của nhà nước theo dự toán quy hoạch). Vì vậy, chúng tôi rất mong về phía Ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện cho người dân vay vốn bằng phương thức chậm trả như trước đây đã áp dụng cho vay đối với làm đường điện từ năm 2002 (từ năm 1999 đến năm 2002, có trên 300 hộ dân của xã được vay vốn ngân hàng, bình quân mỗi hộ 4 đến 5 triệu đồng và trả dần trong 2 đến 3 năm để kéo đường điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Từ đó nâng tỷ lệ hộ dùng điện trong xã lên 100%).

 

Với nhu cầu vốn trên, mỗi hộ dân phải được vay từ 5 đến 10 triệu đồng, trả nợ trong 1 đến 2 năm mới có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn đối với phát triển trang trại cũng rất lớn. Hiện tại xã có 4 trang trại với quy mô lớn và 8 trang trại quy mô nhỏ, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống thức ăn cần đến 300 triệu đồng/trang trại, nhưng mới chỉ có 4 trang trại được vay từ 100 đến 200 triệu đồng, thời gian vay lại quá ngắn (1 đến 2 năm) đã gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi. Đó là chưa kể nguồn vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng …

 

Không riêng gì xã Cỗ Lũng, nhiều năm qua, NHNo Phú Lương đã đầu tư vốn rất lớn để giúp các hộ gia đình, cá nhân, các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, chủ yếu đầu tư cho phát triển kinh tế ngành nông, lâm nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại dịch vụ…Chỉ tính riêng năm 2011, lĩnh vực nông, lâm nghiệp Ngân hàng đã đầu tư cho vay 88 tỷ 992 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 32,2%, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 34 tỷ 606 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 12,5% tổng dư nợ, tăng  264%; ngành thương mại-dịch vụ 135 tỷ 856 triệu đồng, tăng 3%, chiếm tỷ trọng 49,1% tổng dư nợ.

 

Ngoài ra là cho vay xuất khẩu lao động và đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, đời sống; thực hiện các chương trình kinh tế của huyện như: dự án phát triển cây chè, trồng cây ăn quả; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Vì vậy, đã tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế, ví dụ  như: xã Phấn Mễ có hàng trăm trang trại gà với quy mô hàng nghìn con, trang trại ít nhất đến 8.000 con; các xã Yên Ninh, Yên Trạch, Yên Đổ phát triển mạnh nghề chế biến lâm sản; xã Tức Tranh mở rộng diện tích chè cành (chiếm đến 40% tổng diện tích chè)…NHNo Phú Lương cũng là đơn vị triển khai sớm và tích cực cho các hộ dân vay vốn để thực hiện đối ứng các công trình hạ tầng: đường giao thông, kênh mương, đường điện, xây dựng nhà văn hóa. Đây là tiền đề quan trọng để khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã đáp ứng được một số tiêu chí theo quy định.

 

Nguồn vốn cho thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới chỉ nhìn ở một xã  cho thấy: nhu cầu vốn là rất lớn, trong đó nguồn vốn hỗ trợ của NHNo đóng vai trò rất quan trọng. Phú Lương có 5 xã điểm đưa vào thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 (Cổ Lũng, Ôn Lương, Phấn Mễ, Sơn Cẩm, Tức Tranh), song, theo đồng chí Khổng Minh Hùng, Giám đốc NHNo Phú Lương: đến thời điểm này, Ngân hàng cũng chưa biết được nội dung đầu tư vào cái gì vì việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện mới dừng lại ở bước nghe tổng thể quy hoạch của các xã. Do vậy, Ngân hàng rất mong huyện sớm chỉ đạo các xã rà soát các tiêu chí cụ thể và có phân kỳ đầu tư để Ngân hàng có kế hoạch đầu tư đúng, trúng, đạt hiệu quả cao. Để đáp ứng đủ nhu cầu nguồn vốn, một mặt Ngân hàng sẽ tích cực huy động nguồn vốn tại chỗ, mặt khác sẽ đề nghị với NHNo tỉnh hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu vốn cho các xã thực hiện tốt các tiêu chí còn thiếu. Ngân hàng cũng đang đang nghiên cứu cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng.